Phải tính đến phương án xét đặc cách tốt nghiệp cho bậc phổ thông

11/03/2020 06:23
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo thầy Thái Văn Thành: “Nếu dịch bệnh kéo dài phải nghĩ đến xét đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông chứ không thể lấn sang năm học khác được".

Hiện nay, diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn rất phức tạp nên khó để phán đoán khi nào có thể ổn định để tổ chức dạy học bình thường.

Chính vì thế đã có nhiều phương án đưa ra để “chữa cháy” cho việc dạy học chính khóa đang bị đảo lộn hiện nay. Một trong số đó là đề xuất việc dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình.

Tuy nhiên, để dạy học trực tuyến thực sự có hiệu quả và trở thành một hình thức dạy học chính khóa thì còn là vấn đề cần phải bàn luận nghiêm túc.

Dịch Covid -19 kéo dài đã làm đảo lộn hoạt động giáo dục (ảnh mình họa- Trinh Phúc).
Dịch Covid -19 kéo dài đã làm đảo lộn hoạt động giáo dục (ảnh mình họa- Trinh Phúc).

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Thái Văn Thành,  Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, đến nay chưa có tỉnh nào dạy học chính khóa trên truyền hình, internet. Muốn học trực tuyến chính khóa thì Bộ phải có quy chế dạy học trực tuyến.

Trong đó, phải đảm bảo nguyên tắc yêu cầu sư phạm, thiết kế bài dạy, yêu cầu bài dạy, rồi đánh giá như thế nào, nguyên tắc đánh giá như thế nào...

“Đến nay Bộ chưa có quy chế hay thông tư để hướng dẫn nơi nào đủ điều kiện để dạy học trực tuyến như dạy học chính khóa”  - thầy Thành nói.

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, cần phải quy định rõ các điều kiện đảm bảo dạy học trực tuyến như học sinh phải có kết nối mạng internet, có thiết bị điện tử để học.

Trong khi học sinh nhiều nơi còn nghèo thì việc tổ chức dạy học theo hình thức này là một thách thức.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục sớm có ý kiến về dạy học từ xa
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục sớm có ý kiến về dạy học từ xa

Thầy Thành một lần nữa nhấn mạnh: “Vấn đề dạy trực tuyến ở Việt Nam chưa được xem là dạy chính thống và chưa có chỉ đạo bài bản.

Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào dạy học như vậy thì Nghệ An thực hiện từ năm học trước. Nghệ An là một trong những tỉnh đi đầu trong việc xây dựng nhà trường điện tử như sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc điện tử.. tỉnh Nghệ An làm đầu tiên và từ đó Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất các tỉnh làm.

Do đó, khi đã nghỉ học thì sau này đều phải dạy bù”.

Nói thêm về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở Việt Nam, thầy Thành chia sẻ dạy trực tuyến hiện đang làm với Viettel, mobifone, VNPT.

Các phần mềm đều miễn phí, hiện nay đang làm với VNPT, Viettel các giáo viên phổ thông đang sử dụng các nền tảng này để bồi dưỡng trực tuyến.

Liên quan đến các phương án giáo dục ứng phó với dịch Covid -19, thầy Thành cho rằng, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chưa ai khẳng định được khi nào mới hết, thế giới dự báo đến khi nào có vắc xin thì mới ngăn chặn được dịch.

Do đó, trong bối cảnh ấy giáo dục cũng với tình thần “Dù khó đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.

Cuối cùng thầy Thành nhấn mạnh: “Thậm chí, đến lúc cũng nghĩ đến chuyện xét đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông chứ không thể kéo dài rồi lấn sang năm học khác được.

Như thời chiến những người chưa tốt nghiệp cũng được xét đặc cách rồi đưa đào tạo nước ngoài sau thành giáo sư, tiến sĩ cùng nhiều…”.

Trinh Phúc