Tuyển sinh năm 2019, những hạn chế, bất cập cần điều chỉnh

23/02/2020 07:00
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Đó là một số trường đại học, cao đẳng xác định tổ hợp không phù hợp với ngành đào tạo, thiếu cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận công tác tuyển sinh năm 2019 vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần điều chỉnh, khắc phục trong mùa tuyển sinh năm nay (2020).

Đó là một số trường đại học, cao đẳng xác định tổ hợp không phù hợp với ngành đào tạo, thiếu cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn.

Tiếp đến, quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào thấp hoặc nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố…

Tuyển sinh năm 2019, đâu là những hạn chế, bất cập cần điều chỉnh? (Ảnh minh hoạ: VTV)
Tuyển sinh năm 2019, đâu là những hạn chế, bất cập cần điều chỉnh? (Ảnh minh hoạ: VTV)

Tỉ lệ thí sinh trúng tuyển, nhập học vào ngành sư phạm thấp.

Một số ngành chỉ có ít thí sinh đủ điểm sàn, không đủ điều kiện để mở lớp… Một số cán bộ làm công tác tuyển sinh chưa nắm bắt được quy trình và nhiệm vụ, thậm chí còn có sai sót…

Đó là tình trạng một số cơ sở đào tạo khi xây dựng phương án tuyển sinh chưa được tính toán kỹ việc mở ngành, chỉ căn cứ vào nhu cầu nhất thời của một số đơn vị mà mở ra một ngành mới gây lãng phí về tiền bạc và nguồn nhân lực.

Những nhóm ngành học sinh không muốn học nhất năm 2019
Những nhóm ngành học sinh không muốn học nhất năm 2019

Đó là vẫn còn hiện tượng nhập thiếu, không nhập, nhập không đúng thời gian, cấu trúc, nội dung… theo quy định về việc nhập danh sách thí sinh trúng tuyển, thí sinh xác nhận nhập học, thí sinh đã nhập học lên hệ thống.

Có điểm tiếp nhận chưa kiểm tra hồ sơ thí sinh hoặc không hướng dẫn hiệu quả cho học sinh (ví dụ chính sách ưu tiên), dẫn đến khi nhập học không được chấp nhận, phải giải quyết từng trường hợp với các trường liên quan.

Đó là tình trạng tỉ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (115,39% chỉ tiêu) nhưng nhập học thấp (63,89% so với số trúng tuyển) do trường không nhập đầy đủ danh sách xác nhận nhập học lên hệ thống.

Một số trường phổ thông còn chạy theo thành tích về tỉ lệ học sinh đỗ đại học.

Đó là hạn chế trong công tác tư vấn hướng nghiệp ở một số trường đại học, cao đẳng còn nặng “đánh bóng danh tiếng” gây nhiễu thông tin để thí sinh đăng ký xét tuyển, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động để đưa ra các yêu cầu nghề nghiệp chính xác cho học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn.

SÔNG TRÀ