Có hiệu trưởng toàn tâm toàn ý với nhà trường không?

24/05/2020 06:49
HOÀNG SA VIỆT
GDVN- Tôi mạnh dạn đưa ra câu hỏi này và tự mình đi tìm câu trả lời sau khi “điểm lại” quãng đường mà bản thân từng trải nghiệm, chiêm nghiệm…

Do cơ chế của chúng ta, việc bổ nhiệm cán bộ quản lý không phải hoàn toàn do ngành chủ quản (giáo dục) thực hiện mà còn có cả chính quyền, có cả tổ chức Đảng theo một quy trình được cho là chặt chẽ, công tâm.

Đề bạt, cất nhắc vào vị trí hiệu trưởng của các cấp có thẩm quyền là một chuyện; còn vị hiệu trưởng ấy có thực sự toàn tâm toàn ý với nhà trường, với công việc là một chuyện khác.

Lương của một hiệu trưởng cộng với phụ cấp chức vụ thì hàng tháng cũng tương đương lương của một giáo viên có thâm niên trên dưới vài chục năm. Ngoài ra, công việc của người “đứng mũi chịu sào” rất vất vả!

“Một người lo bằng kho người làm” - Hiệu trưởng là người có tầm nhìn xa trông rộng; có những quyết sách sáng tạo, năng động để đưa nhà trương đi lên bằng đôi chân của mình! Rồi lập kế hoạch hoạt động hàng năm học, từng học kỳ, từng tháng…

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học, có rất nhiều vấn đề phát sinh; đòi hỏi hiệu trưởng phải là người có tài quản lý để đáp ứng những yêu cầu đặt ra…

Có hiệu trưởng toàn tâm toàn ý với nhà trường không? (Ảnh minh họa: Caodangduoctphcm.org.vn)

Có hiệu trưởng toàn tâm toàn ý với nhà trường không? (Ảnh minh họa: Caodangduoctphcm.org.vn)

Công việc làm theo giờ hành chính, không phải như giáo viên, có tiết dạy trong thời khóa biểu mới lên lớp. Ngoài thời gian đó, giáo viên có thể làm mọi công việc gia đình… Do đó, áp lực công việc rất lớn luôn đè nặng lên vai của hiệu trưởng.

Có nhiều vị hiệu trưởng loay hoay suốt ngày trong trường, không bứt ra khỏi một đống công việc đang chờ mình giải quyết (nhất là đầu năm và cuối năm học). Mặc dù đã phân công, “phân bổ” bớt cho các vị hiệu phó làm nhưng như tôi biết, công việc rất nhiều, đủ thứ “thượng vàng hạ cám” …

Đã có những trường hợp xin nghỉ làm Ban giám hiệu (hiệu phó), bên cạnh có những ý kiến chưa “trùng khớp” với hiệu trưởng trong điều hành trường mà còn vì áp lực công việc nhiều mà phụ cấp chẳng bao nhiêu để bù đắp!

Đó là chân dung “cơ bản” của một hiệu trưởng toàn tâm toàn ý với nhà trường! Nhưng liệu vợ con, gia đình có chấp nhận một người có năng lực như anh lại làm cái chuyện “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”?

Làm công việc nhiều hơn mọi người; trách nhiệm nặng hơn mọi người mà vẫn lương “ba đồng ba cọc” (nếu làm giáo viên, có thể dạy thêm thì thu nhập gấp nhiều lần làm hiệu trưởng hoặc có nhiều thời gian làm công việc khác, công việc gia đình) thì thử hỏi có ai chấp nhận không?

Nhưng (lại “Nhưng”…) làm cách nào để tăng thêm thu nhập cho hiệu trưởng ? Chính đáng hay không chính đáng? Minh bạch hay không minh bạch? Gương mẫu hay không gương mẫu? (Có người nói vui: “Gương” là “thấy”; “Mẫu” là “mẹ”; nên ai “gương mẫu” thì “Thấy mẹ !”).

Thế là chỉ cần một cái tặc lưỡi “Thôi kệ!”, ông “chủ tài khoản” có thể (lúc đầu) tạm ứng một ít (sau nếu quá nhiều vì “tích tiểu thành đại”, tiền túi không đủ trả thì dùng hóa đơn đỏ để hợp thức hóa) để mua chiếc điện thoại thông minh cho bà xã; mua món quà sinh nhật con, đi đám cười con lãnh đạo (nghe nói hiệu trưởng cũng phải “đẳng cấp”, không phải “đi” bình thường như giáo viên mà phải gấp bốn, gấp năm cho họ “nể mặt”).

Tìm được một vị hiệu trưởng công tâm, toàn tâm toàn ý với nhà trường vào thời buổi này thật khó!

HOÀNG SA VIỆT