Tết để chúng ta trở về với nguồn cội và quê hương của mình

27/01/2020 06:09
Nguyễn Văn Khánh
(GDVN) - Còn Tết là còn “cái cớ” chính đáng nhất để chúng ta tìm về với nguồn cội, với quê hương và những người thân yêu của mình.

Nhiều năm rồi, cứ vào dịp Tết Nguyên đán thì chúng ta lại nghe bàn về chuyện bỏ Tết hoặc gộp “tết ta” và “tết tây” lại với nhau cho đỡ lãng phí thời gian, tiền bạc của xã hội.

Tết là các dòng người từ các khu vực đô thị ùn ùn về quê gây ra tình trạng tắc đường, tai nạn, những ngày Tết thì xảy ra tình trạng rượu chè, bài bạc… khiến cho nhiều người cảm thấy rất băn khoăn.

Tết đến, các công ty, xí nhiệp, mọi người đều nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến năng suất lao động.

Nhưng, bỏ Tết Nguyên đán rồi thì còn đâu là văn hóa người Việt mình nữa, còn mấy ai nhớ về nguồn cội, về quê hương thân yêu của mình.

Những phiên chợ Tết luôn hiện hữu những ký ức đẹp trong lòng mọi người. (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Những phiên chợ Tết luôn hiện hữu những ký ức đẹp trong lòng mọi người. (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Cả một năm tất bật với công việc, kiếm tiền không có thời gian rảnh rang, ngơi nghỉ. Nhiều người phải xa quê, xa người thân yêu của mình đến một miền đất khác, thậm chí phải ra nước ngoài làm việc.

Thôi thì, còn Tết là còn “cái cớ” chính đáng nhất để chúng ta tìm về với nguồn cội, với quê hương và những người thân yêu của mình. Quê hương, mái nhà thân thuộc cho chúng ta sự bình yên, hạnh phúc, cho chúng ta lắng lại với thời gian để chiêm nghiệm cuộc đời.

Tiền bạc rất quan trọng nhưng còn quan trọng hơn nữa là gia đình thân yêu của mình được quây quần, sum họp trong những ngày Tết đến, Xuân về.

Nhiều người đi làm ăn, công tác xa quê rồi lấy vợ, lấy chồng, sinh con. Những đứa con lớn lên nhiều khi không có được sự gắn kết chặt chẽ với người thân trong gia đình lớn của mình.

Tết để chúng ta trở về với nguồn cội và quê hương của mình ảnh 2Tết quê một thời, làm sao quên

Ý niệm về nguồn gốc, quê hương dần trở nên mờ nhạt. Nếu không có Tết thì mấy khi gia đình được trở về thăm ông bà, cô chú, dì cậu và anh em của mình.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi cả nhà được cùng nghỉ vào dịp Tết là khoảng thời gian tốt nhất để sợi dây ràng buộc về gia đình thêm bền chặt và thân ái với nhau hơn.

Có hình ảnh nào đẹp hơn khi vào sáng 30 Tết, cha con, anh em, họ hàng cùng nhau đi mời ông bà về ăn Tết, được quét dọn, sửa sang phần mộ của gia đình mình. Sợi dây hiện tại, quá khứ của mỗi còn người bỗng trở nên thiêng liêng, trân quý nguồn cội của mình nhiều hơn.

Những người xa quê không về được thì ngày Tết cũng chộn rộn nỗi nhớ quê nhà, những cuộc điện thoại đường xa cũng tạo thêm tình thân ruột thịt.

Những câu chuyện gia đình, những lời thăm hỏi, xã giao của người thân nơi quê hương và vợ (chồng) con của mình với gia đình nội, ngoại cũng ý nghĩa nhiều hơn.

Tết để mọi người nghỉ ngơi, cùng gia đình đi đó đây, thăm thú người thân, bạn bè cũng ý nghĩa lắm chứ. Cả năm “cày cuốc” với công việc ngoài xã hội cũng khiến cho nhiều người quá tải, mệt mỏi.

Tết đến, chúng ta được thảnh thơi ngắm cành hoa đào, hoa mai khoe sắc cũng thấy cuộc đời ý vị nhiều hơn.

Ngày Tết, mỗi người Việt chúng ta chăm chút hơn lên bàn thờ tổ tiên, ông bà. Ai cũng lo dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ từ những ngày giáp Tết. Được để lên bàn thờ tổ tiên chiếc bánh chưng xanh, những trái cây ngon, những gói bánh kẹo Tết...

Thỉnh thoảng, thắp nén hương thơm tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình đã nuôi dưỡng hình hài cho mỗi người chúng ta khôn lớn, trưởng thành như hôm nay.

Tết để chúng ta trở về với nguồn cội và quê hương của mình ảnh 3Là người Việt lòng ta là Nguyên Đán

Thật bình yên biết bao khi cùng những người thân yêu của mình tản bộ đi trong làn mưa phùn xứ Bắc hay cái nắng hanh hao của tiết trời miền Nam để đến thăm những anh em, bạn hữu của mình trên con đường làng.

Những lời chúc nhau năm mới cũng ấm lòng nhau sau bao ngày xa cách. Yêu quý nhau nhiều hơn những người bạn láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau.

Ngày Tết, bên mâm cỗ Tết quây quần những gương mặt thân quen, những cái nhìn nhân hậu của gia đình, bạn bè, nhiều khi dù chưa ăn mà ai nấy đều cảm thấy no nê cái nghĩa, cái tình của nhau.

Cuộc sống của mỗi con người trên trần gian này thật ngắn ngủi, hữu hạn. Tiền cũng quý vô cùng nhưng sẽ quý hơn khi mỗi con người chúng ta biết trân quý tình cảm gia đình, nguồn cội và quê hương của chính mình.

Tết- không phải ai cũng rượu chè, cũng bê tha, cũng cờ bạc và gây ra những hệ lụy cho gia đình và xã hội. Nếu mọi người cùng ý thức, cùng có trách nhiệm với gia đình mình, quê hương mình thì sẽ biết cách làm đẹp hình ảnh của mình trước mọi người.

Vì vậy, hãy để Tết Nguyên đán tồn tại bình yên, bất biến trong lòng của mỗi người dân nước Việt như là một cách để chúng ta tri ân với quá khứ, với ông bà, tổ tiên của mình. Và, đây cũng là lúc mọi người có một khoảng nghỉ cần thiết sau một năm làm việc, công tác, học tập mệt mỏi.

Nguyễn Văn Khánh