Xin lỗi học trò, không làm thầy cô nhỏ lại

05/02/2020 06:36
Lê Mai
(GDVN) - Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, tôi vẫn làm thầy giáo để cùng vui buồn với lũ trẻ.

Tết sum vầy gia đình cũng là dịp sum vầy của bạn bè sau những thời gian xa cách. Dịp Tết, rất nhiều thế hệ học sinh tổ chức họp mặt, vừa họp mặt vừa Tết thầy, những thầy cô được học sinh mời tham gia họp lớp thường là những người để lại nhiều ký ức cho học trò.

Trong những ký ức lưu luyến một thời ấy, vừa có ký ức đẹp, hạnh phúc nhưng cũng có những ký ức muốn quên đi, càng muốn quên càng nhớ.

Xin lỗi học trò, không làm thầy cô nhỏ lại. (Ảnh: Báo Công lý)
Xin lỗi học trò, không làm thầy cô nhỏ lại. (Ảnh: Báo Công lý)

Thấy gì qua những buổi họp lớp của học trò?

Tôi là giáo viên sắp về hưu, có những học trò chỉ thua thầy vài tuổi, ngày mới ra trường thầy trò đứng với nhau khó mà phân biệt được, nhưng thầy ra thầy, trò vẫn là trò. Tôi đã dự rất nhiều cuộc họp lớp, thấy nhiều điều, muốn viết ra để bạn đọc cùng suy ngẫm.

Học trò học giỏi nhất, chưa chắc đã là học trò tốt nhất.

Nếu quan niệm học trò tốt nhất là học trò biết ơn thầy cô, đơn giản nhất là gặp thầy cô giáo cũ là biết cúi chào, mỉm cười gật đầu, tôi đã gặp những học trò giỏi, khi đang học với mình rất lễ phép, sau khi ra trường gặp bất cứ thầy cô giáo cũ nào cũng ngoảnh mặt làm ngơ như chưa hề biết; nhưng nếu có mặt học trò cũ là cấp trên của bạn ấy đứng bên tôi hay giáo viên khác thì quay ngoắt 180 độ.

Học trò quậy phá nhất, chưa chắc là học trò xấu.

Chiếc ghế, chén đũa dành cho thầy giáo cũ
Chiếc ghế, chén đũa dành cho thầy giáo cũ

T. là học trò nổi tiếng quậy phá ở địa phương, từng vào tù, ra tội nay chạy xe ôm, hiện nay tất cả giáo viên đã từng dạy T. đều có chung nhận xét T. là học trò tốt.

Ngoài ra, T. còn là người giúp đỡ bất cứ ai gặp khó khăn hay bị ức hiếp. Nay T. được người dân mến thương đặt cho biệt danh T. Hiệp sĩ.

Học trò nhiều tiền nhất chưa chắc là học trò giàu nhất.

Nhiều tiền chỉ là số tự nhiên biểu diễn số tiền ai đó sở hữu, giàu có thể hiện mức độ sẻ chia, trách nhiệm xã hội của một người với bạn bè, cộng đồng.

Thực tế, nhiều học trò cũ không nhiều tiền nhưng rất giàu có, giúp đỡ bạn bè khó khăn, đóng góp quỹ học bổng dành cho học sinh khó khăn của trường; mua quà Tết tặng hộ nghèo tại địa phương v.v...

Bên cạnh đó, có những học sinh cũ đi xe sang họp lớp, sở hữu nhiều tài sản; công ty làm ăn phát đạt thế nhưng chảnh chọe khoe của khi gặp bạn bè, đến khi tính hóa đơn là vào… toa lét.

Không có học trò dốt, chỉ có giáo viên không phát hiện ra tài năng của học trò.

Có những em ngày đi học bị không ít giáo viên nhận xét dốt đặc cán mai, dốt không có lỗ xỏ… dành hết phần dốt của người khác rồi à.

Thế nhưng họp lớp là những học trò hoàn toàn khác, nhanh nhẹn, tháo vát; ra đời là thợ lành nghề; là chủ tiệm hớt tóc nổi tiếng; chủ tiệm may đông khách; chủ cửa hàng phở ngon; chủ nhiệm hợp tác xã sản xuất rau sạch; người … thiến gà làm không hết việc; chủ thầu quản lý vài chục công nhân xây dựng v.v...

Xin lỗi học trò, không làm thầy cô nhỏ lại!

Tôi đã chứng kiến cảnh hai thầy trò ôm nhau khóc như chưa bao giờ được khóc, trong một cuộc họp lớp.

Ngày trước đi học, trò phát hiện ra thầy giải sai, phản biện lại thầy, thầy tự ái, không thừa nhận cái sai còn lấy thước quất cho trò thâm mông.

Ký ức đó cứ theo cả trò và thầy dai dẳng, u buồn, càng quên càng nhớ. Gặp lại trò, nhắc lại ký ức, thầy xin lỗi trò, lời xin lỗi như giải thoát gánh nặng trên vai của cả hai người.

Sự phản biện của trò đã làm thầy chợt tỉnh, tự học tự rèn trở thành thầy giáo dạy giỏi trong trái tim bao thế hệ học trò sau đó, thế nhưng trong ký ức của trò và thầy, vẫn là vết thương không bao giờ lành cho cả hai người, nhớ đến là rỉ… máu.

“Cha mẹ mà phải xin lỗi con á? Như thế thì chúng nhờn mặt mất…”
“Cha mẹ mà phải xin lỗi con á? Như thế thì chúng nhờn mặt mất…”

Lời xin lỗi muộn màng như là phép màu làm cho thầy lớn lên, tình thầy trò hòa hợp với mùa xuân, nẩy lộc đâm chồi, chờ mùa quả ngọt.

Không ai hoàn hảo, nếu có sai lầm với học trò, xin lỗi và mong học trò tha thứ ngay, đừng để trong lòng gây buồn đau thêm.

Với tôi không có học trò dốt, không có học trò quậy phá, chỉ có giáo viên chưa tìm ra phương pháp giáo dục.

Có thể ai đó mới đầu tư để được đi dạy, muốn gỡ lại vốn càng nhanh càng tốt; ai đó đang muốn có nhà, có xe nhanh nhất nên tìm mọi cách mời học trò đi học thêm.

Có thể ai đó còn trẻ nghề, non xử lý mà để lại ký ức buồn cho học trò, học trò buồn mình chẳng thể vui đâu.

Đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy sự tử tế là tài sản vô giá, ai sở hữu nó là người giàu có nhất trên đời.

Một lời của thầy có thể thay đổi cuộc đời một đứa học trò, bạn sẽ nâng cánh diều mơ ước hay nhấn chìm tương lai? Tất cả do bạn chọn lựa!

Gần cả cuộc đời vui, buồn cùng lũ trẻ, chứng kiến học trò lớn lên, trưởng thành. Nghe tin học trò thành công mình vui cả mấy ngày.

Nghe tin học trò thất bại, tù tội, cứ thấy trách nhiệm của mình có trong đó, day dứt; phải chi ngày đó mình làm tốt hơn; chưa bao giờ bài hát “Mong ước kỷ niệm xưa” lại hay đến thế.

Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, tôi vẫn làm thầy giáo để cùng vui buồn với lũ trẻ.

Lê Mai