Suýt nôn ọe vì bánh Custard nổi đầy nấm mốc, bốc mùi chua

09/11/2011 07:09
Trần Nguyên - Bảo Anh
(GDVN) - Còn hạn sử dụng đến ngày 16/12/2012 nhưng khi bóc hộp bánh trứng Custard Calee ra ăn, chị Hương suýt nôn ọe vì bánh bị mốc và bốc mùi chua nồng nặc.

Phản ánh tới báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, chị Lan Hương (số nhà 20 ngách 64/65 Nguyễn Lương Bằng) cho biết: Ngày 2/11/2011, chị đưa con đến bệnh viện Nhi Trung ương, đường Đê La Thành (Hà Nội) để khám bệnh.

Lúc ra về, chị ghé vào cửa hàng tạp hóa tại cổng bệnh viện mua một hộp bánh trứng Thái Custard Calee với giá 48.000 đồng. Từ trước đến nay, chị vẫn thường mua bánh loại này cho con nên rất tin tưởng, hầu như không kiểm tra trước khi ăn, hơn nữa nhìn thấy hạn sử dụng là ngày 16/12/2012, chị càng yên tâm lấy bánh ăn cùng con.

Nhưng lần này, "khi bóc 1 cái bánh trong hộp đưa vào miệng, mùi chua nồng nặc sộc thẳng vào họng khiến tôi suýt buồn nôn", chị Hương phản ánh. Bóc hết vỏ bánh ra nhìn kỹ, chị Hương tá hỏa khi nhìn thấy những đốm mốc to nổi đầy trên mặt bánh.

"Do không để ý nên cháu nhỏ nhà tôi đã ăn hết cái bánh. Mặc dù đến giờ cháu vẫn không việc gì nhưng cả hộp bánh 12 cái mà có đến 4 cái bị mốc thì không thể chấp nhận được", chị Hương lo lắng.

Mặc dù hạn sử dụng đến tháng 12/2012 nhưng bánh trứng Thái Custard Calee đã bị mốc thối và bốc mùi chua nồng nặc.
Mặc dù hạn sử dụng đến tháng 12/2012 nhưng bánh trứng Thái Custard Calee đã bị mốc thối và bốc mùi chua nồng nặc.
Nhận được phản ánh của chị Hương và thể theo mong muốn của chị, phóng viên đã cùng chị đến cửa hàng chị mua bánh để kiểm tra xem còn có bao nhiêu hộp bánh bị mốc như chị đã mua.

Tại đây, khi chúng tôi hỏi mua hộp bánh trứng Thái hiệu Euro Castard Calee, chị chủ cửa hàng tên Huyền vui vẻ lấy ra một hộp bánh mới, còn nguyên giấy bóng kính bọc ngoài cùng. Trước sự chứng kiến của rất nhiều người cũng như chủ cửa hàng, chúng tôi bóc hộp bánh ra và tiếp tục phát hiện có ba chiếc bánh bị mốc. Khi lấy thêm một hộp nữa, lại phát hiện thêm 2 chiếc bị mốc và bốc mùi chua nồng nặc.

Chị Huyền cho biết: Từ trước đến nay chưa hề xảy ra một trường hợp nào như thế này. Khi được hỏi nguồn gốc nguồn hàng chị nhập, chị Huyền cho biết chỉ mới nhập 10 hộp bánh này ngày 2/11 từ một đại lý ở địa chỉ số 55 Dốc Phụ sản (Giảng Võ, Hà Nội).
Cửa hàng bánh bánh Phấn Hiền là nơi cung cấp, và nhập bánh trứng Thái Euro Custard Calee tại số 4 hàng Buồm.
Cửa hàng bánh bánh Phấn Hiền là nơi cung cấp, và nhập bánh trứng Thái Euro Custard Calee tại số  4 hàng Buồm.

Cùng chị Huyền đến đại lý 55 Dốc Phụ sản để tìm hiểu xuất xứ các hộp bánh Custard, chúng tôi được chị Hiền - chủ cửa hàng thừa nhận: hàng hóa do công ty chồng chị nhập về và chị chỉ biết bán hàng thôi chứ không “để ý” là có loại bánh đó hay không. Hiện anh Phấn - chồng chị Hiền - không ở nhà nên PV phải liên hệ với anh qua điện thoại.

Khi nghe chị Huyền trình bày về hiện tượng nhiều hộp bánh Custard bị mốc và muốn hỏi anh xuất xứ nguồn hàng này, anh Phấn cho biết nhập hàng từ số 4 Hàng Buồm (Hà Nội), còn hóa đơn, anh chỉ cần đọc qua xem có thấy khớp giá không và đã… xé vứt đi rồi?!

Điều khiến chị Hương lo lắng nhất là đại lý chị Hiền đã nhập bao nhiêu hộp bánh này và đã phân phối ra thị trường bao nhiêu hộp? Liệu còn khách hàng nào ăn phải loại bánh bị nấm mốc này không bởi chỉ mới trong số 10 hộp chị Huyền nhập về thì chị Hương đã mua 3 hộp và mỗi hộp đều có ít nhất 2 cái bị mốc, vậy những hộp còn lại sẽ như thế nào?

Để giải đáp thắc mắc này, sáng ngày 8/11, sau khi liên hệ, chúng tôi đã có buổi trao đổi với anh Phấn - chủ cửa hàng cùng anh Lê Thế Chiến - giám đốc đại diện nhà nhập khẩu, phân phối bánh Custard Calee tại Hà Nội.

Tại đây, anh Chiến thừa nhận đây đúng là sản phẩm được nhập từ công ty anh và công ty sẽ có trách nhiệm thu hồi, chỉ đạo ngừng bán những sản phẩm có cùng lô hàng được khách hàng phản ánh bị hỏng. Đây là trường hợp phản ánh đầu tiên mà công ty anh nhận được vì bánh Thái Custard Calee không phải sản xuất ở Việt Nam, có thể khâu bảo quản không được tốt đã dẫn đến tình trạng này.  

Theo anh Lê Thế Chiến, đây là trường hợp bánh mốc đầu tiên mà hãng bánh Thái Custard Calee gặp phải.
Theo anh Lê Thế Chiến, đây là trường hợp bánh mốc đầu tiên mà hãng bánh Thái Custard Calee gặp phải.

Cũng theo anh Chiến, tại nhà máy sản xuất bên Thái Lan, quy trình sản xuất rất chặt chẽ với công nghệ châu Âu. Cứ 10 phút lấy một bánh mẫu cho vào hộp bảo quản, đúng 18 tháng, bánh không có vấn đề gì mới bỏ đi sau khi hết hạn sử dụng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, khi chiếc bánh bị hỏng thì có khả năng cả lô hàng đó cũng bị hỏng, nếu vậy nhà máy sẽ báo lại cho các nhà nhập khẩu, phân phối.

Theo anh Chiến: "Vụ việc xảy ra  ngoài ý muốn, chúng tôi sẽ hợp tác với khách hàng và báo cáo với cơ quan chức năng để điều tra xem tại sao lại bị mốc".

Hiện nay thị trường bánh mứt kẹo Việt Nam đang diễn biến khá phức tạp. Càng về cuối năm, nhu cầu bánh mứt kẹo của người dân càng lớn, theo chị Hương, khách hàng phản ánh hiện tượng bánh Custard bị mốc, chị phản ánh vụ việc này chỉ với mong muốn duy nhất góp phần cảnh báo, giúp những người tiêu dùng như chị cẩn trọng hơn trong việc tìm hiểu nguồn gốc các sản phẩm mình sử dụng, đặc biệt là các loại thực phẩm ăn sẵn nhằm bảo vệ sức khỏe gia đình mình

Bên cạnh đó, chị cũng mong muốn những hiện tượng này cần được người tiêu dùng và các đơn vị liên quan làm rõ để bảo vệ chính quyền lợi của mình.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục tìm hiểu và cung cấp cho bạn đọc những thông tin mới nhất về sự việc trên.

Trần Nguyên - Bảo Anh