Hiệu quả từ việc ôn tập trên sóng truyền hình tỉnh Quảng Ninh

01/04/2020 06:36
LÃ TIẾN
(GDVN) - Việc hướng dẫn ôn tập cho học sinh lớp 12 trên sóng truyền hình tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là giải pháp hay, thiết thực của ngành giáo dục tỉnh này.

Từ ngày 16/3 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hướng dẫn ôn tập cho học sinh lớp 12 trên sóng truyền hình tỉnh Quảng Ninh trong thời gian học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, mỗi bài giảng phát sóng là một chuyên đề hướng dẫn ôn tập, có thời lượng 30 phút/ bài giảng.

Trong đó các môn Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh mỗi môn phát sóng 12 buổi; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, mỗi môn dạy phát sóng 8 buổi. Các buổi tối trong tuần phát lại bài giảng môn Ngữ Văn và môn Toán.

Học sinh lớp 12 tại Quảng Ninh được ôn tập trên sóng truyền hình tỉnh (Ảnh: CTV)
Học sinh lớp 12 tại Quảng Ninh được ôn tập trên sóng truyền hình tỉnh (Ảnh: CTV)

Chương trình sẽ phát sóng buổi sáng từ 8 giờ đến 10 giờ 30 phút (3 bài giảng); buổi chiều từ 14 giờ đến 16 giờ 30 phút (3 bài giảng); buổi tối từ 20 giờ đến 22 giờ 30 phút (phát lại 3 bài giảng).

Trong thời gian học sinh đi học trở lại sẽ phát từ 20 giờ đến 22 giờ 30 phút (phát lại 3 bài giảng).

Để chuẩn bị cho việc dạy học trên truyền hình, từ ngày 14/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã thẩm định nội dung chương trình ôn tập các bộ môn.

Từ ngày 15/3 đến 31/3, thực hiện ghi hình các tiết dạy tại Trường Trung học phổ thông Hòn Gai.

Theo ông Nguyễn Văn Tuế, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh,  việc tổ chức, hướng dẫn ôn tập cho học sinh lớp 12 trên sóng truyền hình nhằm xây dựng hệ thống video bài giảng đảm bảo chất lượng chuyên môn.

Đồng thời cung cấp kênh học tập từ xa (qua sóng truyền hình tỉnh) để hỗ trợ học sinh lớp 12 tự ôn tập kiến thức học kỳ 1, ôn thi Trung học phổ thông quốc gia trong thời gian nghỉ học, phòng chống dịch Covid-19.

Chương trình sẽ giúp người học được tiếp cận hệ thống bài giảng của giáo viên giỏi, có kinh nghiệm trong tỉnh;

Đây cũng là dịp để ngành giáo dục thực hiện đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong dạy học, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá.

Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên và năng lực tự học của học sinh.

Bộ Giáo dục sẽ công nhận kết quả học trực tuyến, truyền hình
Bộ Giáo dục sẽ công nhận kết quả học trực tuyến, truyền hình

Cũng theo ông Tuế, để triển khai dạy học trên truyền hình, Sở đã yêu cầu nội dung các bài giảng phải bám sát chương trình giáo dục trung học phổ thông hiện hành và định hướng thi quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nội dung tập trung chủ yếu vào kiến thức, kỹ năng trong học kỳ 1, chương trình lớp 12 nhằm đảm bảo tính chính xác, khoa học, sư phạm, phù hợp với các đối tượng người học.

Mặt khác, thời lượng, thời gian phát sóng phải phù hợp, tạo thuận lợi cho việc theo dõi, học tập của người học.

“Nội dung ôn tập còn căn cứ vào các đề thi Trung học phổ thông quốc gia chính thức và đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2019.

Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh làm quen với định dạng của các đề thi, các yêu cầu của đề trong quá trình ôn tập.

Bài giảng bao gồm nội dung hướng dẫn ôn tập lý thuyết, hướng dẫn luyện tập, hướng dẫn tự học, phù hợp với các đối tượng người học khác nhau”, ông Tuế chia sẻ.

Em Nguyễn Phương Anh (học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Hòn Gai) chia sẻ: “Dù không được tương tác trực tiếp thầy cô, bạn bè nhưng chúng em vẫn được tiếp cận với bài giảng của các môn học trong chương trình giáo dục.

Em thấy các giáo viên dạy dễ hiểu, kiến thức đều nằm trong chương trình đã học nên dễ tiếp thu. Qua trao đổi, em thấy nhiều bạn bè chung nhận định này.

Việc dạy trên truyền hình giúp học sinh cuối cấp như chúng em thêm yên tâm học tập, vững tin chuẩn bị tham dự các kỳ thi tới”.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên trung học phổ thông tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 trên sóng truyền hình Quảng Ninh là giải pháp hay của ngành giáo dục và rất thiết thực trong thời điểm này.

Với việc học qua sóng truyền hình, phụ huynh không cần phải kèm cặp con kỹ như học qua mạng, cũng bớt lo con chơi điện tử hoặc chìm đắm trong mạng xã hội.

Hơn nữa, các giáo viên nắm bắt được thông tin từ Ban Giám hiệu nhà trường và trao đổi với các phụ huynh để bố mẹ đồng hành cùng con trong quá trình ôn tập.

LÃ TIẾN