Các trường tư thục chỉ mong sao không đơn độc trong cuộc chiến chống Covid-19

08/03/2020 06:19
Vũ Ninh
(GDVN) - "Trong thời điểm này, khối giáo dục ngoài công lập rất mong muốn có sự cảm thông đến từ xã hội. Những kiến nghị của chúng tôi là hoàn toàn chính đáng".

Đã gần 2 tháng qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trung tâm SACE Việt Nam buộc phải cho học sinh nghỉ học. Tuy nhiên mọi hoạt động của giáo viên vẫn diễn ra bình thường.

Mỗi ngày, giáo viên vẫn duy trì hoạt động đến trung tâm và soạn bài giảng. Sau đó thông qua các kênh khác nhau, trung tâm sẽ gửi bài giảng đến cho học sinh ôn tập tại nhà.

Các trường tư mong Chính phủ quan tâm, hỗ trợ bằng cơ chế chứ không xin tiền
Các trường tư mong Chính phủ quan tâm, hỗ trợ bằng cơ chế chứ không xin tiền

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thị Cúc Hà, Giám đốc trung tâm SACE Việt Nam lý giải:

“Mặc dù hoạt động của các trung tâm hiện tại rất khó khăn và phải đóng cửa nhưng chúng tôi vẫn duy trì hoạt động giảng dạy thông qua các kênh khác nhau.

Điều này giúp học sinh không bị quên kiến thức. Tôi nghĩ tất cả các cơ sở giáo dục tư thục đều mong muốn học sinh mạnh khỏe, học tập tốt. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc thu tiền từ các hoạt động trên. Trước tiên là phải đảm bảo mọi quyền lợi tốt nhất dành cho học sinh”.

Cùng chung tâm trạng với nhiều cơ sở giáo dục tư thục khác, bà Cúc Hà đánh giá: Đợt dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của trung tâm. Tuy nhiên với tâm thế là người làm giáo dục tư thục, các cơ sở đều chấp nhận việc rủi ro.

“Trước đây và sau này cũng vậy, hầu hết những người làm giáo dục tư thục như chúng tôi đều xác định rõ vị trí của mình. Sự rủi ro cũng là một trong những cái mà chúng tôi bắt buộc phải chấp nhận. 

Cho nên để mà nói có một sự hỗ trợ gì đó thì chúng tôi vẫn phải bước qua khó khăn bằng chính nội lực của mình. Các trường tư thục trước đây thường có tâm lý kín tiếng. Vì thế hầu như họ sẽ giải quyết mọi vấn đề một mình”.

Khối giáo dục ngoài công lập rất cần sự thấu hiểu của xã hội và Nhà nước (Ảnh: Tùng Dương)
Khối giáo dục ngoài công lập rất cần sự thấu hiểu của xã hội và Nhà nước (Ảnh: Tùng Dương)

Theo bà Cúc Hà những nhà đầu tư giáo dục tư thục thường xuất phát từ chính những người làm trong lĩnh vực giáo dục. Vì thế họ thường không phải là những nhà đầu lớn quy mô lớn.

Bà Hà cho biết: “Nhiều người nói rằng làm giáo dục chắc là giàu có lắm. Nhưng họ đâu có biết rất nhiều người đầu tư làm giáo dục tư thục thường xuất phát từ cái tâm của họ. Như vậy số vốn họ đầu tư cũng phải là nhiều.

Trong đợt dịch này nhiều chủ trường tư thục phải bán cả nhà, bán cả xe để có tiền trang trải chi phí. 

Trung tâm SACE Việt Nam vẫn duy trì hoạt động và trả lương cho giáo viên. Nhưng chúng tôi cho rằng đây là khó khăn chung và các trường phải có trách nhiệm chung tay cùng xã hội đẩy lùi dịch Covid-19”.

Nhiều trường tư thục giải thể hoặc sang nhượng trong đợt dịch Covid-19 này (Ảnh:T.H)
Nhiều trường tư thục giải thể hoặc sang nhượng trong đợt dịch Covid-19 này (Ảnh:T.H)

Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, khối giáo dục ngoài công lập phải tự mày mò cách thức để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Không chấp nhận cảnh “bó tay chịu trói” nhiều trung tâm cũng đổi mới phương thức hoạt động để thích ứng với đợt dịch này.

Trung tâm Anh ngữ ILA mang đến mô hình hoàn toàn khác biệt – hệ sinh thái học trực tuyến.

Mô hình này giúp học sinh có thể học tiếng Anh tại nhà và không ảnh hưởng quá nhiều đến tình hình kinh doanh của trung tâm. Bằng việc xây dựng hai nền tảng: ILA@Home và ILA@Live đảm bảo việc học của học sinh không bị gián đoạn.

Bên bờ vực phá sản, hàng trăm trường tư thục ký đơn cầu cứu Thủ tướng!
Bên bờ vực phá sản, hàng trăm trường tư thục ký đơn cầu cứu Thủ tướng!

Trong đó ILA@Home là thư viện trực tuyến dành cho học viên từ 3 - 17 tuổi với kho bài học, video về tiếng Anh và toán. Các bài giảng được biên tập kỹ lưỡng, kho bài học gồm hơn 400 video với nhiều chủ đề, đi cùng các bài tập và hoạt động thực hành.

Bà Mona Nainie, giám đốc Học vụ ILA, chia sẻ:

"Tại thời điểm này, làm sao để học sinh không quên kiến thức, tìm thấy niềm vui học tập tại nhà, làm sao để phụ huynh an tâm về việc học của con, không bị vướng bận tài chính là điều ILA tập trung giải quyết. Hình thức học này ứng phó rất tốt trong dịch Covid-19 mang lại lợi ích cho học sinh”.

Trong giai đoạn khó khăn này, khối giáo dục ngoài công lập rất cần cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước và sự thông cảm của xã hội. Bà Cúc Hà ví von khối giáo dục ngoài công lập vô cùng đơn độc và dường như phải ứng phó mọi thứ chỉ với nội lực hiện có.

Trong cuộc chiến với dịch Covid-19 các trường tư không muốn họ phải cô độc, chiến đấu 1 mình (Ảnh:T.H)
Trong cuộc chiến với dịch Covid-19 các trường tư không muốn họ phải cô độc, chiến đấu 1 mình (Ảnh:T.H)

Bà Cúc Hà đề xuất: “Tôi nghĩ việc các trường tư thục kêu cứu là chính đáng. Chúng tôi chỉ mong có sự hỗ trợ về chính sách sau khi học sinh đi học.

Thực sự khối giáo dục ngoài công lập vẫn luôn đơn độc, phải ứng phó mọi thứ một mình. Tôi mong Chính phủ không bỏ rơi giáo dục ngoài công lập vì những lợi ích mà chúng tôi mang đến cho giáo dục nước nhà.

Bên cạnh đó tôi cũng mong muốn sẽ có một sân chơi, một hiệp đoàn dành cho tất cả những người làm giáo dục không phân biệt công – tư để mọi người có thể tương trợ nhau.

Tôi cũng mong phụ huynh và xã hội có một sự nhìn nhận đúng đắn đối với các trường tư. Trong cuộc chiến với dịch Covid-19 chúng tôi không muốn mình phải đơn độc đối đầu”.

Vũ Ninh