Bên bờ vực phá sản, hàng trăm trường tư thục ký đơn cầu cứu Thủ tướng!

06/03/2020 06:21
Trinh Phúc
(GDVN) - Các khối trường này khẩn cầu vì hiện đang kiệt sức nghiêm trọng và dần mất tính thanh khoản do học sinh phải liên tiếp nghỉ học.

Ngày 5/3, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thư khẩn cầu hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập toàn quốc vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19 (toàn văn xem tại đây).

Theo đó, đã có 150 trường, cơ sở giáo dục ngoài công lập cùng gửi cầu khẩn tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19).

Trong thư, các đơn vị trình bày, lời khẩn cầu hỗ trợ quan trọng liên quan đến sinh mệnh của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Dịch Covid-19 đang đẩy nhiều trường tư thục vào bờ vực phá sản (ảnh minh họa - nguồn giaoduc.net).
Dịch Covid-19 đang đẩy nhiều trường tư thục vào bờ vực phá sản (ảnh minh họa - nguồn giaoduc.net).

Theo đó, tính đến năm học 2020-2021, khối giáo dục ngoài công lập toàn quốc có gần 2 triệu học sinh. Hàng ngàn tỉ đồng đầu tư vào các cơ sở giáo dục ngoài công lập từ khối tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài đã giúp giảm đáng kể áp lực lên ngân sách nhà nước dành cho giáo dục.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục ngoài công lập luôn tiên phong cập nhật và nâng cao chất lượng giảng dạy tại Việt Nam.

Hàng ngàn trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đã đóng góp rất lớn trong việc nâng trình độ ngoại ngữ, tin học và kỹ năng toàn diện của học sinh Việt Nam.

Hiện tại, dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam và trong tương lai gần có thể vẫn sẽ còn diễn biến phức tạp.

Nhưng hậu quả của dịch Covid-19 để lại cho ngành giáo dục và đe dọa trong tương lai là vô cùng tàn khốc.

Trong thư cho rằng: “Theo khảo sát nhanh, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở  giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi.

Việc đóng cửa hàng loạt các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ gây hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với nền giáo dục Việt Nam.

Hàng trăm cơ sở mầm non sẽ phá sản dẫn đến các cháu bé không có người trông nom, chăm sóc, cha mẹ bị ảnh hưởng công việc làm.

Hàng ngàn trung tâm ngoại ngữ nếu bị đóng cửa sẽ tạo ra một khoảng trống vô cùng lớn trong nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, đẩy lùi tiến trình hội nhập quốc tế”.

Giáo viên, nhà trường ngoài công lập kêu cứu vì Covid- 19
Giáo viên, nhà trường ngoài công lập kêu cứu vì Covid- 19

Theo thư kiến nghị thì trung bình chi phí đầu tư một cơ sở ngoại ngữ vừa phải tốn từ 2-5 tỷ đồng và sử dụng ít nhất là 30 lao động.

Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30,000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, các bảo vệ, lao công, sẽ mất việc.

Khối trường phổ thông tư nhân cũng đang bị áp lực khủng khiếp. Chi phí đầu tư trung bình cho một trường tư chất lượng vừa phải (mức học phí 5-10 triệu/tháng), là khoản 80-200 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là tiền vay đối với các trường mới xây.

Các trường tư cũng chỉ có thể kéo dài thời gian xoay sở không quá 3 tháng (theo thời gian đóng tiền học trung bình của học sinh).

Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở Thành phố và Hà Nội thì sẽ có hàng ngàn giáo viên mất việc, hàng ngàn tỉ tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn.

Đấy là chưa kể sẽ có hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư sẽ mất việc.

Nếu họ chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại sẽ vô cùng lớn.

Phản ứng dây chuyền sẽ là khủng khiếp, cả về mặt tài chính và hệ lụy cho nền kinh tế nói chung, nhưng nghiêm trọng hơn là giáo dục Việt Nam.

Đồng thời, sẽ không có nhà đầu tư, các quỹ đầu tư nước ngoài nào còn muốn đầu tư vào thị trường giáo dục tư nhân với hàng ngàn trung tâm và trường học đứng trước ngưỡng cửa phá sản dây chuyền nữa.

Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ thì mọi thành quả hơn 30 năm đổi mới và khuyến khích đầu tư vào giáo dục tư nhân sẽ bị đẩy lùi và mất trắng.

Chính vì lẽ đó, các khối trường này khẩn cầu vì hiện đang kiệt sức nghiêm trọng và dần mất tính thanh khoản do học sinh phải liên tiếp nghỉ học tránh dịch Covid-19.

Trong gần ba tháng qua, những nhà đầu tư giáo dục tư nhân đã phải gồng mình chịu tất cả những hậu quả của dịch Covid-19.

Hàng trăm tỷ đồng doanh thu không có. Do ảnh hưởng dịch bệnh, một số ngành dịch vụ có số lượng khách hàng giảm đáng kể nhưng ít nhiều vẫn có nguồn thu vì không bị yêu cầu đóng cửa tuyệt đối như các cơ sở giáo dục tư nhân.

Nước mắt trường mầm non tư thục thời Covid-19
Nước mắt trường mầm non tư thục thời Covid-19

Trong khi chờ đợi sự trợ giúp các cấp chính quyền và các cơ quan ban ngành, các nhà đầu tư tư nhân như đã và đang phải nỗ lực tự xoay sở.

Đã hết sức vận dụng những nguồn lực tài chính cuối cùng, thậm chí phải đem cả những đồng tiền tiết kiệm của gia đình để trả tiền thuê trung tâm, trả lương nhân viên, giáo viên, điện nước, thuế, phí, bảo hiểm cũng như các chi phí phòng dịch rất lớn trong một cố gắng duy trì trường học cho học trò và chỗ làm việc cho giáo viên, nhân viên mà mất bao năm mới tạo dựng được.

“Chúng tôi đang đứng trước một tương lai bất định, không biết khi nào trường, trung tâm, cơ sở giáo dục sẽ được mở, học sinh được đi học.

Nhưng tiền lương giáo viên, nhân viên vẫn phải cáng đáng, tiền vay ngân hàng vẫn phải trả, tiền thuê địa điểm vẫn phải thanh toán.

Chúng tôi đã kiệt sức! Về tài chính, về năng lượng và cả ý chí!” - những lời thống thiết trong thư.

Vì thế các trường khẩn cầu: “Cơ quan ban ngành đồng cảm và chia sẻ với sự khó khăn chưa từng có mà các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang đối mặt.

Các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang phải dùng đủ mọi cách tự xoay sở nguồn vốn, chịu tất cả các chi phí ở mức cạnh tranh theo cơ chế thị trường, tạo nên áp lực tài chính nghiêm trọng khi không có nguồn thu.

Tâm lý lo ngại tập trung đông người sau khi dịch bệnh tạm lắng sẽ gây không ít khó khăn cho hoạt động của chúng tôi và sẽ mất rất nhiều thời gian để các cơ sở giáo dục có thể trở lại hoạt động như bình thường.

Trước những khó khăn và diễn biến bất lợi đó, chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan Đảng và Nhà nước xem xét và thông qua một gói các phương án hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cụ thể:

Một: Trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, cho phép các cơ sở đào tạo ngoài công lập được nhanh chóng hoạt động trở lại để phục vụ học sinh, chương trình học tập đúng tiến độ, có doanh thu và đảm bảo đời sống cho giáo viên, cán bộ công nhân viên.

Các trường học, trung tâm giáo dục sẽ cam kết nghiêm túc thực hiện các quy định về vệ sinh, an toàn, phòng chống dịch bệnh theo đúng yêu cầu của các cấp chính quyền.

Đối với các trường phổ thông dân lập, đề nghị cho phép học sinh được đi học như các trường phổ thông quốc tế Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý cho mở cửa lại.

Hai: Miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội:

- Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2019. Khoản thuế giảm này xem như một phần để hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập vượt qua khó khăn kinh doanh năm 2020.

- Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2020, và giảm tối đa các khoản thuế, phí phải nộp ngân sách nhà nước.

- Chính phủ tác động và hỗ trợ các cơ quan bảo hiểm xã hội giãn, hoãn và giảm các khoản đóng góp Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế từ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, ít nhất là giãn thời điểm nộp tới sớm nhất là  tháng  3/2021.

Đặc biệt được miễn nộp tối đa các khoản bảo hiểm, thuế, phí, lệ phí trong  thời gian nghỉ hoạt động do dịch.

- Kêu gọi sự chia sẻ, đồng cảm của xã hội và cộng đồng, đặc biệt là các đơn vị cho thuê địa điểm có thể hỗ trợ giảm tiền thuê, giãn thời gian thanh toán tiền thuê cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập: Giãn tiến độ nộp ít nhất tới Quý 4 năm 2020, giảm tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục tối thiểu 30% trong năm 2020.

- Điều chỉnh giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân, tăng mức thu nhập chịu thuế và tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc đối với người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Ba: Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại cần khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Chỉ đạo, khuyến khích, hướng dẫn các ngân hàng chấp thuận các các gói vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với mức lãi ưu đãi được kỳ vọng là từ 3 tới 6%/năm trong năm 2020, 2021.

Bốn: Công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến (online), đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy.

Đồng thời đây chính là cách để số hoá nền giáo dục cũng như giảm chi phí không cần thiết và tăng sự đồng đều của chất lượng, cũng là cách góp phần chống các dịch bệnh khi phát tác.

Năm: Là khối doanh nghiệp đặc thù dễ bị tổn thương và tác động tức thì trong thời gian này, chúng tôi đề nghị được tiếp cận một đầu mối tập trung để chúng tôi có thể được hướng dẫn về các vấn đề pháp lý, tạo điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ, đồng thời giải quyết nhanh các thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp cho giáo viên và được xác nhận trường hợp dịch bệnh này là điều kiện bất khả kháng, để chúng tôi có căn cứ thương lượng với các đối tác cung cấp sản phẩm, dịch vụ, địa điểm trong thời gian này, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn từng bước đi vào ổn định hoạt động, phục vụ hàng triệu học sinh, học viên toàn quốc.

Suốt trong những năm qua, dù có muôn trùng khó khăn, chúng tôi vẫn luôn tự lực cánh sinh vươn lên để có trường ra trường, lớp ra lớp và cùng xã hội nâng chuẩn của các hệ thống giáo dục lên tầm quốc tế và hoà nhập, sánh vai với các nước trên thế giới.

Cổ nhân có câu: “Giáo dục giúp chúng ta dịch chuyển từ vùng tối bất khả tri đến ánh sáng của tri thức”, nhưng vào thời khắc này, chính chúng tôi đang chìm dần trong bóng tối của khó khăn, nên rất mong được quan tâm, động viên, chia sẻ và có hành động thiết thực giúp cho anh chị em trong ngành vượt qua khó khăn.

Cuối cùng trong thư nêu: “Thiệt hại kinh tế từ khủng hoảng Covid-19 đang sắp vượt ngưỡng giới hạn chịu đựng và chúng tôi rất mong Quý ban ngành thấu hiểu và kịp thời chia sẻ với chúng tôi. Nên một lần nữa, chúng tôi khẩn cầu Quý cơ quan khẩn cấp hỗ trợ để chúng tôi tiếp tục sứ mệnh trồng người và phát huy chủ trương xã hội hóa giáo dục và đào tạo của Nghị quyết số 29-NQ/TW”.

Trinh Phúc