Tôi chia sẻ với khó khăn của trường tư thục, một số kiến nghị cần được xem xét

08/03/2020 07:53
Đỗ Thơm
(GDVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu phương thức đánh giá như thế nào đó để công nhận quá trình dạy và học trực tuyến của thầy cô và học trò.

Ngày 5/3 vừa qua, đã có 150 trường, cơ sở giáo dục ngoài công lập cùng gửi cầu khẩn tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19).

Trong thư, các đơn vị trình bày, lời khẩn cầu hỗ trợ quan trọng liên quan đến sinh mệnh của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Về nội dung các trường, cơ sở giáo dục ngoài công lập kiến nghị, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số quan điểm của đại biểu Quốc hội.

Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13 (bên trái) và Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.
Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13 (bên trái) và Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.

Trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng, dịch bệnh do Covid-19 gây ra ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, du lịch...

Các ngành như hàng không, du lịch... bị ảnh hưởng nặng nề và cũng rất cần hỗ trợ kịp thời chứ không riêng gì khu vực các cơ sở giáo dục tư thục.

"Theo cá nhân tôi, cần có một chính sách chung để hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp, các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bởi rất khó để có một chính sách riêng cho nhóm này hay nhóm kia khi nhiều ngành nghề cùng bị ảnh hưởng chung bởi dịch bệnh Covid-19.

Chính phủ cần đánh giá, xem xét những ngành nào đang bị ảnh hưởng đến mức nguy hại cho sự phát triển, thậm chí dẫn đến khủng hoảng, phá sản thì cần xem xét ưu tiên.

Bởi nếu chúng ta không ưu tiên đúng, hỗ trợ đúng thì có thể gây hệ lụy không tốt.

Nếu hỗ trợ tràn lan trong khi khả năng có hạn sẽ làm mất cân đối về ngân sách từ đó có thể dẫn đến nợ công tăng lên hoặc yếu tố lạm phát tăng lên quá mức làm ảnh hưởng ngược đến quá trình phát triển.

Chính phủ cần nghiên cứu để đánh giá cụ thể xem nhóm nào, ngành nào cần có sự hỗ trợ khẩn cấp.

Vì thế, với các kiến nghị 150 trường, cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập thì cần được đánh giá xem xét mức độ ảnh hưởng đến mức nguy hại như thế không.

Nếu đúng thì cần có biện pháp hỗ trợ về tài chính, về tín dụng, về thuế…còn nếu chỉ ở mức độ ảnh hưởng chung thì cần có một chính sách chung tổng thể", đại biểu Cường phân tích.

Cũng liên quan đến kiến nghị trên, bà Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13 cho biết, bà thông cảm và chia sẻ với những khó khăn của các sơ sở giáo dục tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

“So với các trường công thì các cơ sở giáo dục tư thục đúng là khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều khi học sinh nghỉ học phòng tránh dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, gì thì gì cũng phải trên nguyên tắc sức khỏe, tính mạng, an toàn của học sinh là trên hết.

Vì thế việc học sinh quay trở lại trường khi nào phải dựa trên ý kiến của các đơn vị chức năng chuyên môn”, bà An nhấn mạnh.

Theo bà, các chính sách về tín dụng, tài chính nên được xem xét đánh giá chung với các doanh nghiệp ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch.

Bên bờ vực phá sản, hàng trăm trường tư thục ký đơn cầu cứu Thủ tướng!
Bên bờ vực phá sản, hàng trăm trường tư thục ký đơn cầu cứu Thủ tướng!

Đặc biệt, bà An nhấn mạnh, một trong các nội dung kiến nghị của các trường tư thục là đề nghị “công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến (online), đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy”, đây là kiến nghị hoàn toàn chính xác, tạo tính chủ động cho các trường.

Bà An phân tích, cái quan trọng trong việc dạy và học là phải có đánh giá sự tiếp thu của các em.

“Thời đại công nghệ phát triển, các trường tư thục đã nhanh chóng áp dụng dạy học trực tuyến khi nghỉ tránh dịch Covid-19. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu phương thức đánh giá như thế nào đó để công nhận quá trình dạy và học trực tuyến của thầy cô và học trò.

Nó vừa là tiết kiệm, tránh lãng phí thời gian các trường dạy và học trực tuyến nghiêm túc thời gian vừa qua.

Tiếp đó là về lâu dài đây chính là cách để số hoá nền giáo dục cũng như giảm chi phí không cần thiết và tăng sự đồng đều của chất lượng, cũng là cách góp phần chủ động chống các dịch bệnh hay các tình huống tương tự phát sinh trong tương lai”, bà An nhận định.

Đỗ Thơm