5 giải pháp phát triển trường học ở khu đô thị

22/02/2020 06:56
Tùng Dương
(GDVN) - Đảm bảo tính minh bạch các quy hoạch, quy trình cấp phép cũng như quy hoạch về đất sử dụng cho các trường học đô thị. Cấp phép nhanh cho các trường học này.

Đến dự và phát biểu tại buổi tọa đàm: "Nhà trường trong đô thị - những quy định trói buộc về xây dựng cơ sở vật chất", do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 18/2, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, đã nêu quan điểm:

Với 4 nghịch lý như đã nêu tôi đề nghị một quan điểm mới trong vấn đề xây dựng phát triển các trường học ở khu đô thị.

Cần phải có thiết kế linh hoạt, sát với thực tế cho các trường học ở các khu đô thị và đặc biệt là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, phù hợp với năng lực công nghệ, phù hợp diện tích để đảm bảo tăng hiệu suất sử dụng đất.

Đảm bảo tính minh bạch các quy hoạch, quy trình cấp giấy phép cũng như quy hoạch về đất sử dụng cho các trường học đô thị. Phải ưu tiên cấp giấy phép nhanh cho các trường học này".

Video: 5 giải pháp phát triển trường học ở khu đô thị

Theo ông Phong: "Với những quan điểm trên, qua tọa đàm này tôi đề nghị 5 điểm cần đề xuất lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng và đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ nhất: Cần phải lập tức cho các bộ phận chức năng rà soát lại ngay các quy định hiện hành, liên quan đến vấn đề cấp phép cũng như hạn chế xây dựng, các tiêu chuẩn xây dựng các trường học đô thị. Từ đó nhận diện ra các hạn chế.

Thứ hai: Thực hiện việc tổng rà soát đánh giá nhu cầu thực tế về nhu cầu của học sinh, nhu cầu giáo dục đào tạo trong tương lai. Chúng ta phải nắm được thực tế thì mới có căn cứ để điều chỉnh cần thiết.

5 giải pháp phát triển trường học ở khu đô thị ảnh 1

4 nghịch lý quy hoạch, quy chuẩn trường học ở đô thị

Thứ ba: Tổng rà soát để đánh giá khả năng cung cấp đất cũng như các quy hoạch đất hiện nay cho các trường học, nhất là các trường học đô thị.

Thứ tư: Cần phải nghiên cứu, điều chỉnh bổ xung các điểm cần có, cũng như các quy định cần thiết để tháo gỡ các hạn chế của những nút thắt nêu trên.

Cuối cùng, tôi cho rằng ở cấp quốc gia cần phải có sự bổ sung, xây dựng bộ tiêu chuẩn mới, đặc thù cho các trường học ở khu đô thị, đặc biệt là những đô thị lớn như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, và nhưng đô thị Trung ương. Tất cả các vấn đề nêu trên đều là việc cần làm ngay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng và ủy ban nhân dân các tỉnh cần phải lập những nhóm, tổ liên ngành để thực hiện việc phân công, phân cấp và xây dựng các tổ nhóm, để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

Tôi thấy nếu xây dựng được những bộ quy định mới như vậy thì chắc chắn nó sẽ tạo cơ sở pháp lý cho cả cấp địa phương, cũng như bộ để thực hiện những điều chỉnh cần thiết, nó đảm bảo cơ sở pháp lý cũng như điểm mới trong quá trình xây dựng và phát triển một chính quyền đô thị theo yêu cầu mới hiện nay”.

Tới dự tọa đàm có các đại biểu:

Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 12, 13.

Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Ông Nguyễn Đại Minh - Viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội).

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế.

Tiến sĩ Hoàng Anh Giang - Trưởng phòng nghiên cứu phòng chống cháy, Viện Khoa học công nghệ xây dựng.

Tùng Dương