Để các bệnh nhi không còn "khát chữ" giữa thủ đô Hà Nội

11/11/2011 00:00
Thu Hòe
(GDVN) - Không ai nghĩ, ở giữa thủ đô hoa lệ vẫn có những đứa trẻ ngày đêm gồng mình chống chọi với nỗi đau đớn của bệnh tật và “cơn khát” chữ đến cháy lòng.

LTS: Bao em nhỏ trên mọi miền của đất nước vẫn phải hàng ngày xuất viện rồi lại nhập viện, trở đi trở lại bệnh viện như đi về ngôi nhà thứ 2 của chính mình. 

Bệnh tật đã vô tình làm ước mơ đến trường của bao em nhỏ phải gián đoạn và thậm chí là đứt gánh giữa đường, vĩnh viễn không còn có được niềm vui bình dị đó.

Mỗi năm, không biết đã có bao em nhỏ phải bỏ học, lưu ban lại chỉ vì thời gian gián đoạn việc học hành ở trường quá lâu do vào bệnh viện điều trị bệnh tật. Và cũng không còn đếm được có bao nhiêu cháu bé bất hạnh mắc phải những căn bệnh mãn tính về máu, thận, tim… thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, chưa một lần được cắp sách đến trường học chữ như bạn bè cùng trang lứa.

Nằm trên giường bệnh, đối diện với nỗi đau bệnh tật, không gian sống chán nản, quẩn quanh, bi thương, ước mơ được đến trường trong những tâm hồn thơ dại lại càng cháy bỏng, nồng nàn hơn bao giờ hết.

Thật may mắn vừa qua, trong một buổi làm việc giữa Gs.Ts Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương và Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Tổng Biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ý tưởng thành lập “lớp học đặc biệt trong bệnh viện” với phương châm: “Các em không thể đến trường học chữ vì bệnh tật, chúng ta hãy mang lớp học đến bên giường bệnh cho các em” đã được hai bên đưa ra và nhanh chóng hiện thực hóa.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: “Hy vọng sẽ có nhiều bàn tay chung sức cho dự án lớp học trong bệnh viện”

“Đã từ lâu Ban lãnh đạo bệnh viện khát khao tổ chức được lớp học ngay tại bệnh viện cho các bệnh nhi đang nằm điều trị. Nhìn các cháu trở đi trở lại bệnh viện, phải nằm viện lâu dài làm gián đoạn việc học hành ở trường bị lưu ban không lên được lớp do nghỉ lâu không theo kịp, rồi những cháu chưa có may mắn được đi học ngày nào vì bệnh nặng, chúng tôi thật sự xót xa.

Khi biết được thiện ý của báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chúng tôi như người chết đuối vớ được cọc…”, GS. TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương mở đầu câu chuyện với phóng viên.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh Thu Hòe)
GS. TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh Thu Hòe)

Nhận định và đánh giá về dự án lớp học đặc biệt trong bệnh viện của báo Giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Thanh Liêm cho biết: “Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi diễn ra rất nhiều hoạt động từ thiện từ trước cho đến nay. Tuy nhiên, chương trình từ thiện giáo dục là chương trình lần đầu tiên có ở bệnh viện chúng tôi.

Ban Giám đốc bệnh viện hoan nghênh và đánh giá rất cao dự án lớp học trong bệnh viện bởi đó là một chương trình nhân văn, thể hiện tình nhân ái, yêu thương, chia sẻ với những hoàn cảnh, số phận kém may mắn…”

GS Liêm cho biết thêm: “Ngay từ những ngày đầu thai nghén của dự án lớp học trong bện viện, Ban giám đốc đã giao cho bộ phận chuyên trách là Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đảm trách nhiệm vụ phối hợp cùng báo Giáo dục Việt Nam triển khai dự án.

Bệnh viện đã dành ra một phòng rộng gần 50 mét vuông để làm lớp học cho các em. Mỗi cán bộ công nhân viên của bệnh viện đều có nghĩa vụ phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho báo Giáo dục Việt Nam trong quá trình triển khai dự án…”

“Lãnh đạo bệnh viện, tập thể y bác sỹ, các bậc phụ huynh và nhất là những bệnh nhi điều trị ở bệnh viện đang háo hức chờ đón ngày khai giảng lớp học. Chắc chắn lớp học này sẽ mang đến kiến thức, niềm vui sống, tiếp thêm nghị lực để các em có thêm sức mạnh chống chọi với bệnh tật.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, báo điện tử Giáo dục Việt Nam không thể nào đơn bóng trên hành trình gian nan này. Chúng tôi cần lắm những bàn tay, những sự hảo tâm của xã hội chia sẻ để bớt đi phần nào những nỗi đau, thiệt thòi của các em nhỏ…”, GS Liêm bày tỏ mong muốn.

“Chính tôi sẽ làm thầy giáo trong lớp học đặc biệt này.

Nói về vấn đề này Nhà báo Nguyễn Tiến Bình, TBT báo điện tử GDVN cho biết: "Theo dự kiến, lớp học đặc biệt trong Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ được khai giảng vào ngày 16/11. Mọi khâu chuẩn bị về phòng học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nguồn giáo viên… đã sẵn sàng chờ ngày khai giảng.

Lớp học đặc biệt này được tổ chức hoàn toàn miễn phí cho các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, duy trì ở tất cả các ngày trong tuần và kéo dài mãi mãi để hỗ trợ việc học tập cho các em trong thời gian nằm viện, đảm bảo không gián đoạn việc học hành của các em…”

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình, Tổng biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam. (Ảnh Thu Hòe)
Nhà báo Nguyễn Tiến Bình, Tổng biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam. (Ảnh Thu Hòe)

Lần đầu tiên ở Việt Nam tổ chức được lớp học trong bệnh viện. Nhà báo Nguyễn Tiến Bình cho biết: “Để tiếp nối hành trình làm từ thiện của báo, chúng tôi có ý tưởng kêu gọi lòng hảo tâm của xã hội, hỗ trợ chương trình 100 suất ăn sáng miễn phí cho bệnh nhi nghèo của Bệnh viện Nhi Trung ương.

Nhưng trong quá trình khảo sát, thăm các khoa của Bệnh viện, được tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh, những trường hợp bệnh nhi đang chịu những đau đớn của bệnh tật mà vẫn khát khao được đi học. Nhiều cháu bị gián đoạn việc học hành, phải lưu ban chỉ vì nghỉ học quá lâu đi chữa bệnh và không theo kịp chương trình học khi xuất viện. Lại có những cháu, chưa từng được đi học một ngày nào vì từ lúc mới sinh ra đã trường kỳ nằm viện để giành giật, níu giữ sinh mạng… Việc thành lập lớp học cho các em ở ngay tại bệnh viện trở nên cần thiết hơn lúc nào.

Ban biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được sự đồng thuận cao từ phía Ban lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương. Và “dự án” lớp học đặc biệt trong bệnh viện được xúc tiến triển khai trong sự háo hức chờ mong của hàng trăm bệnh nhi và sự khấn khởi của các bậc phụ huynh, tập thể cán bộ, y bác sỹ bệnh viện…”

Mục tiêu muốn hướng đến của việc tổ chức lớp học đặc biệt này là để tất cả những em bé bất hạnh, không may mắn mắc bệnh đang điều trị tại bệnh viện chưa đi học, đã đi học được tiếp nối con đường học hành, thỏa nỗi khát khao học chữ.

“Tính đến thời điểm hiện tại, các điều kiện thiết yếu để thành lập lớp học đã tương đối đầy đủ. 20 bộ bàn ghế mới, bảng, máy tính, máy chiếu, sách vở, đồ dùng học tập… đã được trang bị đầy đủ. Lớp học cũng đang được tiến hành tu sửa, trang trí lại chờ đến ngày khai giảng.

Chúng tôi sẽ kêu gọi và huy động nguồn giáo viên là các giáo viên tình nguyện ở các trường trong địa bàn thành phố, các thầy cô giáo đã nghỉ hưu, các diễn viên, người mẫu, ca sỹ, hoa hậu, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam… và thậm chí cả tôi cũng sẽ là thầy giáo đứng lớp trong lớp học đặc biệt này”, nhà báo Nguyễn Tiến Bình nhấn mạnh.

Lớp học đặc biệt trong bệnh viện sẽ tập trung học sinh đang điều trị ở tất cả các khoa, có nguyện vọng được đi học. Theo đó, sẽ tập trung các em học sinh ở những độ tuổi khác nhau, trong đó có những em đã đi học, chưa đi học bao giờ. Không chỉ dạy kiến thức các môn Toán, Tiếng Việt...  lớp học đặc biệt này còn dạy ngoại ngữ, nhạc, họa, kỹ năng sống cho trẻ…

Hàng trăm bệnh nhi Bệnh viện Nhi Trung ương háo hức chờ đón lớp học đặc biệt tại bệnh viện của báo điện tử GDVN
Hàng trăm bệnh nhi Bệnh viện Nhi Trung ương háo hức chờ đón lớp học đặc biệt tại bệnh viện của báo điện tử GDVN

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình bật mí: “Hoa hậu thân thiện Lisa Vân Anh sẽ tham gia giảng dạy ngoại ngữ cho các em, ca sỹ Thái Thùy Linh cũng tình nguyện làm giáo viên dạy hát cho lớp học… Sau khi khai giảng, lớp học sẽ đi vào hoạt động chính thức, duy trì đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 và kéo dài mãi mãi.  Bất cứ cá nhân, tổ chức xã hội nào có thiện ý tham gia vào lớp học đặc biệt này, chúng tôi đều hoan nghênh và chào đón…”

Lớp học trong Bệnh viện sẽ giúp các bệnh nhi tiếp nối con đường học tập của mình. Những em đang đi học phải nghỉ điều trị bệnh tại bệnh viện sẽ có điều kiện theo kịp chương trình học sau khi xuất viện. Những em khác bị gián đoạn quá lâu hoặc chưa được đi học bao giờ sẽ có được niềm vui đến trường.

“Lớp học này sẽ là lớp học đầu tiên và cũng có thể là lớp học cuối cùng với nhiều bệnh nhi mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo đang điều trị ở bệnh viện. Không chỉ dạy bọn trẻ chữ viết, kiến thức, lớp học còn chú trọng các hoạt động ngoại khóa vui nhộn, dạy các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ để các em thêm yêu đời, có thêm hy vọng, sức mạnh chống chọi với bệnh tật…”

Thu Hòe