Mỹ tái khẳng định sẽ hiện diện nhiều hơn ở châu Á - TBD

09/11/2011 15:33
Nguyễn Hường (Theo BBC)
(GDVN) - Sau khi rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ sẽ chuyển hướng chiến lược ưu tiên sang khu vực châu Á, bất chấp áp lực cắt giảm ngân sách.
Trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên cương vị là người đứng đầu Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tiếp tục tái khẳng định các thay đổi mới trong chiến lược quốc phòng của Mỹ mà ông đã từng đề cập tới trong tháng trước rằng Mỹ sẽ thực hiện một "bước ngoặt" sau 10 năm chiến tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta

"Chúng tôi có cơ hội để tăng cường sự hiện diện của chúng tôi ở Thái Bình Dương. Và chúng ta sẽ điều đó" - ông Panetta nói trong chuyến công du tại Nhật Bản.

Trong một thông điệp gửi tới các đồng minh của Mỹ tại châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cũng cho biết: Mỹ "cam kết duy trì và tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực".

Theo các nhà phân tích, cam kết trên được Lầu Năm Góc đưa ra trong bối cảnh các đồng minh của Mỹ bắt đầu lo ngại về việc sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang gia tăng một cách mạnh mẽ trong những năm gần đây và các động thái không thể đoán trước được của Bắc Triều Tiên.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Washington hôm 8/11, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Mỹ phải có một lập trường cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc trong nhiều vấn đề khác nhau: từ không gian mạng tới tranh chấp Biển Đông.

Kế hoạch chuyến hướng chiến lược ưu tiên từ Trung Đông sang châu Á không phải là ý tưởng mới của Nhà Trắng. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã từng viết trên một tạp chí Chính sách đối ngoại rằng, ngay từ thời điểm đầu bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã có định hướng chuyển hướng quan tâm hàng đầu của Mỹ sang khu vực châu Á.
Thượng nghị sĩ John McCain
Thượng nghị sĩ John McCain

Theo lời Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn CSIS Thái Bình Dương ở Honolulu, thì thực tế, chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực châu Á vẫn được lòng cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vì nó khá phù hợp với quan điểm của hai đảng chính trị lớn nhất nước Mỹ này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta đã hứa rằng vai trò quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ không bị ảnh hưởng từ kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng hơn 450 tỷ USD trong mười năm tới.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy quân đội Mỹ có kế hoạch mở rộng đáng kể sự hiện diện của mình ở Thái Bình Dương. Hiện Mỹ có khoảng 85.000 binh sĩ đang đồn trú tại Nhật Bản và Hàn Quốc và có kế hoạch cắt giảm biên chế trong những năm tới.

Ngoài ra, đội tàu chiến của Mỹ tại khu vực này cũng giảm từ 30 xuống còn 284 chiếc vào  năm 2001.

Khi được hỏi Mỹ có kế hoạch bổ sung thêm binh lực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay không, ông Panetta cho biết, Lầu Năm Góc đã gửi bản đề xuất nhưng dự kiến sẽ chỉ tập trung vào các hoạt động tăng cương khả năng quân sự cho các nước đồng minh và tiến hành tập trận chung.

Nguyễn Hường (Theo BBC)