Chiến dịch Trị Thiên - Huế tháng 3/1975

25/03/2020 06:39
Đại tá Đặng Việt Thuỷ
(GDVN) - Đến ngày 26 tháng 3, ta đã giải phóng thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch.

LTS: Nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tá Đặng Việt Thuỷ tiếp tục chia sẻ bài viết về chiến dịch Trị Thiên - Huế tháng 3/1975.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chiến dịch Trị Thiên - Huế (từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 3 năm 1975), chiến dịch tiến công của lực lượng vũ trang Quân khu Trị - Thiên phối hợp với Quân đoàn 2 nhằm bao vây, tiêu diệt tập đoàn phòng ngự thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1 quân đội Sài Gòn ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Trước cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975 của ta, quân khu 1 của địch bao gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngãi được coi là chiến trường trọng điểm, một hướng phòng thủ chủ yếu, ngăn chặn trực tiếp tiến công của ta từ miền Bắc vào.

Quân địch bố trí ở đây 5 sư đoàn bộ binh, 4 liên đoàn biệt động quân, 5 thiết đoàn và 13 chi đội xe tăng, xe thiết giáp, 21 tiểu đoàn pháo mặt đất, 1 sư đoàn không quân (96 chiếc máy bay), 3 duyên đoàn và giang đoàn, nhiều tiểu đoàn bảo an cùng lực lượng dân vệ và phòng vệ dân sự, cảnh sát.

Về ta, để chuẩn bị cho đợt hoạt động trong năm 1975, cùng với lực lượng vận tải của Đoàn 559, lực lượng vận tải của hai Quân khu Trị Thiên - Huế và Khu 5 đã chuyển vào chiến trường hàng chục vạn tấn lương thực, đạn dược, khí tài và nhiên liệu.

Ở Trị - Thiên, đã đảm bảo được 14 tháng lương thực cho bộ đội, xăng dầu đủ hoạt động cho cả năm 1975, đạn đủ cho chiến đấu và có dự trữ cho phát triển. 

Chiến dịch Trị Thiên - Huế tháng 3/1975 ảnh 1
Người dân Huế chào đón Quân Giải phóng (Ảnh tư liệu/ Baothuathienhue.vn)

Trong lúc chiến dịch Tây Nguyên tập trung đánh địch, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thì Quân khu Trị - Thiên, Quân đoàn 2 và Quân khu 5 mở chiến dịch, đánh địch ở đầu phía bắc thuộc quân đoàn 1, quân khu 1 ngụy.

Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp chỉ đạo Quân đoàn 2 trong quá trình thực hiện chiến dịch.

Từ ngày 5 tháng 3, chiến dịch tiến công tổng hợp Xuân Hè 1975 (chiến dịch Trị Thiên - Huế) bắt đầu.

Các lực lượng vũ trang Quân khu Trị - Thiên và một số bộ phận của Quân đoàn 2 hoạt động mạnh ở vùng Phú Lộc, Phú Thứ làm chủ mười ba xã, giải phóng trên 30.000 dân thuộc các vùng Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà; vây địch ở cao điểm 367, đánh địch ở động Ông Do, An Lỗ, Lăng Cô; chiếm cứ điểm Chúc Mao, La Sơn.

Ngày 19, bộ binh và xe tăng ta vượt sông Thạch Hãn, giải phóng thị xã và phần còn lại của tỉnh Quảng Trị, uy hiếp trực tiếp thành phố Huế.

Trên hướng tây nam Đà Nẵng và đồng bằng Trung Bộ, Quân khu 5 đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, giải phóng các huyện Tiên Phước, Phước Lâm, Sơn Hà, Trà Bồng cùng nhiều xã ở vùng giáp ranh, uy hiếp Đà Nẵng từ phía nam.

Ngày 20 tháng 3, trước sự phát triển nhanh chóng của ta ở Tây Nguyên và các hướng khác, Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng giải phóng Huế và Tam Kỳ, tiêu diệt sư đoàn 1 và 2 ngụy từ hai phía bắc và nam, bao vây cô lập tiến tới tiêu diệt cụm quân địch ở Đà Nẵng, tiêu diệt và làm tan rã quân đoàn 1 ngụy, giải phóng các tỉnh Trị - Thiên và bắc Khu 5.

Bộ đội Tây Nguyên phát triển xuống đồng bằng, tiêu diệt nốt quân đoàn 2 ngụy, giải phóng các tỉnh nam Khu 5. 

Tiếp quản và làm chủ biển đảo Tổ quốc trong Tổng tiến công mùa Xuân 1975
Tiếp quản và làm chủ biển đảo Tổ quốc trong Tổng tiến công mùa Xuân 1975

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, Quân khu Trị -   Thiên, Quân đoàn 2, Quân khu 5 đã nhanh chóng tranh thủ thời cơ, dốc toàn lực giải phóng Thừa Thiên - Huế bằng một cuộc tiến công tổng hợp, toàn diện.

Quân khu Trị - Thiên được tăng cường Trung đoàn bộ binh 46, Quân đoàn 2 có thêm Sư đoàn 325 (thiếu Trung đoàn 95) và Trung đoàn 9 thuộc Sư đoàn 304. Hướng Khu 5 có Sư đoàn 304.

Ở nam Huế, ngày 21 tháng 3, Trung đoàn 18 của Sư đoàn 325 tiến công diệt gọn tiểu đoàn 6 ngụy trên các điểm cao 294, 520, 560, chiếm núi Kim Sắc.

Trung đoàn 1 và 2 của Sư đoàn 324 đánh chiếm núi Bông, điểm cao 214, 303 nhưng không thành công.

Tình hình hết sức khẩn trương, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 chủ trương đưa Sư đoàn 325 nhanh chóng xuống cắt đường 1, sẵn sàng tiến công vào Hương Điền; Sư đoàn 324 bỏ qua tuyến phòng ngự vững chắc của địch ở núi Bông - núi Nghệ - Mỏ Tàu - điểm cao 303, tiến ra đường 1 phối hợp với Sư đoàn 325 chia cắt địch.

Thực hiện ý định trên, trưa ngày 22, Trung đoàn 18 của Sư đoàn 325 tiến công địch ở điểm cao 592, sau đó truy kích chúng đến điểm cao 273, 44, áp sát Hương Điền; Trung đoàn 1 Sư đoàn 324 tiến đến thôn Bao Vinh; pháo binh của quân đoàn sử dụng hai khẩu 130mm kiềm chế địch ở La Sơn, Hương Điền, Mũi Né.

Như vậy, đoạn đường 1 Huế - Đà Nẵng bị ta cắt.

Ở bắc Huế, các tiểu đoàn 8, 812, 14 địa phương tiến công địch ở Mỹ Chánh, Lương Mai, Vân Trình. Trước sức ép của ta, địch rút về An Lỗ, Hòn Vượn.

Trước áp lực tiến công của ta từ các hướng, ngay tối 22 tháng 3, bộ tư lệnh tiền phương quân đoàn 1 ngụy vội vã rút về Đà Nẵng bằng máy bay trực thăng và lệnh cho các lực lượng còn lại tổ chức rút khỏi Huế.

Đêm 23, địch ở Huế bắt đầu rút quân theo ba cánh.

Chấp hành chỉ thị của Bộ, Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2 nhanh chóng phát triển tiến công tiêu diệt quân địch co cụm tại Huế từ hai hướng: bắc, tây nam và nam Huế, đồng thời tổ chức lực lượng ngăn chặn không cho địch rút về Đà Nẵng.

Trên hướng nam Huế, từ đêm 22 tháng 3, Sư đoàn 324 tiến công tiêu diệt quân địch ở Phú Hải, sau đó sử dụng Trung đoàn 1 vượt qua phá Tam Giang tiến đánh quân địch ở Kẻ Sung, Cự Lại, chặn đường rút của địch ra cửa Tư Hiền; tiếp đó, đánh chiếm cảng Tân Mỹ và bờ nam cửa Thuận An.

Các trận đánh then chốt, xuất hiện thời cơ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng
Các trận đánh then chốt, xuất hiện thời cơ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

Trung đoàn 2 theo bờ tây phá Tam Giang tiến thẳng về đông Huế cùng Trung đoàn 1 bịt chặt cửa Thuận An, tiến công cánh quân 1 của địch.

Trung đoàn 3 cùng xe tăng phối hợp với Trung đoàn 101 của Sư đoàn 325 đánh chiếm quận lỵ Hương Điền, sau đó phát triển theo đường 1 tiến công đánh chiếm La Sơn, quận lỵ Hương Thủy.

Bị đánh cả phía trước và phía sau, địch ở Phú Bài bỏ cả xe pháo chạy về cửa Thuận An.

Trung đoàn 101 tiến vào An Cửu, Trung đoàn 3 đánh thẳng vào nội đô, đúng 13 giờ ngày 25 tháng 3, ta cắm cờ lên đỉnh Phu Văn Lâu.

Trung đoàn 18 đánh chiếm Phú Lộc, đến 11 giờ 40 phút ngày 26 tháng 3, đã chiếm được ga Thừa Lưu và truy kích về Thổ Sơn.

Cũng trong thời gian này, Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 5 địa phương đã đến chốt ở cửa Tư Hiền, sáng ngày 26 Trung đoàn 101 tiến đánh quân địch rút chạy về cửa Tư Hiền.

Trên hướng bắc Huế, phía cánh đông, tiểu đoàn 3 Quảng Trị cùng một đại đội xe tăng, một đại đội pháo binh tiến công đánh chiếm Thanh Hương, Đại Lộc, quận lỵ Hương Điền, sau đó vượt sông Mỹ Chánh đánh vào Phổ Trạch, Lương Mai, ngày 25 tháng 3, tiến đến cửa Thuận An.

Ở cánh giữa, các tiểu đoàn 14, 812 Quảng Trị truy kích quân địch khi chúng rút bỏ Mỹ Chánh, tiến về Bao Vinh, ngã ba Sình.

Phía cánh tây, Trung đoàn 4 cùng Tiểu đoàn 8 Quảng Trị tiến đánh lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến ở nam sông Bồ; sang ngày 24, địch phản công quyết liệt, nhưng bị ta đánh thiệt hại nặng phải rút.

Ngày 25 tháng 3, Trung đoàn 4 tiến xuống ngã ba Sình, Tiểu đoàn 8 tiến xuống An Hòa, sau đó tiến vào đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành Huế.

Trên hướng tây Huế - đường 12, Trung đoàn 6 và Trung đoàn 271 đến đêm 25 tháng 3 mới vượt sông vào Huế, tiến vào đánh chiếm các mục tiêu ở khu tam giác và đông thành Huế, phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích trong địa bàn tác chiến hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy diệt ác, trừ gian giành quyền làm chủ.

Đến ngày 26 tháng 3, ta đã giải phóng thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch gồm sư đoàn bộ binh 1, lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, hai liên đoàn biệt động quân, lữ đoàn 1 kỵ binh thiết giáp và các tiểu đoàn pháo binh, bảo an, lực lượng dân vệ và phòng vệ dân sự cùng hệ thống ngụy quyền các cấp (chỉ có sở chỉ huy quân đoàn 1, sư đoàn 1, và bộ phận tàn quân khoảng 16.000 tên chạy thoát về Đà Nẵng), thu toàn bộ vũ khí, trang bị;

Góp phần đập tan hệ thống phòng ngự mạnh nhất của địch ở phía bắc, tạo thời cơ cho lực lượng vũ trang Quân khu 5 cùng với Quân đoàn 2 phát triển tiến công giải phóng Đà Nẵng.

* Tài liệu tham khảo:

"Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975)" Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

- "Năm 1975 - những sự kiện lịch sử trọng đại", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.

- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, "Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.

Đại tá Đặng Việt Thuỷ