Tài chính tiêu dùng thúc đẩy sản xuất phát triển hơn sau dịch Covid-19

22/05/2020 08:31
Nguyễn Ngọc
GDVN- Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, lĩnh vực tài chính tiêu dùng tuy chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động tín dụng của cả nền kinh tế nhưng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Ngày 21/5, tại Hà Nội, Báo Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm về thị trường tài chính tiêu dùng, với chủ đề: “Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng”, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính hàng đầu Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. ảnh: LH.

Các chuyên gia nhận định thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. ảnh: LH.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội Việt Nam.

Mô hình phục hồi kinh tế hiện nay đều là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài; đồng thời phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng mới của người dân, doanh nghiệp và Chính phủ.

“Để làm được điều đó, kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay. Có nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó có phát triển tài chính tiêu dùng”, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

Phân tích kỹ hơn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, lĩnh vực tài chính tiêu dùng tuy chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động tín dụng của cả nền kinh tế nhưng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân vượt qua khó khăn tài chính tạm thời, và thúc đẩy tiêu dùng xã hội, thông qua đó thúc đẩy sản xuất và đóng góp một cách trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, lĩnh vực cho vay tiêu dùng từ chỗ chỉ có ngân hàng thực hiện, giờ đây đã có sự tham gia mạnh mẽ của các công ty tài chính tiêu dùng. Trong bối cảnh như trên, FE CREDIT là công ty tài chính hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vay tiền của người dân có thu nhập trung bình và thấp, khi đang cung cấp dịch vụ cho hơn 15 triệu khách hàng trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Đây cũng là tổ chức tài chính luôn ý thức về tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Việc phân tích tình hình và xây dựng phương án ứng phó với các tình huống giả định về diễn biến của dịch bệnh được FE CREDIT triển khai ngay từ đầu để đảm bảo các hoạt động kinh doanh vẫn được duy trì ổn định nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của công ty cũng như của khách hàng.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tiềm năng tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn rất lớn, bởi tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới đạt khoảng 11,4%

“Nền kinh tế khởi động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội là một cơ hội phục hồi tốt cho các doanh nghiệp, trong đó có cho ngành tài chính tiêu dùng lấy lại được tốc độ tăng trưởng cao như đã từng đạt được.

Chiều ngược lại, sự phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói chung và các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng lại giúp nền kinh tế có thêm được nguồn vốn tín dụng hữu hiệu, giúp mở rộng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển”, ông Phương nói.

Cùng chung quan điểm với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, hoạt động tài chính tiêu dùng của các công ty tài chính có vai trò góp phần phục hồi phát triển kinh tế và hỗ trợ an sinh xã hội sau đại dịch. Có thể kể đến 3 vai trò chính gồm:

Thứ nhất, trong giai đoạn vừa phục hồi kinh tế vừa kiểm soát dịch bệnh hiện nay, tài chính tiêu dùng vẫn là nhu cầu quan trọng của người dân, đặc biệt là phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, dưới chuẩn, không thể tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng;

Thứ hai, tài chính tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc góp phần đẩy lùi tín dụng đen;

Thứ ba, góp phần vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện qua 3 phương diện: Phát triển tài chính tiêu dùng là cơ sở để tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, nhất là giai đoạn sau dịch bệnh; từ đó, thúc đẩy sản xuất và cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam khi tài chính tiêu dùng tập trung vào phân khách hàng dưới chuẩn, nhỏ lẻ, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng; Thị trường tài chính tiêu dùng đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

Đến hết năm 2019, ước tính các công ty tài chính tạo ra khoảng 50.000 việc làm; trong đó, riêng 3 công ty tài chính hàng đầu đang sở hữu khoảng 38.000 nhân viên.

Nguyễn Ngọc