Trường tư giúp học trò để tự cứu mình vượt qua dịch bệnh Covid-19

17/03/2020 09:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Thực sự trong mùa dịch, các thầy cô Trường Lương Thế Vinh nói riêng, hệ thống trường tư thục nói chung vẫn đang lao động miệt mài, thậm chí là cật lực.

Ngày 12/3/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 793/BGDĐT-GDTrH gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống Covid-19.

Các trường tư thục làm thế nào để thực hiện tốt chỉ đạo này của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong bối cảnh nguồn thu học phí chính khóa không có? Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với cô Văn Thùy Dương - Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội về vấn đề này.

- Thưa cô, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chưa biết khi nào học sinh có thể quay trở lại lớp học, nhà trường đã có những giải pháp nào để duy trì hoạt động dạy và học, đặc biệt là giúp các em học sinh năm nay thi chuyển cấp hoặc thi tốt nghiệp có thể tự tin vượt qua kỳ thi này?

- Cô Văn Thùy Dương: Cũng giống như nhiều trường tư thục trên địa bàn Hà Nội, kể từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, các cán bộ, giáo viên và nhân viên Trường Lương Thế Vinh vẫn thực hiện nghiêm ngặt các chỉ đạo của cơ quan y tế về việc vệ sinh trường lớp, khử khuẩn thường xuyên để sẵn sàng đón các con trở lại lớp khi nào Ủy ban nhân dân thành phố có quyết định chính thức.

Học sinh nghỉ phòng dịch Covid-19, các thầy cô trường Lương Thế Vinh vẫn thường xuyên có mặt làm công tác vệ sinh, khử khuẩn lớp học để sẵn sàng đón các em trở lại khi hết dịch. Ảnh do nhà trường cung cấp.
Học sinh nghỉ phòng dịch Covid-19, các thầy cô trường Lương Thế Vinh vẫn thường xuyên có mặt làm công tác vệ sinh, khử khuẩn lớp học để sẵn sàng đón các em trở lại khi hết dịch. Ảnh do nhà trường cung cấp.

Đồng thời, nhà trường cũng bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017 của Bộ về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh để tổ chức hướng dẫn học sinh tự học tại nhà, giao bài, kiểm tra các em.

Hoạt động hướng dẫn các em học tại nhà mới chỉ mang tính chất củng cố kiến thức giúp các em không bị ngắt quãng việc học quá lâu, không thể dạy kiến thức mới theo chương trình cũng như giúp các em cuối cấp chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi tuyển sinh, điều mà rất nhiều bậc cha mẹ có con năm nay thi đầu cấp, thi tốt nghiệp hết sức lo lắng.

Chúng tôi cũng có đọc được thông tin trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc nhiều phụ huynh Hà Nội nháo nhác tìm chỗ học thêm cho con mặc dù các con đang phải nghỉ phòng dịch Covid-19, cũng vì 2 kỳ thi này. Đó là một thực tế.

- Vậy nhà trường đã có giải pháp nào để giúp các em học sinh của mình, cũng như đáp ứng nhu cầu chính đáng này của cha mẹ học sinh, thưa cô?

- Cô Văn Thùy Dương: Do diễn biến của dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp và khó lường, chưa biết khi nào sẽ kết thúc nên ngày 11/3 vừa qua, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường có trao đổi với Ban giám hiệu, đề nghị nhà trường tổ chức dạy - học online cho các con và cha mẹ học sinh sẵn sàng đồng hành cùng nhà trường, trả chi phí dịch vụ với mức đóng góp mỗi em tham gia là 1 triệu đồng / tháng, trước mắt cho tháng 2 và tháng 3, bằng 1/2 mức học phí học tập trung chính khóa.

Ban giám hiệu và các thầy cô giáo trường Lương Thế Vinh họp bàn giải pháp tổ chức các hoạt động giáo dục qua internet để giúp học sinh không bị gián đoạn việc học, nhất là các em cuối cấp, khi nghỉ phòng dịch Covid-19. Ảnh do nhà trường cung cấp.
Ban giám hiệu và các thầy cô giáo trường Lương Thế Vinh họp bàn giải pháp tổ chức các hoạt động giáo dục qua internet để giúp học sinh không bị gián đoạn việc học, nhất là các em cuối cấp, khi nghỉ phòng dịch Covid-19. Ảnh do nhà trường cung cấp.

Ngày 12/3/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 793/BGDĐT-GDTrH gửi các sở tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống Covid-19, chúng tôi rất quan tâm và phấn khởi trước quan điểm chỉ đạo của Bộ:

"Khi học sinh đi học trở lại, chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định."

Như vậy có thể thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, cho phép và đã hướng dẫn các trường tổ chức dạy - học online trong mùa dịch để không làm gián đoạn việc học của học sinh, Bộ cho phép các trường công nhận các nội dung, kiến thức học sinh đã học bằng các hình thức phi tập trung trong mùa dịch thông qua hoạt động kiểm tra, đánh giá sau khi đi học trở lại.

Trên thực tế, Trường Lương Thế Vinh cũng đã xây dựng cho riêng mình một hệ thống dạy - học trực tuyến từ trước. Nhưng bình thường nếu không có dịch Covid-19, hoạt động dạy - học chủ yếu diễn ra theo hình thức tập trung trên lớp, nên chưa thực sự phát huy hết giá trị của nó.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Trường vừa đưa hệ thống này vào vận hành, vừa tiếp tục hiệu chỉnh và hoàn thiện. Ban giám hiệu đã thông báo tới toàn thể cha mẹ học sinh về giải pháp dạy - học online trong mùa dịch và hướng dẫn cách phối hợp giữa gia đình - nhà trường trong việc tổ chức dạy - học online để đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Để tổ chức hoạt động dạy và học qua mạng internet đảm bảo chất lượng, hiệu quả, ngoài việc nhà trường phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các thầy cô giáo cũng vất vả hơn nhiều trong chuẩn bị bài giảng và thực hiện giảng dạy. Ảnh do nhà trường cung cấp.
Để tổ chức hoạt động dạy và học qua mạng internet đảm bảo chất lượng, hiệu quả, ngoài việc nhà trường phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các thầy cô giáo cũng vất vả hơn nhiều trong chuẩn bị bài giảng và thực hiện giảng dạy. Ảnh do nhà trường cung cấp.

Chính vì thế, đội ngũ các thầy cô giáo Trường Lương Thế Vinh phải lao động vất vả hơn nhiều, do đòi hỏi của một bài giảng trực tuyến rất công phu, khác biệt khá nhiều với công việc giảng dạy trên lớp mà các thầy cô đã quen thuộc bao năm nay.

- Với các trường hợp không đăng ký học trên hệ thống online có trả phí của trường, thì Nhà trường quy định như thế nào, thưa cô?

Cô Văn Thùy Dương: Dạy và học online đang là một giải pháp cấp thời và cũng khá cấp thiết, nhất là đối với học sinh cuối cấp trong khi kỳ thi sắp đến gần, dịch bệnh thì chưa biết lúc nào kết thúc. Tuy nhiên, các em và gia đình có nhiều lựa chọn, nếu không tham gia học online trên hệ thống của Nhà trường, vẫn có thể tự học theo hướng dẫn trên truyền hình (trên kênh VTV 7 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, trên Truyền hình Hà Nội do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức...).

Khi đi học tập trung trở lại, các em cũng sẽ được kiểm tra đánh giá các nội dung đã học, nếu đạt yêu cầu theo quy định của Bộ, Nhà trường công nhận kết quả đó, không khác gì như các em đăng ký học trực tuyến trên hệ thống của Nhà trường.

Tất nhiên với các em tự học theo truyền hình cần tự giác, chủ động hơn rất nhiều, đồng thời gia đình cũng phải dành nhiều thời gian hơn đồng hành cùng các em, chứ thầy cô không thể quán xuyến hết.

Còn trên thực tế, các bậc cha mẹ học sinh Trường Lương Thế Vinh cũng đều thấu hiểu, chia sẻ khó khăn về tài chính với nhà trường, Ban phụ huynh nhà trường đã bàn bạc và xin ý kiến gửi đến toàn thể phụ huynh chung tay góp phần cùng nhà trường hỗ trợ để thày cô yên tâm giảng dạy trực tuyến, giúp con em họ vẫn tiếp tục việc học từ xa mà không phải đi học thêm bên ngoài, thống nhất mỗi phụ huynh sẽ ủng hộ 1 triệu đồng/tháng (cho tháng 2 và tháng 3).

Ảnh chụp màn hình trang 2 văn bản số 769/SGDĐT-GDPT chỉ đạo các trường phổ thông trên địa bàn tổ chức dạy online phải đảm bảo chất lượng, nhưng không được thu tiền, đang có những cách hiểu khác nhau.
Ảnh chụp màn hình trang 2 văn bản số 769/SGDĐT-GDPT chỉ đạo các trường phổ thông trên địa bàn tổ chức dạy online phải đảm bảo chất lượng, nhưng không được thu tiền, đang có những cách hiểu khác nhau. 

- Ngày 13/3/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra văn bản số 769/SGDĐT-GDPT, trong đó chỉ đạo các nhà trường:

"Quá trình tổ chức dạy học Online của nhà trường, của giáo viên cho học sinh của trường, của giáo viên do mình phụ trách, phải đảm bảo tính khoa học, sư phạm, chất lượng và không được thu bất kỳ khoản tiền nào đối với học sinh, phụ huynh học sinh khi học Online do nhà trường, giáo viên nhà trường tổ chức (kể cả việc Ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên". [1]

Theo cô, quy định như vậy liệu có phù hợp?

Cô Văn Thùy Dương: Chúng tôi cho rằng việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo không thu bất kỳ khoản tiền nào đối với học sinh, phụ huynh học sinh khi học online do nhà trường, giáo viên nhà trường tổ chức, là quy định dành cho các trường công lập. Điều này hoàn toàn đúng, và là chuyện tất nhiên thôi.

Trường công lập do ngân sách bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phổ cập giáo dục. Người dân đóng thuế cho Nhà nước, Nhà nước dùng tiền thuế đó để đảm bảo các phúc lợi xã hội cho dân, trong đó có giáo dục, nên không có lý do gì để các trường công lập thu tiền của học sinh / cha mẹ học sinh trong tình huống này. Các thầy cô trường công lập vẫn được Nhà nước trả lương, thì việc thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện, khả năng của trường công là việc dễ hiểu. 

Còn với trường tư thục, ngày 6/3, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trên Báo Nhân dân, đối với các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch, đây là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa. Vì vậy việc thu phí do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau. [2]

Hơn nữa, các trường tư thục phải tự lo toàn bộ, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên, đảm bảo cuộc sống cho các thày cô. Sau Tết Nguyên đán, học sinh tiếp tục nghỉ để phòng dịch, nhà trường vẫn trả lương cho các thầy cô, nếu tiếp tục không có nguồn thu mà vẫn đòi hỏi chúng tôi phải tổ chức dạy - học online có chất lượng, các thầy cô và nhà trường không biết lấy gì để sống? Đó là điều đơn giản thiết nghĩ ai cũng hiểu.

Thực sự trong mùa dịch, các thầy cô Trường Lương Thế Vinh nói riêng, hệ thống trường tư thục nói chung vẫn đang lao động miệt mài, thậm chí là cật lực, để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và tự cứu mình, cứu nhà trường trong cơn đại dịch. Chúng tôi không ngửa tay xin ai cả!

Thực ra chính chúng tôi đang thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ, tự lực cánh sinh vượt qua đại dịch bằng cách đồng hành, chia sẻ và phục vụ học sinh.

- Trân trọng cảm ơn cô!

Tài liệu tham khảo:

[1]http://admin2.hanoi.edu.vn/%2fdata%2fhnedu%5chanoi%5cattachments%2f2020_3%2f769-sgd-gdpt_14320209.pdf?fbclid=IwAR2ZbJ55F6jJ-SDOTuB1hWr6wXH-EU2of8xUUGhvatUYDl5IOmLIDpNYfPI

[2]https://nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/43510202-hoc-phi-phu-phi-duoc-thu-the-nao-khi-hoc-sinh-nghi-phong-dich.html

Hồng Thủy