Những gói mì tôm tặng bác sĩ và niềm tin thắng "giặc" Covid

21/02/2020 10:59
Lại Cường
(GDVN) - Những ngày chống Covid-19, người dân gửi tặng y bác sĩ “quà tiếp sức” giản dị là mì tôm, dưa hấu...

Covid-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virú Corona được phát hiện lần đầu tiên tại Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay, dịch bệnh lan đã lan tới 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Tính đến sáng ngày 20/02/2020, trên thế giới đã có 75.726 người mắc phải dịch Covid-19, số trường hợp tử vong là 2.128 bệnh nhân, trong đó phần lớn là ở Trung Quốc đại lục.

Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận 16 người mắc COVID-19 và đến nay ngành y đã điều trị khỏi 15 trường hợp, trong đó có bệnh nhi 3 tháng tuổi.

Không chỉ tuyến trung ương, đã có những bệnh nhân được chữa khỏi bệnh tại y tế tuyến cơ sở.

Hệ thống y tế của Việt Nam đã chủ động phòng chống dịch rất có hiệu quả. Hiện chỉ còn 34 trường hợp nghi ngờ, đang theo dõi, cách ly tại các cơ sở y tế. Đặc biệt là tại Việt Nam, chưa có cán bộ y tế nào bị lây nhiễm.

Đây là thành tích vượt trội của Việt Nam với phác đồ điều trị phù hợp trong khi hiện thế giới chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc xin phòng bệnh này và dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

Để có được kết quả trên, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã vào cuộc rất quyết liệt với các phương án ứng phó toàn diện, các hướng dẫn cụ thể về giám sát ca bệnh, xét nghiệm, điều trị.

Hai bệnh nhân đầu tiên dương tính COVID-19 được chữa thành công tại tuyến huyện- phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà thuộc Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Bộ y tế.
Hai bệnh nhân đầu tiên dương tính COVID-19 được chữa thành công tại tuyến huyện- phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà thuộc Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Bộ y tế.

Các hoạt động xét nghiệm sàng lọc, khẳng định đã được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, góp phần phát hiện sớm, khoanh vùng dịch, cách ly, điều trị bệnh nhân và quản lý người tiếp xúc.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, thời gian vừa qua Việt Nam đã xét nghiệm cho gần 1000 trường hợp, trong đó xác nhận hơn 900 mẫu âm tính với COVID-19. 

Song song với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức trong nước và quốc tế, với trình độ và năng lực đã được minh chứng, việc tự cung ứng được sinh phẩm sản xuất trong nước cho công tác xét nghiệm COVID-19 đã giúp ngành y tế chủ động ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Con trẻ đang bị ảnh hưởng bởi thói ích kỷ, hẹp hòi của nhiều người lớn

Những gói mì tôm tặng bác sĩ và niềm tin thắng "giặc" Covid ảnh 2

Trong buổi lễ ra viện cho bệnh nhân 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhiễm COVID-19 tại bệnh viện nhi Trung ương, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Lương Ngọc Khuê đã nhận định: “Từng ca bệnh ra viện đã mang lại niềm tin cho cả cộng đồng ở Việt Nam và với cả thế giới khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá cao nỗ lực này của Việt Nam. Hiện nay qua đánh giá sơ bộ, Việt Nam đã có đủ mô hình bệnh nhân gồm: Bệnh nhân trẻ, bệnh nhân già; bệnh nhân là trẻ em; người già có nhiều bệnh nền, nhiều tai biến…

Tuy nhiên, chúng ta đã điều trị hết sức tích cực và bệnh nhân vẫn khỏi bệnh, ra viện. Đặc biệt không có bệnh nhân nào tử vong, trong khi kể các các nước hiện đại như: Nhật Bản, Pháp cũng đã công bố có bệnh nhân tử vong.

Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy những nỗ lực của các bác sĩ Việt Nam, nỗ lực của người bệnh và của các cơ quan quản lý đã cho ra những phác đồ điều trị trúng, đúng, không để người bệnh tử vong.

Đặc biệt, tính đến giờ phút này cũng chưa có thầy thuốc nào của Việt Nam bị lây nhiễm bệnh, là những điều rất đáng mừng”.

Bên lề buổi cung cấp thông tin cho báo chí về dịch bệnh COVID-19, trả lời câu hỏi của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về kinh nghiệm chống dịch SARS năm 2003 đã giúp Việt Nam kiểm soát tốt COVID- 19 như thế nào, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết: "Kinh nghiệm từ dịch SARS – CoV cho thấy việc cách ly sớm, điều trị kịp thời đóng vai trò quan trọng giúp giảm tối đa các trường hợp tử vong. Ngay khi phát hiện bệnh nhân nhiễm COVID-19, bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm đưa vào 3 khu vực cách ly gồm:

Khu vực cách ly bình thường, khu vực cách ly khi người bệnh mắc bệnh (phát hiện dương tính với nCoV, điều trị chưa cần dùng tới máy thở) và cách ly điều trị bệnh nhân nặng..."

Cũng từ kinh nghiệm của dịch SARS - CoV năm 2003, Việt Nam được thế giới ghi nhận là nước đầu tiên chữa thành công SARS.

Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam cũng đã trải qua không ít dịch bệnh lớn như đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009 và đại dịch sởi năm 2014.

Kinh nghiệm từ những đợt dịch bệnh như vậy đã giúp ngành Y tế có kinh nghiệm ứng phó với các đợt dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm.

Theo số liệu của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, các bệnh dịch lưu hành trên cả nước ổn định, không ghi nhận bệnh dịch có số mắc gia tăng đột biến.

Các bệnh lưu hành chủ yếu như sốt xuất huyết, tay chân miệng… đều có xu hướng giảm, so với cùng kỳ năm 2019, số mắc sốt xuất huyết giảm 46%, tay chân miệng giảm 44%, sốt phát ban nghi sởi giảm 76%, số trường hợp dương tính với sởi giảm 16 lần, các dịch bệnh khác ổn định, không ghi nhận các ổ dịch tập trung tại cộng đồng.

Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét… là những bệnh dịch lưu hành, nhiều dịch bệnh có tính chất phát triển theo mùa, vì vậy công tác phòng, chống trước mùa dịch để giảm tối đa số mắc và tử vong là rất quan trọng.

Những giải pháp về công nghệ thông tin, công khai thông tin đã giúp đánh bại những tin giả, người dân có niềm tin vào nỗ lực chống "giặc" Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế.
Những giải pháp về công nghệ thông tin, công khai thông tin đã giúp đánh bại những tin giả, người dân có niềm tin vào nỗ lực chống "giặc" Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế.

Các cơ quan y tế dự phòng thường xuyên giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch và tham mưu cho các cấp chính quyền, phối hợp với các ban ngành đoàn thể và toàn dân có các biện pháp kịp thời.

Những nỗ lực và thành tựu của ngành y thời gian qua đã cho thấy những thay đổi tích cực từ ngành y tế, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân.

Trong những ngày chống dịch với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị vào cuộc với ngọn cờ đầu của ngành y.

Trong những ngày phòng chống dịch bệnh có rất nhiều status (dòng trạng thái) trên mạng xã hội, những hình ảnh được lan truyền trên mạng về những tin nhắn “ấm áp” mà Bộ Y tế gửi đến từng người dân, dặn dò, khuyến cáo cách phòng chống dịch bệnh.

Trong những minh chứng về niềm tin của nhân dân với ngành y tế không thể không nhắc tới bài thơ “Đất nước ở trong tim”, một bài thơ đặc biệt về dịch COVID-19 viết cho học trò, ca ngợi đất nước trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 của cô Chu Ngọc Thanh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Hùng Vương (Gia Lai).

Các giải pháp mới nhất ứng phó dịch nCoV
Các giải pháp mới nhất ứng phó dịch nCoV

Bên cạnh đó còn có hàng triệu phát biểu, đánh giá bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần nỗ lực không biết mệt mỏi của các y bác sĩ bảo vệ sức khỏe của nhân dân, tạo niềm tin vững chắc để cùng nhau vượt qua mọi dịch bệnh.

Những nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ trong và ngoài bệnh viện trong đó việc cập nhật số liệu chân thực, chính xác đã “đánh bại” những tin giả, tin độc hại trên mạng xã hội.

Trong những ngày thông tin từ bên kia biên giới nhảy múa với những số liệu người nhiễm, người tử vọng, những tin nhắn hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế đã giúp người dân vững tin hơn và biết cách bảo vệ bản thân.

Các thầy thuốc ngày nay không chỉ chống dịch trong bệnh viện mà còn phải chống dịch cả ngoài bệnh viện, thậm chí phải chống lại sự kỳ thị của một bộ phận người dân có suy nghĩ thiển cận do quá lo sợ COVID-19.

Tất cả là một cuộc chiến không ngừng nghỉ, đã và đang đạt được những kết quả tuyệt vời, được nhân dân ghi nhận, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao.

Người dân ủng hộ lương thực, nhu yếu phẩm, những món quà nhỏ nhưng là nguồn động viên kịp thời cho đội ngũ y bác sĩ (ảnh: Vietnamnet).
Người dân ủng hộ lương thực, nhu yếu phẩm, những món quà nhỏ nhưng là nguồn động viên kịp thời cho đội ngũ y bác sĩ (ảnh: Vietnamnet).

Trong những ngày "chiến đấu" với dịch COVD-19, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương đã nhận được rất nhiều "quà tiếp sức" từ người dân hỗ trợ các y bác sĩ trong quá trình phòng chống dịch COVID-19.

Hình ảnh người dân chở mì tôm, dưa hấu, sữa, nhu yếu phẩm... cho các bác sĩ đã cho thấy niềm tin yêu thực sự của nhân dân dành cho ngành y. Món quà tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa về niềm tin mà người dân trao gửi tới các y bác sĩ nơi tuyến đầu "đánh giặc" Covid-19.

Lại Cường