Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Kinh tế Việt Nam đang phát triển thuận lợi

26/01/2020 10:12
Vũ Phương
(GDVN) - Năm 2020 kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng ấn tượng cả về lượng và chất.

Nhận định về kinh tế Việt Nam năm 2020, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lạc quan, triển vọng về khả năng bứt tốc, phát triển mạnh mẽ.

Với kết quả Việt Nam đứng đầu các quốc gia có mức tăng trưởng GDP ấn tượng năm 2019, Việt Nam cũng được thế giới đánh giá là quốc gia có nền kinh tế ổn định và tăng trưởng nhanh, uy tín quốc tế ngày càng được nâng lên.

Với những tiền đề như vậy sẽ tạo đà để kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng cả về lượng và chất.

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ năm 2020
Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ năm 2020

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2020 tiếp tục phát triển thuận lợi.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích: “Năm 2020 có thể tình hình kinh tế thế giới hồi phục chậm và còn nhiều khó khăn.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo kém lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020. Tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP từ 3,4% vào hồi tháng 10/2019 xuống 3,3%.

Vấn đề chiến tranh Mỹ - Trung từ các phân tích, đánh giá cho rằng mới tạm hoãn chứ chưa phải giải quyết được và sẽ còn tác động đến tình hình kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội tăng trưởng, phát triển bởi Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) được Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu thông qua, Việt Nam có hi vọng vào thị trường Châu Âu mở ra.

Chúng ta có thể xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu, đầu tư nước ngoài cũng được đẩy mạnh hơn.

Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích, cơ hội rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh”.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, nỗ lực của Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khu vực kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa. Ảnh: Vũ Phương.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, nỗ lực của Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khu vực kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa. Ảnh: Vũ Phương. 

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng chỉ rõ, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, vận dụng kinh tế số hóa, thương mại điện tử hay chính phủ điện tử… sẽ giảm bớt chi phí đối với với doanh nghiệp Việt Nam, sản phẩm của Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao hơn.

“Như hiện nay nhiều mặt hàng của Việt Nam vẫn cao hơn hàng hóa của Thái Lan, Malaysia… với những nỗ lực của chúng ta hi vọng thời gian tới hàng hóa của Việt Nam sẽ cạnh tranh được bằng mức giá thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ.

Tất cả những yếu tố trên như tôi đã phân tích cộng với những nỗ lực cải cách của Chính phủ, phấn đấu thì kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ có bước phát triển thuận lợi, phát triển tốt”, ông Doanh nói.

Môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi. Ảnh: Vũ Phương.
Môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi. Ảnh: Vũ Phương. 

Nói về vai trò của kinh tế tư nhân đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định: “Kinh tế tư nhân có bước phát triển mạnh mẽ sau công cuộc đổi mới, đến nay kinh tế tư nhân Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất trong GDP so với các thành phần kinh tế”.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng chỉ rõ: “Theo số liệu của Tổng cục thống kê, thành phần kinh tế tư nhân có đăng ký chỉ mới đóng góp 12% GDP. Còn kinh tế hộ gia đình chiếm 32% GDP. Tức phần lớn kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn là kinh tế hộ gia đình.

Điều đó sẽ gây bất lợi cho chúng ta, bởi kinh tế hộ gia đình không đăng ký thương hiệu, không đăng ký nhãn hiệu và khó có thể cạnh tranh với hàng nước ngoài tràn vào nước ta như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cho nên chúng ta cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển thành các doanh nghiệp lớn.

Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam bằng cách đó sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân lên”.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết: “Như tôi được biết, một doanh nghiệp sử dụng trên 10 lao động sẽ phải đăng ký kinh doanh chứ không hoạt động như kinh tế hộ gia đình nữa.

Với kinh tế hộ gia đình sẽ chỉ phải nộp một khoản thuế khoán. Tuy nhiên, khoản thuế khoán này lại thỏa thuận giữa hộ gia đình và đơn vị thu thuế. Người thiệt hại là ngân sách nhà nước. Đó là điều chúng ta phải xem xét.

Thực sự cởi trói, ủng hộ để doanh nghiệp bứt phá
Thực sự cởi trói, ủng hộ để doanh nghiệp bứt phá

Kinh tế hộ gia đình chiếm đến 32% GDP, nhưng đóng góp vào ngân sách chỉ khoảng 2%. Qua đó thấy có dấu hỏi rất lớn, chúng ta đang thu thuế kinh tế hộ gia đình như thế nào. Cách thu thuế khoán đang áp dụng cho kinh tế hộ gia đình như hiện nay cần phải xem xét lại.

Thực tế, có hộ kinh tế gia đình sử dụng hàng trăm lao động, nhưng khi được hỏi vẫn nói còn nhỏ lắm, không muốn lớn lên”.

Không ít chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ năm 2020, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam.

Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng: “Khu vực kinh tế tư nhân rất mong đợi vào công cuộc cải cách của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần nhấn mạnh sẽ nỗ lực lớn để cải cách, tạo điều kiện thuận lợi nữa để kinh tế tư nhân phát triển.

Tôi mong rằng, những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ được thực hiện nghiêm túc, đem lại cải thiện thực sự trong môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp”.

Vũ Phương