Ngành giáo dục Gò Vấp 4 lần liên tục đi học tập thực địa tỉnh xa, thu tiền triệu

24/03/2020 06:37
Phương Linh
(GDVN) - Trường Bồi dưỡng Giáo dục quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh 4 tháng tổ chức 4 chuyến đi học tập thực địa bên ngoài thành phố cho giáo viên trong quận.

Ngày 17/3/2020, một giáo viên trên địa bàn quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh chuyển thông tin đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cho biết rằng, trong vài tháng vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp đã tổ chức nhiều lớp học chuyên đề, gọi là lớp đi học tập thực địa.

4 tháng tổ chức 4 lần đi học thực địa

Thông tin được cung cấp cho biết, những lần đi học tập thực địa này đều được kết hợp với du lịch, tổ chức bên ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, tham quan và tổ chức ở những địa điểm rất xa, chuyến đi dài ngày, qua nhiều địa phương khác nhau.

Thời gian học tập thực tế chỉ chiếm một khoảng thời gian nhỏ, chi phí của người tham gia đóng cao hơn nhiều so với giá ngoài thị trường.

Cụ thể: Trong vòng 4 tháng, từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận (giao cho Trường Bồi dưỡng Giáo dục quận Gò Vấp) đã tổ chức 4 chuyến đi học tập thực địa bên ngoài thành phố.

Từ tối ngày 25 đến ngày 27/10/2019, quận tổ chức chuyến đi học tập thực địa “Tìm hiểu phong cảnh, tính đa dạng của hệ sinh thái, điều kiện tự nhiên, con người tại đảo Hòn Sơn, Kiên Giang”, với mức phí là 2.350.000 đồng/người.

Đối tượng tham dự là cán bộ quản lý chuyên môn tiểu học, giáo viên Mỹ thuật, tiếng Anh và Tin học của các trường tiểu học.

Tiếp đó, tối ngày 1 đến ngày 3/11/2019, quận lại tiếp tục tổ chức học tập thực địa “Tìm hiểu điều kiện tự nhiên, xã hội, con người của tỉnh An Giang”, với mức phí đóng góp là 2.250.000 đồng/người.

Đối tượng tham dự chuyến đi này là cán bộ quản lý và giáo viên giỏi của bậc mầm non.

Một chuyến đi học tập thực địa của giáo viên (ảnh có tính minh họa: thptdongdau.vinhphuc.edu.vn)
Một chuyến đi học tập thực địa của giáo viên (ảnh có tính minh họa: thptdongdau.vinhphuc.edu.vn)

Chuyến đi 2 ngày 1 đêm (từ ngày 7 đến ngày 8/12/2019), quận Gò Vấp lại tổ chức chuyến đi học tập thực địa “Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác y tế, văn thư trường học tại Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên. Mức chi phí đóng góp cho chuyến đi này là 2.400.000 đồng/người, do các đơn vị, cá nhân tự đóng góp.

Mục đích của chuyến đi nói trên là để các cán bộ quản lý, nhân viên y tế, văn thư của các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, thắt chặt tình đoàn kết, trải nghiệm một số phong cảnh, tính đa dạng của hệ sinh thái tại Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên.

Thêm nữa, từ ngày 8 đến nỳ 12/1/2020, quận Gò Vấp lại tổ chức tiếp chuyến đi học tập thực địa (chuyên đề ngoại khóa) “Tìm hiểu cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống, văn hóa và con người vùng Đông Bắc” và “Bảo tồn, phát triển di sản văn hóa dân tộc”.

Chuyến đi này trải qua 5 địa phương là Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, với mức phí đóng góp là 12 triệu đồng/người.

Đối tượng tham dự chuyến đi này là Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trường Bồi dưỡng giáo dục quận Gò Vấp, Tổng Phụ trách Đội, Khối trưởng chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hoạt động ngoài giờ lên lớp của bậc trung học cơ sở trong quận.

Những chuyến đi này hoàn toàn không ép buộc

Ngày 19/3/2020, làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Thủy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp (kiêm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng Giáo dục), bà Trần Thị Bích Thuận – Phó Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng đã khẳng định: Đây là các chuyến đi hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc bất cứ giáo viên, trường nào tham gia.

Bà Trần Thị Bích Thuận giải thích: Những chuyến đi này dựa trên kế hoạch của Phòng Giáo dục, được lãnh đạo quận đồng ý, phê duyệt, xuất phát từ chủ trương đổi mới giáo dục, nhất là chương trình giáo dục phổ thông mới đề cao tính trải nghiệm dành cho người học, thì giáo viên cũng cần được trải nghiệm.

Những chuyến đi học tập thực tế này xuất phát từ các đề xuất của giáo viên, lãnh đạo các trường vào dịp đầu năm học.

Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức các buổi tập huấn, thảo luận, đề xuất ý kiến cho tất cả các mặt hoạt động của ngành…cũng như mong muốn tăng cường các buổi học tập thực địa để đổi mới giáo dục từ các trường.

Từ các đề xuất này được gửi về, quận tổng hợp lại các ý kiến, đưa ra thảo luận chung tại Hội nghị tổng kết năm học, nếu nội dung nào phù hợp sẽ được đưa vào kế hoạch của năm học tới.

Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch thì không có một đơn vị tổ chức du lịch nào được độc quyền tổ chức, mà phải có 3 đơn vị báo giá dịch vụ, rồi tổ chức lựa chọn công khai, có công bố tiêu chí lựa chọn đơn vị tổ chức, ra văn bản nghiêm túc để cho cả ngành trong quận hiểu.

Đề cập đến ý kiến của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, sao lại tổ chức các chuyến đi học tập thực địa liên tục như vậy, bà Trần Thị Bích Thuận nói rằng, nhìn thì giống như dồn dập, nhưng thực tế là các bậc học khác nhau, mà cũng không phải đi toàn bộ.

Mỗi chuyên đề học tập chỉ phù hợp với chuyên môn của bậc học đó, phù hợp với một đối tượng cụ thể.

Bà Trần Thị Bích Thuận khẳng định: Các chuyến đi này hoàn toàn mang tính tự nguyện, không ai ép buộc bất cứ giáo viên, trường nào phải đi cả. Nếu không đi thì vẫn có nhiều hình thức bồi dưỡng khác tại chỗ, như tập huấn, thao giảng, tổ chức các chuyên đề…hoặc hỏi lại từ các đồng nghiệp có tham dự chuyến đi.

Ông Nguyễn Thanh Thủy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp nhấn mạnh: Những chuyến đi này đã được tính toán chi li về mặt thời gian, chi phí, thường đi bắt đầu vào tối cuối tuần để không ảnh hưởng đến công việc giảng dạy của thầy cô.

“Giáo viên chỉ học trên lý thuyết, dạy trên sách giáo khoa, mà không có những chuyến trải nghiệm thực tế, thì chỉ truyền kiến thức, thiếu những cảm xúc để có thể giảng dạy hiệu quả hơn” – ông Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh.

Phương Linh