Làm hiệu trưởng thật ra đều có tài!

04/06/2020 06:00
Lê Mai
GDVN- Giáo viên không có tài, không thể lên làm hiệu trưởng, hiệu phó được. Điều này khẳng định luôn luôn đúng ở bất cứ trường nào.

Dân ta có câu “Đầu gà hơn đuôi voi”, ngụ ý thâm sâu vẫn có chút hàm ý so sánh dù đứng đầu một tổ chức nhỏ còn hơn chỉ là con số trong tổ chức lớn.

Hiệu trưởng, một trường nhỏ, hay to, đông hay ít giáo viên vẫn là “đầu gà”; giáo viên “trọc” dù “giỏi xuất chúng” cũng chỉ là “đuôi voi”.

Thầy giáo T. kể cho người viết câu chuyện một hiệu trưởng “Thầy H. hồi đi học sư phạm cũng dạng thi đi, thi lại; về đi dạy chưa từng thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, bỗng nhiên được đề bạt làm hiệu phó, rồi làm hiệu trưởng.

Thầy H. chưa hề làm mất lòng ai; chưa nói nặng một câu với ai, xuề xòa, dĩ hòa vi quý.

Đặc biệt thầy H. rất vô tư về chuyện tiền bạc, thầy còn cho thanh tra nhân dân thích thanh gì cũng được, thanh tra từng phiếu thu, chi của nhà trường cũng đồng ý; tiền tết trường em luôn nhất nhì cả huyện”.

Một hội thi giáo viên dạy giỏi. (Ảnh mang tính minh hoạ: thanhtri.hanoi.gov.vn)
Một hội thi giáo viên dạy giỏi. (Ảnh mang tính minh hoạ: thanhtri.hanoi.gov.vn)

Thế thầy H. có tài cán gì mà vẫn làm hiệu trưởng vậy?

“À, tài của thầy H. ít người có, thầy chả bao giờ giận ai.

Dù người đó phát biểu thẳng trước cuộc họp hội đồng “Làm hiệu trưởng như thầy, nên từ chức đi”;

Vậy nhưng tuyệt nhiên không ai thấy thầy H. giận hay trả thù người phát biểu.

Giáo viên nói thầy H. là đệ nhất tài nhịn nhục”.

Có ý kiến cho rằng không có tài, không có tâm, cũng có thể làm làm hiệu trưởng được.

Đã làm hiệu trưởng, thật ra đều có tài!

Giáo viên không có tài, không thể lên làm hiệu trưởng, hiệu phó được. Điều này khẳng định luôn luôn đúng ở bất cứ trường nào.

"Bó đũa chọn cột cờ" để đưa lên làm lãnh đạo, trong giáo dục cũng vậy, từ những giáo viên mà các cấp sẽ chọn ra tổ trưởng, tổ phó, hiệu trưởng, hiệu phó.

Những người được chọn phải có tài để làm mình nổi bật hơn người khác trong nhóm, trong tổ, trong trường.

Thế nhưng có tài gì, cái tài đó có đem lại lợi ích của cộng đồng, nhà trường, học trò…; hay cái tài đó chỉ vun vén cho gia đình, nịnh nọt, luồn cúi, nhẫn nhục …. lại là một chuyện khác.

Chúng ta chứng kiến không ít hiệu trưởng có tài tận thu từ học trò, có tài bán từ tờ giấy thi, tài diễn xuất nhận giấy khen dù mình không có, tài biến của công thành của riêng, tài tiêu tiền trợ cấp của học trò nghèo, tài phân công giáo viên làm những việc mà giáo viên không phài làm…

Những cái tài rất xấu xí; những tài này thường đi với chữ … "tai" một vần.

Chữ "tai" có thể không đến với người có tài kể trên, mà đến với đồng nghiệp, đến với xã hội, đến với học trò.

Cũng không ít hiệu trưởng có tài kể trên đã lãnh chữ "tai" từ công lý.

Người đứng đầu địa phương, đứng đầu ngành giáo dục, có tài gì, yêu tài gì, mến tài gì, hiệu trưởng, hiệu phó thường có tài đó.

Vì vậy chọn đúng cán bộ, chọn đúng mặt gửi vàng là then chốt cho sự phát triển văn hóa, xã hội.

Rất nhiều địa phương đã và đang thi tuyển lãnh đạo tất cả các ngành, kể cả ngành giáo dục; mong lắm thay các cuộc thi khách quan, minh bạch để chọn đúng người có tài, có tâm.

Chọn được hiệu trưởng tốt là chúng ta đã cho cộng đồng một ngôi trường tốt.

Chọn nhầm một hiệu trưởng, có thể phá cả một ngôi trường, làm thui chột ước mơ, hoài bão của không ít người, trong đó có cả học trò và giáo viên.

Lê Mai