Câu chuyện 1000 USD và chiếc áo của ông Bộ trưởng Tài chính

08/11/2011 10:10
Song An (Thể thao 24h)
Hôm qua, Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ có chuyến công cán ở Indonesia đã tới thăm đội U23.
Đó cũng là chuyện mừng. Bộ trưởng bộ “Tiền” đến và cho tiền. Coi như lấy may, nhìn khoản 1000 USD để hướng về món 1 triệu USD.

Đáp lại tấm thịnh tình ấy, đội U 23 đã tặng lại Bộ trưởng một vật kỷ niệm: chiếc áo thi đấu. Xung quanh chiếc áo này cũng nhiều chuyện. Thứ nhất đó là chiếc áo số 16, từng được một tiền đạo sở hữu. Tiếc rằng tiền đạo này bị loại ngay trước thềm SEA Games.
Chiếc áo tặng bộ trưởng Tài chính. Ảnh: Hà Thành
Chiếc áo tặng bộ trưởng Tài chính. Ảnh: Hà Thành

Hóa ra chiếc áo ấy cũng gửi gắm Bộ trưởng những điều ngoài bóng đá.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ, cũng giống Bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng được cho là thế hệ Bộ trưởng mới đầy năng động dám nghĩ dám làm.

Khi lên nhậm chức, Bộ trưởng Huệ đã gây chú ý bằng chiến thuật đôi công với ngành xăng dầu trong việc đòi giảm 500 đồng/lít giá xăng dầu hồi tháng 8/2011 đồng thời yêu cầu Petrolimex phải minh bạch hóa các khoản lỗ, lãi.

Quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ về việc đảm bảo thị trường xăng dầu minh bạch, không chấp nhận chuyện kêu ca thua lỗ, gây phương hại quyền lợi người tiêu dùng và thị trường giá cả nói chung không chỉ được các chuyên gia mà hấu hết người tiêu dùng cả nước hưởng ứng.

Tại cuộc hội thảo về giá xăng dầu cuối tháng 9/2011, Bộ trưởng Huệ đã có những phản biện đanh thép, hợp lòng dân đi thẳng vào những vấn đề độc quyền hiện nay như xăng dầu, điện lực, viễn thông…

Ít nhất là cho đến nay, lời hứa về việc không tăng giá điện, xăng dầu cho đến hết năm 2011 vẫn được thực hiện.

Nhưng những bộ trưởng trẻ, năng động như Bộ trưởng Huệ, Bộ trưởng Thăng vẫn có gì đó giống với chính đội U23 của ông Falko Goetz trên đất Indonesia. Nghĩa là có ý chơi thứ bóng đá đẹp - như Barca bằng cách giữ bóng đan lát. Khác biệt cơ bản là Barca liên tục ghi bàn, còn U23 Việt Nam thì bế tắc toàn diện.

Vấn đề là ở chỗ đó, trong một cuộc chơi, chơi như thế nào cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn phải là có bàn thắng, có chiến thắng để có thể đi đến những mục tiêu cuối cùng.

Trong cuộc chiến với xăng dầu của Bộ trưởng Huệ hay cuộc chiến của bộ trưởng Thăng với những vấn đề giao thông, dường như người ta mới chỉ cảm nhận được lối chơi chứ chưa thấy bàn thắng.

Phải chăng những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế cũng đang có vấn đề như U23 Việt Nam: thiếu những tiền đạo sắc sảo để ghi bàn.

Đó mới là những bàn thắng, những chiến thắng mà người Việt Nam trông chờ.
Song An (Thể thao 24h)