Chống dịch, chủ quan là chết

11/04/2020 12:59
Xuân Dương
(GDVN) - Bốn ngày nay, tính từ ngày 8/4 đến 11/4/2020, lượng người và phương tiện cá nhân xuất hiện rầm rộ trở lại trên đường và các nơi công cộng.

Báo chí ghi hình, phản ánh nhiều nhưng dường như không có tác dụng.

Bên cạnh ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao của một bộ phận công dân, cụ thể là tuân thủ Chỉ thị 16/CT-CP và Quyết định số 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Cách ly toàn xã hội” thì sự lơi lỏng trong hoạt động kiểm soát của lực lượng chức năng cũng góp phần làm tình trạng này gia tăng.

Người dân đổ ra đường trong dịp “Cách ly toàn xã hội” (Ảnh: Vietnamnet.vn)
Người dân đổ ra đường trong dịp “Cách ly toàn xã hội” (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Hiện tượng coi thường kỷ cương và cách thức quản lý “đầu voi đuôi chuột” có thể thấy rất rõ trọng dịp Tết Nguyên đán năm 2020.

Tại khu vực một xã ngoại thành Hà Nội, đêm giao thừa pháo nổ rền vang không kém gì thời chưa cấm đốt pháo, thậm chí còn “phong phú” hơn vì có thêm pháo sáng, pháo hoa.

Việc không tuân thủ “cách ly toàn xã hội” xuất phát từ nhu cầu bức thiết của cuộc sống hay chỉ là tâm lý chủ quan?

Tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, nơi bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19, cả cánh đồng hoa, cây cảnh rộng hàng trăm ha không thể thu hái khiến nông dân thiệt hại hàng tỷ đồng.

Thôn Hạ Lôi bị cách ly 28 ngày, hoa bị úa héo do không có người chăm sóc, thu hái (Ảnh: Vov.vn)
Thôn Hạ Lôi bị cách ly 28 ngày, hoa bị úa héo do không có người chăm sóc, thu hái (Ảnh: Vov.vn)

Trên thế giới, sự chủ quan của giới lãnh đạo và người dân đã khiến một số quốc gia rơi vào thảm họa.

Tại Mỹ, thời điểm chớm dịch sự thờ ơ của chính quyền Tổng thống D. Trump tại đã khiến quốc gia này trả giá nặng nề. 

Hiện Mỹ là nước có số người nhiễm Covid-19 nhiều nhất thế giới với hơn 501.000 ca và số người tử vong là 18.664 người, nhiều thứ hai thế giới (sau Italia với 18.849 ca).

Từ chỗ không khuyến khích đeo khẩu trang, khi đại dịch bùng phát dữ dội, nước Mỹ bị các đồng minh châu Âu (Pháp, Đức,…) tố cáo đã trả giá cao để nẫng các gói hàng y tế (khẩu trang) xuất khẩu từ Trung Quốc.

Tính đến ngày 10/04/2020, thế giới có khoảng 1,6 triệu người nhiễm bệnh và hơn 100.000 người chết.

Hàng nghìn người đến công viên gần hồ Tidal Basin tại thủ đô Washington DC, Mỹ để ngắm hoa anh đào vào hai ngày 21/3 và 22/3. (Ảnh: Getty)
Hàng nghìn người đến công viên gần hồ Tidal Basin tại thủ đô Washington DC, Mỹ để ngắm hoa anh đào vào hai ngày 21/3 và 22/3. (Ảnh: Getty)

Tại Anh, cách phòng chống dịch kiểu khác người của Chính phủ đã khiến chính Thủ tướng Boris Johnson nhiễm bệnh phải nhập viện.

Một vài sự kiện nêu trên cho thấy, sự chủ quan luôn phải trả giá bằng sinh mạng con người chứ không chỉ thiệt hại kinh tế.

Tại Việt Nam, lãnh đạo Chính phủ và thành phố Hà Nội (nơi có số ca nhiễm Covid-19 đang cách ly điều trị cao nhất cả nước) đã có nhiều phát biểu về chuyện người dân không thực hiện “Cách ly toàn xã hội” song dường như không có tác dụng.

Thiết nghĩ bên cạnh việc giáo dục, kêu gọi, các lực lượng chức năng cần thực hiện các biện pháp mạnh mẽ như lập chốt chặn, tăng cường xử phạt những người không tuân thủ Quyết định số 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Việc xử lý này đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 176/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”, xin trích một số quy định tại các khoản 1, 4, 6 điều 11:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;…

Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội
Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội

Cần thấy rằng Chính phủ đã và đang làm hết sức để giúp đỡ doanh nghiệp và thực hiện an sinh xã hội, không có lý gì một bộ phận khá đông người dân lại thờ ơ với đại dịch và chính sinh mạng của mình.

Bên cạnh gói tín dụng và gói hỗ trợ khẩn cấp dành cho doanh nghiệp 280.000 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD), Chính phủ cũng đã đề xuất gói cứu trợ dân sinh 62.000 tỷ dành cho người tạm thời mất việc và người nghèo.

Các chuyên gia nước ngoài cho rằng Việt Nam có thể sẽ bội chi ngân sách thêm 1,5-1,6%, tức là lên mức 5%-5,1% tổng GDP.

Đồng thời nguồn thu ngân sách sẽ bị giảm khoảng 140-150 nghìn tỷ đồng (khoảng 5,94 - 6,37 tỷ đô la) nếu như đại dịch được khống chế trong quý 2 năm 2020.

Chỉ cần một người nhiễm bệnh thì sự lây lan sẽ theo cấp số nhân và hậu quả là cả khu phố, thôn, xã có thể bị phong tỏa, vậy làm sao để khống chế đại dịch trong quý 2 năm 2020?

Nếu có ai đó cho rằng chống dịch là việc của Chính phủ, của Công an, Quân đội, Y tế,… còn họ có quyền sống theo cách của riêng mình thì ngoài việc phê phán, cần phải cho họ biết thế nào là “chống dịch như chống giặc”.

Chung tay cùng Chính phủ chống dịch không chỉ chứng tỏ bạn là người tôn trọng pháp luật, thể hiện lòng yêu nước mà cũng còn cho thấy bạn là người hành xử có văn hóa.

Chắc rằng rất nhiều người đều lên án, khinh bỉ những kẻ thực sự không thiếu thốn mà đến các điểm từ thiện vơ vét các gói quà mà các nhà hảo tâm quyên tặng người cơ nhỡ.

Vậy với những kẻ tụ tập đua xe máy quanh hồ Hoàn Kiếm, những người trèo qua hàng rào vào công viên dù có lệnh cấm hay ùa ra đường khi lệnh “Cách ly toàn xã hội” vẫn còn hiệu lực phải xử lý thế nào?

Xuân Dương