Hãy biết tự trọng, đừng giành miếng ăn với người nghèo

09/04/2020 07:00
Trần Phương
(GDVN) - Thật kỳ lạ khi có những người không khó khăn cũng xếp hàng xin đồ tiếp ứng chống dịch Covid-19.

Những ngày qua do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dân nghèo càng thêm khó khăn.

Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", tô điểm cho bản lĩnh, khí chất của con người Việt Nam.

Với tinh thần tương thân tương ái, nhiều tổ chức, cá nhân đã phát lương thực miễn phí tại nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội giúp người nghèo vơi bớt khó khăn.

Tuy nhiên tại các điểm phát nhu yếu phẩm miễn phí dành cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vẫn xuất hiện nhiều người đi xe tay ga, ăn mặc gọn gàng lịch sự đến "xin" đồ.

Hình ảnh ấm lòng giữa Thủ đô. Ảnh: Hà Nội mới
Hình ảnh ấm lòng giữa Thủ đô. Ảnh: Hà Nội mới

Tại điểm phát từ thiện ở đường Lê Văn Lương (Hà Nội), mặc dù đã có biển "nếu bạn đã ổn xin nhường lại cho người khác" nhưng vẫn có nhiều người với bộ dạng có điều kiện đến lấy đồ cấp miễn phí cho người nghèo mang đi. Những người làm từ thiện khá bất ngờ với nhiều trường hợp đến nhận đồ.

Ăn xôi Chùa ngọng miệng!
Ăn xôi Chùa ngọng miệng!

Không chỉ những người đi xe máy tay ga ghé vào "xin" mà nhiều người dân sống gần đó không thiếu thốn nhưng khi đi tập thể dục qua cũng ghé vào lấy quà từ thiện.

Điều này trái ngược hoàn toàn với những hình ảnh tương thân tương ái của những tấm gương nhường cơm sẻ áo, đặc biệt là các cụ cao tuổi.

Có thể kể đến trường hợp của cụ Đỗ Thị Lân (99 tuổi) xóm Chảy xã Hà Châu huyện Phú Bình.

Cụ đã dành 3 tháng lương trợ cấp người Cao tuổi trị giá 810.000 đồng ủng hộ địa phương trong công tác phòng chống, dịch bệnh.

Cụ bà Đỗ Thị Lân (99 tuổi) xóm Chảy xã Hà Châu huyện Phú Bình (Thái Nguyên) dành 3 tháng tiền trợ cấp cho người cao tuổi để ủng hộ chống dịch Covid-19. Ảnh: Xã Hà Châu
Cụ bà Đỗ Thị Lân (99 tuổi) xóm Chảy xã Hà Châu huyện Phú Bình (Thái Nguyên) dành 3 tháng tiền trợ cấp cho người cao tuổi để ủng hộ chống dịch Covid-19. Ảnh: Xã Hà Châu

Hay như cụ Lê Thị Xuân, 98 tuổi, trú tại Tổ dân phố Tân Ngọc, phường Mai Hùng (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) chung tay ủng hộ để đẩy lùi dịch Covid 19, cụ ủng hộ 1 kg gạo, 50 quả trứng.

Các cụ ở cái tuổi “gần đất, xa trời” nhưng các cụ vẫn phát huy tấm lòng thảo thơm để con cháu noi theo, góp sức chống dịch Covid-19.

Hay hình ảnh cụ Lê Thị Sen gần 100 tuổi, là vợ liệt sĩ, ở thôn Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cũng đã mang hết số tiền tiết kiệm, dành dụm hỗ trợ chống dịch...

Không chỉ các cụ tuổi cao, các cháu nhỏ cũng tham gia ủng hộ cho công cuộc chống dịch Covid-19 của cả nước.

Trao quà Tết cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam
Trao quà Tết cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam

Rất nhiều, rất nhiều em nhỏ đã “đập heo” tiết kiệm để ủng hộ các cơ quan ban ngành chống dịch.

Hình ảnh các chị, các mẹ thuộc các Hội liên hiệp phụ nữ huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã góp từng mớ rau, bó củi… tham gia cùng nấu cơm phục vụ đồng bào; hay người dân huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình đã tham gia ủng hộ thực phẩm, rau xanh cùng bộ đội chống dịch đã để lại những ấn tượng hết sức cao đẹp.

Các thầy cô giáo trường Tiểu học Hàm Nghi tình nguyện tham gia chia cơm, góp rau xanh lo cho đồng bào từ Lào trở về phải ở khu cách ly…

Các thầy cô giáo trường Tiểu học Hàm Nghi (Đông Hà, Quảng Trị) tình nguyện tham gia chia cơm giúp đồng bào Việt kiều từ Lào về tại khu cách ly. Ảnh: Trường Hàm Nghi
Các thầy cô giáo trường Tiểu học Hàm Nghi (Đông Hà, Quảng Trị) tình nguyện tham gia chia cơm giúp đồng bào Việt kiều từ Lào về tại khu cách ly. Ảnh: Trường Hàm Nghi

Còn đó, tấm gương em Lê Nguyễn Thu Thủy, 12 tuổi, ở xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đã quyết định mang hết số tiền tiết kiệm lên Ủy ban nhân dân xã  xã hỗ trợ để mong cùng các lực lượng chống dịch.

Khi toàn Đảng, Chính phủ, nhân dân cùng đoàn kết, quyết tâm chống lại dịch Covid – 19 thật đáng buồn khi xuất hiện những hỉnh ảnh xấu xí của những người không xứng đáng ở các nơi từ thiện.

Có thể sẽ có lý giải, ai cũng có khó khăn, nhưng có lẽ chỉ những người ăn mặc lịch sự kia mới hiểu họ có xứng đáng lấy những bữa ăn thiện nguyện kia không.

Người Việt có một tinh thần “nhường cơm, sẻ áo” rất đáng quý. Nhất là trong mùa dịch Covid-19, tinh thần đó lại càng tỏa sáng lấp lánh và cao đẹp.

Thật tiếc vẫn có những vết gợn của những người không xứng đáng nhận đồ tiếp tế vẫn xảy ra.

Hi vọng, những người không quá khó khăn hãy giữ lấy lòng tự trọng để nhường lại cho những người xứng đáng hơn.

Hình ảnh chưa đẹp của một số người có điều kiện nhưng vẫn lấy quà từ thiện. Ảnh: VOV
Hình ảnh chưa đẹp của một số người có điều kiện nhưng vẫn lấy quà từ thiện. Ảnh: VOV

Người có lòng tự trọng là người có đạo đức, có thiên lương, có tư tưởng nhân nghĩa, không bao giờ làm điều xấu với cộng đồng.

Hãy biết xấu hổ, hãy để những món hàng tiếp tế thuộc về những người thực sự nghèo khó.

Người có lòng tự trọng bởi tiếp thụ được sự giáo dục đúng đắn, chu đáo, tốt đẹp trước hết từ ngay trong gia đình mình.

Biết nhường cho người khác cần hơn cũng là một hành động rất đẹp, đề cao lòng tự trọng của con người trong mùa dịch.

Hiện nay, “mỗi người dân đều là một chiến sĩ chống dịch”, tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc bằng cả tấm lòng, tình cảm cao đẹp nhất, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch.

Và chỉ cần một hành động nhường lại những món quà từ thiện cho người xứng đáng hơn, trong “cuộc chiến” ấm áp tình người này sẽ không có ai bị bỏ lại.

Trần Phương