Thầy giáo Phan Thế Hùng dạy giỏi làm thêm cũng giỏi

12/04/2020 06:29
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Là trai Hà Nội thứ thiệt, có năng khiếu và yêu thể dục thể thao, chàng trai trẻ Phan Thế Hùng quyết tâm làm thầy giáo thể dục.

Tốt nghiệp Sư phạm Giáo dục thể chất, thầy giáo trẻ Phan Thế Hùng về Trường Trung học cơ sở Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) công tác từ năm 2003 đến nay. 

Để tăng cường kết quả học tập giờ thể dục, thầy giáo Phan Thế Hùng đã biến giờ học thành giờ chơi, chơi mà học học mà chơi trò chơi. 

Thầy Hùng tâm sự “Trò chơi không chỉ là một phương tiện giáo dục mà còn được nâng lên vị trí một phương pháp giáo dục; đó là: “Phương pháp vui mà học, học mà vui”.

Bác Hồ đã căn dặn chúng ta: “Trong lúc học, cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui cũng làm cho chúng học”.

Trò chơi đã cuốn hút tất cả các em từ bậc mầm non đến trung học; phần lớn mọi người thích vui chơi, đòi hỏi được vui chơi, giải trí. Kết hợp được vui chơi và giáo dục thật tuyệt vời.

Trong thời kỳ mới của đất nước chúng ta hiện nay, thì mục điêu của ngành Giáo dục - Đào tạo là tạo ra những con người mới để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Muốn thực hiện được điều đó thì mỗi con người phải có đủ đức, đủ tri thức và đủ sức khỏe. Như Bác Hồ đã từng nói: “Có đức, có tài nhưng không đủ sức khỏe thì con người không thể làm được việc gì”. 

Vì thế trong chương trình giáo dục nói chung, bậc trung học cơ sở nói riêng, thể dục chiếm một vai trò và vị trí hết sức quan trọng; thế nhưng giáo dục thể chất vẫn là môn phụ trong suy nghĩ của rất nhiều người.

Lứa trung học cơ sở bắt đầu tuổi dậy thì, có sự biến đổi nhiều, đôi lúc đột ngột về tâm sinh lý của các em nên đòi hỏi giáo viên giảng dạy bộ môn này phải hiểu và chọn phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp, giúp các em vừa ổn định được tâm lý vừa phát triển được thể lực một cách toàn diện; để các em có đủ sức khỏe học tập lĩnh hội các kiến thức một cách tốt nhất. 

Dạy học nói chung, thể dục nói riêng phải vui vẻ; vì vậy mỗi tiết dạy của em chơi mà học học mà chơi”.

Qua giảng dạy, thầy phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu thể dục thể thao cho các em học sinh trong trường, từ bóng bàn, bóng đá, cờ vua, bơi lội; đội tuyển thể dục thể thao của học sinh Trường Trung học cơ sở Xuyên Mộc thường đạt giải cao trong các cuộc thi hội khỏe Phù Đổng. 

Thầy Phan Thế Hùng - hàng sau, thứ hai từ bên phải sang - cùng đội bóng tham dự cúp Milo (Ảnh kỉ yếu nhà trường)
Thầy Phan Thế Hùng - hàng sau, thứ hai từ bên phải sang - cùng đội bóng tham dự cúp Milo (Ảnh kỉ yếu nhà trường)

Chuyên môn vững vàng, nhiệt tình, tâm huyết, có năng khiếu sẵn có, thầy Phan Thế Hùng được chọn làm huấn luyện viên của các đội tuyển thể thao ngành giáo dục địa phương. 

Cấp trên tín nhiệm, đã nhiều lần cử thầy đi tập huấn chuyên môn của Sở, của Khu vực, của Bộ Giáo dục; đã nhiều năm đạt Giáo viên dạy giỏi cấp Huyện, cấp Tỉnh; nhiều năm được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Vừa dạy giỏi, thầy giáo trẻ Phan Thế Hùng cũng năng nổ trong các hoạt động phong trào như hiến máu tình nguyện, dạy bơi miễn phí, phát quà từ thiện…

Thầy Phan Thế Hùng trong một lần chở dê thuê (Ảnh Facebook HùngNga Sport HungNga Phan)
Thầy Phan Thế Hùng trong một lần chở dê thuê (Ảnh Facebook HùngNga Sport HungNga Phan)

Thầy giáo giỏi chuyên môn làm thêm cũng giỏi.

Hai vợ chồng đều là giáo viên thể dục, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhiều lần trăn trở muốn bỏ nghề làm việc khác; thế nhưng như mang cái nghiệp vào thân không bỏ được, thầy Phan Thế Hùng bắt đầu làm thêm, lấy nghề tay trái nuôi nghề tay phải. 

Từ bắt, bán, làm thịt dê thuê, đến làm thêm đủ thứ khác vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, lễ, tết; trải qua gian lao khó nhọc, thầy trụ lại với nghề in ấn. 

Cô giáo Cao Hồng Huệ, người truyền cảm hứng cho giáo viên dạy trực tuyến
Cô giáo Cao Hồng Huệ, người truyền cảm hứng cho giáo viên dạy trực tuyến

Nói về cái duyên bén nghề in ấn, thầy Hùng chia sẻ “Với ước mơ mở một Shop Thể Thao từ thời còn là sinh viên vì nó đúng với chuyên môn của mình; em tìm tòi qua mạng internet, tham khảo bạn bè, trao đổi với những anh em có kinh nghiệm đi trước.

Năm 2014 mượn tiền trả góp ngân hàng, quyết định mua máy móc và vật liệu in về để thử nghiệm.

Sau 3 tháng tự mày mò làm tại nhà, thấy tay nghề ổn rồi mới bắt đầu quảng cáo trên zalo, facebook; đồng nghiệp, các em học sinh, khách hàng tự tìm đến ngày một đông. 

Mấy năm đầu chỉ giám đầu tư chuyên quần áo bóng đá, áo nhóm, áo lớp.

Sau 3 năm làm tại nhà vì không có mặt bằng, năm 2017 em quyết định thuê mặt bằng ngay thị trấn, mở rộng thêm các mặt hàng chuyên về dụng cụ thể dục thể thao; giá cả yêu thương cho học sinh, cho giáo dục nên được mọi người ủng hộ.  

Phương châm của em là 4 nhất: Rẻ Nhất - Đẹp Nhất - Nhanh Nhất – Uy tín nhất”.

Thầy Phan Thế Hùng trong xưởng in mùa dịch Covid-19 (Ảnh tác giả cung cấp)
Thầy Phan Thế Hùng trong xưởng in mùa dịch Covid-19 (Ảnh tác giả cung cấp)

Nhờ uy tín, chất lượng, giá cả phải chăng Shop “Hùng Nga Sport” đường 27/4 – thị trấn Phước Bửu là địa chỉ quen thuộc của học sinh địa phương; tiếng lành đồn xa, khách hàng tại Hà Nội, Phú Yên, Cần Thơ … các em học sinh cũ đi học xa vẫn đặt hàng của thầy.

Cuộc sống ổn định, thầy Hùng chia sẻ với đồng nghiệp, tài trợ áo đấu cho các đội bóng của ngành; những đợt hàng nhiều thầy Hùng lại chia sẻ công việc làm thêm cho các bạn đồng nghiệp. 

Thầy Phan Thế Hùng – hàng sau, thứ hai bên phải sang cùng đội bóng chuyền Phòng Giáo dục và Đào tạo Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thầy Phan Thế Hùng – hàng sau, thứ hai bên phải sang cùng đội bóng chuyền Phòng Giáo dục và Đào tạo Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cuộc sống giáo viên đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn; làm thêm để nâng cao cuộc sống nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học mới thật sự là đáng quý nơi những thầy cô giáo vượt khó.

Chúc thầy giáo Phan Thế Hùng vẫn giữ mãi “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong cuộc sống của mình.

Sơn Quang Huyến