Bỏ phiếu kín đánh giá có làm mất Hiệu trưởng tốt?

19/05/2020 06:40
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Chuyện bỏ phiếu tín nhiệm với cơ chế quản lý ở nước ta không mới, thông qua bỏ phiếu tín nhiệm giúp đánh giá công bằng về tín nhiệm của tập thể với lãnh đạo.

Điều 11, khoản 1, điểm c; khoản 2, điểm c của Dự thảo Thông tư Ban hành Điều lệ trường tiểu học, để lấy ý kiến góp ý rộng rãi, thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học hiện hành, đã được tác giả Lê Mai góp ý trong bài viết “Nên để giáo viên bỏ phiếu kín đánh giá Hiệu trưởng” đăng trên Giáo dục Việt Nam.

Việc giáo viên bỏ phiếu kín đánh giá Ban giám hiệu đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc; phần lớn bình luận trên những bài viết liên quan vấn đề này, đồng ý với góp ý của Lê Mai.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng “bỏ phiếu kín đánh giá Hiệu trưởng, làm mất hiệu trưởng tốt”.

Đã có quy định nào giáo viên, nhân viên đánh giá Ban giám hiệu bằng phiếu chưa?

Trước đây, Thông tư 14/2011/TT-BGDĐT quy định giáo viên, nhân viên nhà trường đánh giá Hiệu trưởng, Hiệu phó theo các tiêu chuẩn quy định của thông tư; hiện nay thông tư này đã hết hiệu lực.

Ngày 20/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.

Ngày 01/10/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 4529/BGDĐT-NGCBQLGD năm 2018 hướng dẫn thực hiện Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT quy định về chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.

Cuối năm Hiệu trưởng, Hiệu phó tự đánh giá theo Công văn 4529/BGDĐT-NGCBQLGD; giáo viên đóng góp ý kiến xây dựng bằng phát biểu trực tiếp (hoặc phiếu góp ý nếu nhà trường sử dụng phiếu đánh, giá góp ý).

Thực tế áp dụng Công văn 4529/BGDĐT-NGCBQLGD vào đánh giá hiệu trưởng, hiệu phó cũng chỉ … mang tính hình thức, không có giá trị thực tiễn, không có tác dụng giúp cơ quan quản lý giáo dục có kế hoạch, kế sách, chiến lược trong quản lý cán bộ; vì vậy mới có chuyện cán bộ trong ngành giáo dục chỉ có lên chứ … không có xuống.

Tại sao vậy? Phần lớn những giáo viên được mời phát biểu đều “nói tránh, nói né, nói giảm” cái xấu, “nói quá” cái tốt, nên … chỉ mang tính hình thức.

Nên đánh giá Hiệu trưởng bằng phương pháp nào? (Ảnh mang tính minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Nên đánh giá Hiệu trưởng bằng phương pháp nào? (Ảnh mang tính minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Mục đích bỏ phiếu kín tín nhiệm Hiệu trưởng, Hiệu phó là gì?

Chuyện bỏ phiếu tín nhiệm với cơ chế quản lý ở nước ta không mới, thông qua bỏ phiếu tín nhiệm giúp đánh giá công bằng về tín nhiệm của tập thể với cá nhân lãnh đạo.

Thông qua tín nhiệm của tập thể, cơ quan quản lý cấp trên có đánh giá chính xác hơn về một cán bộ mà mình quản lý; có thể tái bổ nhiệm hoặc không tái bổ nhiệm sau khi hết nhiệm kỳ.

Như vậy bỏ phiếu kín đánh giá mức độ tín nhiệm là “vòng kim cô” để quản lý, trừng trị những cán bộ không thực hiện đúng pháp luật, đúng lương tâm, đúng trách nhiệm, đúng quyền hạn mà pháp luật cho phép.

Bỏ phiếu kín tín nhiệm Hiệu trưởng, Hiệu phó có hạ bệ cán bộ tốt không?

Cán bộ tốt không bao giờ lấy quyền hiệu trưởng, hiệu phó để … quản lý.

Bỏ phiếu tín nhiệm Ban giám hiệu, cần cân nhắc kỹ!
Bỏ phiếu tín nhiệm Ban giám hiệu, cần cân nhắc kỹ!

Cán bộ tốt là cán bộ lan tỏa sự tử tế từ hành vi, tác phong, đạo đức của chính mình; lấy bản thân mình nêu gương, giáo dục giáo viên nhân viên trong trường.

Nếu một trường học mà có quá nửa giáo viên, nhân viên không thấy tín nhiệm với một “cán bộ tốt” không thể khẳng định đó là một cán bộ tốt được! Đó là một thực tế trong cuộc sống.

Người tốt là hướng thiện, thấy được cái thiện, hành thiện và cái thiện dễ cảm hóa con người.

Một hiệu trưởng vì học sinh thân yêu, vì kỷ cương trường lớp, lấy bản thân nêu gương, nói đi đôi với làm, dù có làm mất lòng người khác khi kỷ luật họ nhưng chắc chắn vẫn được sự ủng hộ của đại đa số giáo viên.

Chỉ có cán bộ không tốt mới coi bỏ phiếu kín tín nhiệm là “vòng kim cô”; không thể có chuyện bỏ phiếu kín tín nhiệm làm mất cán bộ tốt.

Tôi hoàn toàn ủng hộ “Nên để giáo viên bỏ phiếu kín đánh giá Hiệu trưởng”.

Phiếu kín đánh giá Ban giám hiệu nên thiết kế như thế nào?

Phiếu phải thể hiện văn bản quy phạm pháp luật, nhưng nội dung chỉ cần thể hiện vấn đề: Phiếu lấy ý kiến tín nhiệm Hiệu trưởng(hiệu phó) phải in sẵn tên người được lấy tín nhiệm; phải có hai ô: Tín nhiệm; Không tín nhiệm; Phiếu phải có số seri như phiếu bầu cử …có đóng mộc treo của cấp quản lý cao hơn; người được lấy ý kiến không cần ký tên hay viết thêm bất cứ thông tin gì, chỉ cần đánh dấu vào ô tín nhiệm hay không tín nhiệm.

Kiểm phiếu tín nhiệm như kiểm phiếu bầu cử; đảm bảo không có sự thay phiếu, làm giả phiếu.

Tỷ lệ tín nhiệm của giáo viên với cán bộ quản lý là chỉ số tham chiếu cho cơ quan cấp trên khi đánh giá, bổ nhiệm cán bộ quản lý; giúp cán bộ tự điều chỉnh hành vi, nâng cao trình độ quản lý cho chính mình.

Cán bộ tốt chắc chắn không ai sợ bỏ phiếu kín tín nhiệm về bản thân mình.

Sơn Quang Huyến