Giáo viên Sài Gòn bức xúc về cách tính thu nhập tăng thêm

16/04/2020 06:37
Ánh Dương
(GDVN) - Giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh không đồng tình khi bị trừ những ngày nghỉ Tết Nguyên đán trong việc đánh giá thu nhập tăng thêm.

Vừa qua, trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ quý 1 năm 2020 của giáo viên, nhân viên để làm cơ sở cho việc nhận thu nhập tăng thêm hàng quý theo Nghị quyết 03 của Hội đồng Nhân dân Thành phố.

Nhiều giáo viên cho biết, tháng 1/2020 có một tuần rơi vào kì nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý nên một số trường đã trừ luôn những ngày này mà lẽ ra thầy cô phải được hưởng.

Một số thầy cô còn phản ánh, điều kì lạ là, cùng một quận nhưng mỗi trường có một cách tính ngày công của tháng 1 khác nhau.

Cụ thể, ở Quận Tân Bình, có trường chỉ tính 15 ngày công; trường khác thì 18, 19 ngày nhưng một vài trường cũng tính đủ số ngày làm việc cho giáo viên. 

Khi giáo viên thắc mắc thì được Hiệu trưởng trả lời, vì thời gian nghỉ Tết trùng vào tháng 1 nên người lao động không được tính công.

Giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh không đồng tình khi bị trừ những ngày nghỉ Tết Nguyên đán trong việc đánh giá thu nhập tăng thêm. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh không đồng tình khi bị trừ những ngày nghỉ Tết Nguyên đán trong việc đánh giá thu nhập tăng thêm. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

“Hiệu trưởng trường tôi giải thích, số ngày nghỉ Tết không được tính là ngày làm việc thực tế theo quy định”, một giáo viên trung học cơ sở ở Quận Tân Bình nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố không trừ ngày nghỉ Tết của giáo viên.

Vì cách tính số ngày làm việc thực tế thiếu thống nhất như thế khiến nhiều giáo viên không khỏi bức xúc khi bị trừ các ngày nghỉ Tết.

Đối chiếu với văn bản hướng dẫn thực hiện quy định đánh giá, phân loại hàng quý theo Quyết định số 3728/QĐ-UBND đối với công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kí ngày 3/1/2020, chúng tôi nhận thấy những phản ánh của giáo viên là hoàn toàn có cơ sở.

Theo đó, nội dung 1, mục a của văn bản này ghi rõ:

“Đối với giáo viên, giảng viên: trong thời gian năm học, giáo viên, giảng viên tham gia dạy đủ số tiết nghĩa vụ theo quy định (giảng dạy và thực hiện đầy đủ các hoạt động chuyên môn khác theo phân công của cấp có thẩm quyền) thì được tính là làm đủ số ngày làm việc thực tế hàng tháng, hàng quý.” [1]

Giáo viên Sài Gòn giảm thu nhập tăng thêm nhưng vẫn vui!
Giáo viên Sài Gòn giảm thu nhập tăng thêm nhưng vẫn vui!

Như thế, cho dù giáo viên nghỉ Tết 1 tuần nhưng vẫn dạy đủ số tiết nghĩa vụ theo quy định (19 tiết/tuần đối với bậc trung học cơ sở, 17 tiết/tuần bậc trung học phổ thông…) cho 37 tuần của năm học.

Hơn nữa, việc nghỉ lễ, Tết của giáo viên còn được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và người lao động vẫn được hưởng lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có).

Cho nên, Hiệu trưởng một số trường trừ ngày nghỉ Tết của giáo viên là vừa trái Bộ luật Lao động vừa không đúng với Quyết định số 3728/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn 2 tháng qua, giáo viên ở Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung phải nghỉ dài ngày để tránh dịch Covid-19.

Thời gian này, giáo viên cũng mất đi một khoản thu nhập từ việc dạy tăng tiết buổi 2, dạy gia sư hoặc làm thêm những công việc khác.

Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2020 giáo viên bị giảm 50% thu nhập tăng thêm theo quý để chung tay góp sức hỗ trợ cho 600.000 lao động mất việc. 

Đời sống của giáo viên vốn dĩ đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn, chỉ biết trông chờ vào đồng lương và khoản thu nhập tăng thêm theo quý.

Nhưng Hiệu trưởng của một số trường có thể do không hiểu quy định hoặc thiếu cập nhật văn bản nên trừ thời gian nghỉ Tết của giáo viên là chưa đúng.

Qua bài viết này, kính mong Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm hơn đến những phản ánh của giáo viên nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho thầy cô ở thời điểm khó khăn này.

Theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 03 về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức xuất sắc năm 2018 được tăng tối đa 0,6 lần mức chi hiện tại. Năm 2019 là 1,2 lần và gấp 1,8 lần vào năm 2020.

Kinh phí này được lấy từ các nguồn như cải cách tiền lương năm trước chuyển sang, cải cách tiền lương trích lập từ nguồn thu được để lại hằng năm, ngân sách cấp huyện, thành phố...

Từ năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu tiến hành chi trả thu nhập tăng thêm.

Tài liệu tham khảo:

[1]//f1.hcm.edu.vn/data/hcmedu/phongtccb/attachments/2020_1/cv_27_ubnd_tp_ve_hd_danh_gia_nganh_gddt_9120209.pdf

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-sai-gon-giam-thu-nhap-tang-them-nhung-van-vui-post208185.gd

Ánh Dương