Phải loại bỏ tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp

10/05/2020 06:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Trong các kiến nghị của doanh nghiệp, đáng chú ý đề xuất triệt để đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính minh bạch, nhất quán trong chính sách.

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” diễn ra ngày 9/5, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, cuối tháng 4, đầu tháng 5, đơn vị này đã có cuộc khảo sát trong cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: VGP
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: VGP

Kiến nghị miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ để giúp giảm giá thành sản phẩm

Theo đó, hơn 55% doanh nghiệp cho biết tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại, 22% quyết định mở rộng quy mô sản xuất trong quý 3 và chỉ có 21% doanh nghiệp dự kiến thu hẹp quy mô, dừng hoạt động.

Như vậy, xu hướng này tốt hơn rất nhiều so với thực trạng cuối quý 3, đầu quý 4 theo khảo sát của VCCI.

Lúc đó, 80% doanh nghiệp nói rằng sẽ không thể trụ được nếu dịch không được kiểm soát.

Điều đó cho thấy sức sống kiên cường, khả năng chống chịu của doanh nghiệp Việt trong khó khăn khủng hoảng và bừng dậy.

“Nhiều doanh nghiệp lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, doanh thu sụt giảm, nhưng những doanh nhân vẫn chăm lo ở mức cao nhất cho người lao động.

Tỷ lệ việc làm được duy trì ở mức cao cho thấy trách nhiệm, tình cảm của các doanh nhân, họ chính là những “cỗ máy” tạo việc làm của nền kinh tế, những người đánh đổi sự bình yên của cá nhân và gia đình mình để làm giàu cho đất nước”, ông Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI khẳng định, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, Chính phủ đã dành gói tài khoá tín dụng với quy mô chưa từng có để hỗ trợ doanh nghiệp thể hiện tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

VCCI kiến nghị Chính phủ nghiên cứu các chính sách tài khóa mạnh hơn như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ cụ thể để giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm;

Kéo dài thời gian giãn hoãn các khoản phải trả, phải nộp của doanh nghiệp trong 6-12 tháng; nới room, nâng trần tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho doanh nghiệp.

Điều quan trọng nhất mà cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị đó là thúc đẩy thật nhanh, hiệu quả, minh bạch, công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.

“Nhanh 1 ngày thì doanh nghiệp sống, chậm 1 ngày thì doanh nghiệp có thể sẽ không còn. Khi đó, các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ không có tác dụng”, ông Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh về việc giảm những phiền hà cho doanh nghiệp: “Cha ông ta vẫn nói “tiền là bạc, thời gian mới là vàng” và khi tôi hỏi, điều các doanh nghiệp cần nhất trong lúc khó khăn như đại dịch covid-19 là gì thì họ chân thành, thẳng thắn trả lời, chúng tôi không xin tiền mà xin cơ chế.

Tâm thế đó của doanh nghiệp là tâm thế của người chiến thắng. Minh bạch, đơn giản hóa mọi thủ tục, rút ngắn thời gian với các thủ tục hành chính mới chính là cứu cánh của doanh nghiệp”.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia, Chủ tịch VCCI đề nghị xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp;

Giúp các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp triển khai thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. ảnh: VGP.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. ảnh: VGP.

Cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết

Tại hội nghị, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo về tác động của dịch covid-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Hiện nay, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch Covid-19, các động đời sống xã hội đã trở lại bình thường, đất nước đang đứng trước vận hội mới, thời cơ mới.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tổ chức hội nghị với doanh nghiệp nhằm phát huy nội lực, tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh, nắm bắt cơ hội, tạo đà phát triển kinh tế”.

Qua dự báo từ các tổ chức uy tín quốc tế, đại dịch Covid-19 khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 3%, đẩy thêm hơn nửa tỷ người trên thế giới vào cảnh nghèo đói.

GDP của một số nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ sụt giảm mạnh  như Mỹ âm 5,9%, Anh âm 6,3% và khu vực đồng tiền chung Châu Âu âm 7,5%.

Trong khi đó, Việt Nam đã nỗ lực đạt được trạng thái tích cực, tăng  trưởng GDP quý 1 năm 2020 là 3,82%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 83 tỷ USD tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước…

Thủ tướng: Bằng mọi giá phải có kết quả, không nói suông
Thủ tướng: Bằng mọi giá phải có kết quả, không nói suông

Tuy nhiên, Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch.

Lực lượng doanh nghiệp là quan trọng của nền kinh tế hiện đang bị tổn thương nặng nề, đối mặt với khó khăn kép, vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra…

Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu sụt giảm dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, ngừng sản xuất nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.

Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khảo sát nhanh tại 130 nghìn doanh nghiệp, có 86% bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, doanh thu 4 tháng đầu năm dự kiến giảm mạnh khoảng 70% so với cùng kỳ 2019.

Một trong những khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt vốn lưu động và phải cắt giảm tiền lương của người lao động.

Cũng theo người đứng đầu bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua khảo sát gần đây cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã rất chủ động có các giải pháp tự cứu mình.

Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế.

Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới. Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…

Điều đáng mừng là trong giai đoạn rất khó khăn hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn.

Khoảng 90% doanh nghiệp được khảo sát sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp khác; trên 50% doanh nghiệp thực hiện giãn công nợ cho doanh nghiệp đối tác; gần 50% doanh nghiệp thực hiện giảm giá; gần 40% chia sẻ khách hàng với doanh nghiệp khác...

Bỏ quy định giãn cách đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ
Bỏ quy định giãn cách đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ

Cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi, kỳ vọng vào những chính sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cơ quan Nhà nước để đồng hành cùng doanh nghiệp, chớp lấy cơ hội trong tình hình dịch Covid đang được kiểm soát tốt.

Trong các kiến nghị của doanh nghiệp, đáng chú ý đề xuất triệt để đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính minh bạch, nhất quán trong các chính sách, thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ thực thi.

Đây là điều các doanh nghiệp mong mỏi nhất từ các cấp chính quyền hơn là hỗ trợ bằng tiền.

Trong bối cảnh hiện nay, người đứng đầu bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện tượng mua bán, sát nhập nhập doanh nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ.

Chính vì vậy, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng để biến nguy thành cơ, làm thế nào trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa, tìm ra hướng đi đúng tạo ra kỳ tích thì việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ;

Tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị như đối với công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.

Rà soát cắt giảm và không tạo thêm các rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý cho doanh nghiệp.

Loại bỏ triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, sự trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Đỗ Thơm