ĐÁNH GIÁ, BÌNH LUẬN:

Tàu ngầm 096 của Trung Quốc lặng lẽ xuất hiện

09/11/2011 13:42
Đông Bình (Theo Mil)
(GDVN) - Ưu thế về lực lượng tàu ngầm đang nghiêng về phía Mỹ và đồng minh, vì vậy TQ buộc phải xem xét chế tạo tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới 096.

Đến năm 2020, lực lượng răn đe chiến lược pháo đài trên biển của Trung Quốc sẽ có quy mô và khả năng uy hiếp thế nào? Đây là một vấn đề được các học giả hải quân Mỹ phổ biến quan tâm.

Vì tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược 092 thế hệ thứ nhất của Trung Quốc đã quá lỗi thời, còn tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn 094 thế hệ thứ hai tuy đã chế tạo vài chiếc, nhưng mãi không được công khai tiết lộ.

Tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa chiến lược lớp Hạ 092 của Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa chiến lược lớp Hạ 092 của Trung Quốc

Vì vậy, chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ Thomas Skypark cho rằng, trong ngắn hạn thậm chí cả trung hạn, tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc e rằng không thể đổi cũ sang mới một cách bình thường, việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo 096 thế hệ mới đã trở thành một vấn đề buộc phải xem xét.

096 lặng lẽ xuất hiện

Do tên lửa đạn đạo phóng ngầm “Sóng lớn”-2 (JL-2) mãi không được tiến hành phóng thử ở tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094 hoặc tham gia tập trận quân sự và hoạt động triển lãm vũ khí mới, điều này cho thấy tàu ngầm hạt nhân mới và tên lửa đạn đạo kèm theo còn chưa đạt tới trạng thái triển khai chiến đấu.

Ngoài ra, cho dù hai hệ thống này đã được bố trí, chất lượng hệ thống mới của Hải quân Trung Quốc cũng lạc hậu so với tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo hiện có của phương Tây.

So với Hải quân Trung Quốc, Hải quân Mỹ cũng chiếm ưu thế về số lượng, lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của họ có tới 14 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo lớp Ohio.

Một báo cáo của chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ Thomas Skypark cho rằng, có thể tưởng tượng, đến năm 2020, Hải quân Trung Quốc sẽ dốc toàn lực lấp chỗ trống này, đồng thời kéo gần khoảng cách với lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân 094 có 12 ống phóng tên lửa
Tàu ngầm hạt nhân 094 có 12 ống phóng tên lửa

Hải quân Trung Quốc rất có khả năng đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng từ chương trình tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo lớp Hạ 092 không được thành công lắm, đồng thời vận dụng chúng vào phát triển tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo 094.

Tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo 094 có lẽ chỉ là một chương trình thử nghiệm khác mà thôi.

Mặc dù chi phí tương đối cao, nhưng Hải quân Trung Quốc đang nỗ lực phát triển tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo 096, trở thành lực lượng trụ cột răn đe hạt nhân pháo đài trên biển của Trung Quốc.

Có báo cáo cho biết, tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo lớp Đường 096 đã hoàn thành công tác thiết kế. Có một hình ảnh về tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo chưa rõ số hiệu đã xuất hiện trong chương trình truyền hình trung ương năm 2008 cho thấy, tàu ngầm này có 24 ống phóng tên lửa.

Đầu năm 2010, cựu chỉ huy Hải quân Ấn Độ Sakehugu từng có bài viết cho rằng: “Trung Quốc đang tiến hành công tác phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược 096 thế hệ mới, kết cấu ngoại hình gần giống tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn 094, rất có thể có khả năng phóng tên lửa bao trùm cả vùng cực địa”.

Tháng 7/2009, một người từng phục vụ cho Hải quân Trung Quốc trong blog của mình đã miêu tả chi tiết về phương án thiết kế tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo 096, đồng thời suy đoán tàu ngầm mới sẽ có “thiết bị giảm tiếng ồn”, giúp cho tàu ngầm này yên lặng hơn tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo lớp Tấn 094.

Cơ cấu lực lượng tàu ngầm hạt nhân tương lai

Thomas Skypark cho rằng, đến năm 2020, cơ cấu lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc được chia làm 3 phương án A, B, C.

Phương án A: 2 tàu ngầm hạt nhân 094, mỗi tàu mang theo 12 quả tên lửa đạn đạo JL-2, có công nghệ dẫn đường đa đầu đạn; 4 tàu ngầm hạt nhân 096, mỗi tàu mang theo 24 quả tên lửa đạn đạo JL-3, có công nghệ dẫn đường đa đầu đạn.

Về mặt khả năng tác chiến, phương án A có tổng cộng 6 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo: 2 tàu 094 và 4 tàu 096. Phương án tương lai này tưởng tượng Trung Quốc chỉ chế tạo 2 tàu ngầm hạt nhân 094, sau đó cải tạo tàu ngầm hạt nhân 094 dư thừa thành tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình (SSGN) – phương án này có chi phí rất lớn.

Theo phương án này, tàu ngầm hạt nhân 094, ở mức độ rất lớn, là tàu thử nghiệm của tàu ngầm hạt nhân 096.

Tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới 096 - Hải quân Trung Quốc theo thiết kế phỏng đoán của dân mạng
Tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới 096 - Hải quân Trung Quốc theo thiết kế phỏng đoán của dân mạng

Về mặt khái niệm, tàu ngầm hạt nhân 096 có thể mang theo tên lửa JL-3 tiên tiến hơn, có tầm phóng xa hơn tên lửa JL-2. Điều này giúp Trung Quốc có thể triển khai tàu ngầm hạt nhân 096 ở vùng biển Thái Bình Dương mà không có cần lực lượng bảo vệ, đồng thời nguy cơ bị theo dõi phát hiện cũng ít hơn nhiều so với tàu ngầm hạt nhân 094.

Ngoài ra, tên lửa đạn đạo JL-3 có tầm phóng xa hơn, có thể giúp Trung Quốc sử dụng một chiến lược triển khai theo kiểu “Bastion”, đồng thời đưa các mục tiêu bên trong biên giới nước Mỹ vào tầm ngắm. Tương tự, tàu ngầm hạt nhân 094 dư thừa, có thể căn cứ vào chiến lược “Bastion”, áp dụng phương thức bố trí hiệp đồng hoặc vùng biển mở rộng.

Về mặt chỉ huy và kiểm soát, phương án A sẽ đem lại thách thức chỉ huy và kiểm soát lớn hơn cho tầng lớp lãnh đạo chính trị của Bắc Kinh và Hải quân Trung Quốc. Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ phát triển tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển hệ thống chỉ huy và kiểm soát tiên tiến hơn, hoàn bị hơn, giúp cho toàn bộ hạm đội tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo có khả năng hiệp đồng.

Về mặt chi tiêu quốc phòng, phương án A sẽ cần chi tiêu kinh phí nhiều hơn. Chi phí cho thiết kế, chế tạo và bảo trì một chiếc tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo mới sẽ rất lớn. Trong báo cáo trước đây, có học giả suy luận, một chiếc tàu ngầm hạt nhân 094 sẽ tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD. Còn tàu ngầm hạt nhân 096 có khả năng tiêu tốn cao hơn, khoảng 4-5 tỷ USD/chiếc, thậm chí nhiều hơn.

Về khả năng chế tạo, phương án A sẽ đem lại sức ép lớn hơn đối với khả năng đóng tàu của Trung Quốc, nhưng xét tới thời gian biểu và xu thế phát triển của ngành đóng tàu Trung Quốc hiện nay, mục tiêu này có thể thực hiện. Đến năm 2020 chế tạo 4 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo mới sẽ đòi hỏi Trung Quốc bình quân 2,5 năm sản xuất 1 chiếc.

Về mặt nhân viên và huấn luyện, phương án A sẽ đòi hỏi nỗ lực to lớn đối với nhân viên và huấn luyện. Một hạm đội tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo (biên chế 6 chiếc) sẽ cần tổng cộng khoảng 720 binh sĩ có kinh nghiệm phong phú và hàng trăm đến hàng nghìn nhân viên phụ trợ.

Hai phương án B, C cũng đầy quyết tâm

Ngoài phương án A, còn có 2 phương án khác:

Phương án B: 2 tàu 094, mỗi tàu mang theo 12 quả tên lửa đạn đạo JL-2, có công nghệ dẫn đường đa đầu đạn; 6 tàu 096, mỗi tau mang theo 24 quả tên lửa đạn đạo JL-3, có công nghệ dẫn đường đa đầu đạn.

Tên lửa đạn đạo JL-2 phóng từ tàu ngầm hạt nhân - Hải quân Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo JL-2 phóng từ tàu ngầm hạt nhân - Hải quân Trung Quốc

Phương án B đại diện cho cơ cấu lực lượng có sức sống và quyết tâm hơn so với phương án A. Phương án B cũng giả thiết Trung Quốc chỉ chế tạo 2 tàu ngầm hạt nhân 094 hoặc cải tạo tàu ngầm hạt nhân chiến lược dư thừa thành tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình.

Trong phương án B, Hải quân Trung Quốc bố trí 6 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo 096 và 2 tàu ngầm hạt nhân 094. Cơ cấu lực lượng này sẽ tạo ra không gian phối hợp lớn hơn, hơn nữa tính khả thi của khả năng răn đe cũng được tăng cường.

Căn cứ vào chiến lược triển khai tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, tầng lớp lãnh đạo Bắc Kinh cũng sẽ có tính linh hoạt lớn hơn, bởi vì trong phương án B, có nhiều tàu ngầm hạt nhân chiến lược hơn để điều khiển.

Về phương thức bố trí, có thể áp dụng chiến lược bố trí kiểu “Bastion”, cũng có thể áp dụng chiến lược bố trí vùng biển mở rộng, hoặc kết hợp 2 phương thức này.

Phương án B có nhiều tàu ngầm hơn, vì vậy thách thức cũng lớn hơn. Một hạm đội tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo có quy mô lớn hơn sẽ cần hệ thống chỉ huy và kiểm soát nhiều hơn và cần nhiều nhân viên hơn có khả năng thao tác các hệ thống này.

Về mặt chi tiêu quốc phòng, phương án B sẽ cần nhiều kinh phí hơn so với phương án trước, nếu tính mỗi tàu 094 cần 3 tỷ USD, mỗi tàu 096 cần 4-5 tỷ USD thì phương án B cần đầu tư nhân lực và vật lực to lớn trong thời gian 10 năm. Đến năm 2020, có thể đầu tư tổng cộng khoảng 30-36 tỷ USD.

Căn cứ vào thời gian biểu chế tạo của phương án B, đến năm 2020 muốn sở hữu 6 tàu ngầm hạt nhân 096 phải bảo đảm tốc độ chế tạo bình quân 1,6 năm chế tạo 1 chiếc. 8 tàu ngầm hạt nhân chiến lược cần tổng cộng khoảng 960 binh sĩ có kinh nghiệm phong phú và hàng nghìn nhân viên phụ trợ.

Phương án C: 2 tàu 094, mỗi chiếc mang theo 12 quả tên lửa đạn đạo JL-2, có công nghệ dẫn đường đa đầu đạn; 8 tàu 096, mỗi chiếc mang theo 24 quả tên lửa JL-3, có công nghệ dẫn đường đa đầu đạn.

Năm 2010, Hải quân Mỹ triển khai 14 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo lớp Ohio, nếu tàu ngầm này được cải tiến thành tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình (hiện đã có 4 chiếc đã hoàn thành cải tiến) thì đến năm 2020 con số này sẽ giảm xuống.

Trong khi đó, phương án C sẽ giúp Hải quân Trung Quốc tiến sát với Mỹ về số lượng triển khai tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, đồng thời chiếm ưu thế nhất định về tổng số lượng đầu đạn.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Hải quân Mỹ, mang theo 24 quả tên lửa, gấp đôi tàu ngầm hạt nhân 094 của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Hải quân Mỹ, mang theo 24 quả tên lửa, gấp đôi tàu ngầm hạt nhân 094 của Hải quân Trung Quốc

Về mặt chi tiêu quốc phòng, nếu theo phương án C, đến năm 2020, Trung Quốc phải chi 38-46 tỷ USD, khi đó vẫn còn chưa biết tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc có sử dụng nguồn vốn các dự án hiện đại hoá cho các quân chủng khác để chuyển sang chế tạo tàu ngầm hạt nhân 096 hay không.

Về khả năng chế tạo, muốn sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân 096 vào năm 2020, cần bảo đảm bình quân 1,25 năm chế tạo 1 chiếc. Trong tương lai, chương trình này có thể là sự khảo nghiệm giới hạn cao nhất về khả năng đóng tàu của Trung Quốc.

Bắc Kinh sẽ lựa chọn phương án nào? Thomas Skypark cho rằng, căn cứ vào thời gian biểu phát triển đến năm 2020, xét tới chi phí và khả năng chế tạo, 3 phương án trên đều có thể được tiếp nhận. Nhưng, phương án A có tính khả thi cao nhất, phương án C phải tiêu tốn nguồn lực rất lớn, giữa phương án B và phương án C có điểm giống nhất định.

Đương nhiên, lựa chọn phương án nào quan trọng nhất là phải bảo đảm thống nhất với nhu cầu và khả năng mua lúc đó.


Đông Bình (Theo Mil)