4 nghịch lý quy hoạch, quy chuẩn trường học ở đô thị ​

21/02/2020 06:05
Tùng Dương
(GDVN) - Hiện nay đang có thực tế là rất dễ thay đổi quy hoạch, công năng và thậm chí là mục đích sử dụng đất. Đất quy hoạch làm bãi đỗ xe nhưng lại xây nhà ở 40 tầng.

Ngày 18/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: "Nhà trường trong đô thị - những quy định trói buộc về xây dựng cơ sở vật chất".

Đến dự và phát biểu tại buổi tọa đàm, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, đã nêu quan điểm:

“Qua những ý kiến của các đại biểu và đặc biệt là qua thực tế ở Hà Nội, tôi có may mắn là ở Hà Nội 13 năm với cương vị Trưởng phòng Kinh tế, cũng như tham gia vào đời sống kinh tế xã hội của Hà Nội, chính vì vậy tôi nắm khá rõ những bức xúc trong đó có giáo dục cũng như về trường học".

Video: 4 nghịch lý quy hoạch, quy chuẩn trường học ở đô thị 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chia sẻ: "Tôi hiểu những yêu cầu về quản lý nhà nước cũng như những vướng mắc của nó. Trên tinh thần đó tôi có mấy ý kiến như sau:

Thứ nhất: Đánh giá về hiện tại thì tôi hoàn toàn chia sẻ về ý kiến của các thầy cô, rõ ràng hiện nay đang có những tồn tại thật sự về quy định pháp lý trong vấn đề hạn chế tầng, mật độ xây dựng cũng như các thủ tục có liên quan.

Theo tinh thần chung là đảm bảo cảnh quan đô thị, độ an toàn cũng như yêu cầu về những vấn đề quản lý nhà nước khác trong xây dựng nói chung và xây dựng trường học ở các đô thị nói riêng. Đây như một lý do khách quan biện minh cho những vấn đề.

Thứ hai: Hà Nội cũng như Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là 2 địa phương trong tổng thể cả nước, và các quy định chung cho cả nước nên 2 thành phố lớn này chưa dám vượt rào. Đây là 2 hạn chế có thật và cũng là cái chúng ta đang bức xúc hiện nay.

Thứ ba: Những thủ tục, những hạn chế đó được đặt ra để làm gì? Mục tiêu là để giữ nguyên nó, hay để phục vụ phát triển? Câu hỏi này chưa trả lời được.

4 nghịch lý quy hoạch, quy chuẩn trường học ở đô thị  ​ ảnh 1

Quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội thiếu 2 chữ công lập và hệ lụy không nhỏ

Với tinh thần đó tôi nêu thêm 4 nghịch lý có thật, nhìn nhận cả vấn đề Hà Nội, cả nước và cả thế giới mà tôi đưa ra để làm căn cứ cho chúng ta biện luận, cũng như đề xuất.

Nghịch lý thứ nhất: Hiện nay đang có thực tế là rất dễ thay đổi quy hoạch, công năng và thậm chí là mục đích sử dụng, kể cả giấy phép xây dựng cho những căn nhà cao cấp.

Thậm chí có những quy hoạch rõ ràng là để làm bãi đỗ xe tĩnh từ 1 đến 2 tầng, nhưng bây giờ lại cấp phép 40 tầng, chỉ vì anh vận động, thuyết trình tốt và một số cấp cho phép, thế là anh làm được. Đó là điều có thật.

Trong khi đó để thay đổi quy hoạch cho các trường học mà như thầy Khang vừa chia sẻ là rất khó khăn, nhiều rào cản. Đây là một nghịch lý có thật mà ai cũng hiểu vì sao.

Nghịch lý thứ hai: Xã hội ngày càng phát triển và thay đổi rất nhiều, công nghệ cũng thay đổi mạnh, trong khi quy chuẩn QCVN06 : 2010/BXD của Bộ Xây dựng đã ra đời 10 năm nay rồi, không theo kịp xã hội.

Rõ ràng những quy chuẩn là khuôn khổ cho phát triển, nhưng lại thay đổi chậm hơn thực tế phát triển, tao sao lại không được cập nhật?

Nghịch lý thứ ba: Hà Nội cũng như Thành phố Hồ Chí Minh thì từ năm 2020 bắt đầu được thí điểm xây dựng Chính quyền đô thị, thành phố thông minh và thậm chí Hà Nội có Luật Thủ Đô từ rất lâu 10 năm rồi.

Trong khi tất cả các quy định liên quan đến quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng, quản lý trường học trong đô thị của Hà Nội lại không có gì thay đổi.

Đặc biệt cho thấy rõ ràng, cái mà xây dựng chính quyền Thủ Đô là cần phải đưa cái điều chỉnh, quản lý về xây dựng các trường học ở đô thị vào nội dung của mình. Nếu không thì cũng vô nghĩa.

Ở trên thế giới có một nghịch lý nữa để chúng ta so sánh với Việt Nam. Đại học Lomonoxop ở Nga được xây dựng trên một khuôn viên rộng hàng trăm héc-ta, ngôi trường này cao 29 tầng và có 21 tầng ngầm.

Một đất nước rất rộng như vậy nhưng họ vẫn rất coi trọng diện tích không gian ngầm. Trong khi chúng ta đất hẹp nhưng lại bỏ phí phần đó, kể cả trường học cũng thế.

Trong khi có một loạt các nhu cầu có thật để xây dựng được như phòng thí nghiệm, bể bơi, khu giáo dục thể chất, các phòng họp của giáo viên…có rất nhiều nhu cầu mà có thể hạ âm xuống nhưng chúng ta lại không hề có. Tất cả lại xây dựng nổi mà lại còn không quá 4 tầng. Nghịch lý là như vậy”.

Tới dự tọa đàm có các đại biểu:

Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 12, 13.

Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Ông Nguyễn Đại Minh - Viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội).

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế.

Tiến sĩ Hoàng Anh Giang - Trưởng phòng nghiên cứu phòng chống cháy, Viện Khoa học công nghệ xây dựng.

Tùng Dương