Những kỳ thi tốn kém và giảm sáng tạo

03/06/2020 06:09
NGUYỄN MINH THANH
GDVN- Suốt năm học các em học để thi định kỳ, hết học kỳ lại thi đề chung của phòng của sở, học-ôn-thi trong suốt cuộc đời.

LTS: Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Minh Thanh (một giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ quan điểm cho rằng việc tổ chức thi cử hiện nay rất tốn kém, gây mệt mỏi, đặc biệt là kỳ thi vào lớp 10.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm ngoái, tôi được phân công đi coi thi tuyển sinh lớp 10. Buổi sáng ngày đầu coi thi, nhìn dòng người đông đảo đưa con cái đi thi tuyển sinh lớp 10 thật vất vả.

Tôi thấy hình việc này vừa tốn kém tiền bạc vừa mất thời gian đi lại. Gây xáo trộn trong cuộc sống của nhiều gia đình trong những ngày thi tuyển.

Kinh phí tổ chức để kỳ thi an toàn và nghiêm túc cũng cần tới số ngân sách không nhỏ cho các điểm thi.

Tiền cơ sở vật chất, tiền đảm bảo an ninh, tiền giám thị và hội đồng coi thi, tiền chấm bài và cả giấy mực....

Thiết nghĩ, nên giao hẳn việc đánh giá kết quả học tập của học sinh cho giáo viên đứng lớp.

Ngành giáo dục yêu cầu phổ cập cấp trung học cơ sở - tức là đảm bảo mọi người trẻ đều được đến trường cho hết lớp 9, vậy thi để làm gì?

Học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10. (Ảnh minh họa: Baodongnai.com.vn)

Học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10. (Ảnh minh họa: Baodongnai.com.vn)

Suốt quá trình học các em được đánh giá kết quả học, nếu đảm bảo yêu cầu tối thiểu thì xét tốt nghiệp cấp 2 là xong.

Suốt năm học các em học để thi định kỳ, hết học kỳ lại thi đề chung của phòng của sở, học-ôn-thi trong suốt cuộc đời.

Thời gian để các em nhìn về việc học của bản thân không biết có được coi trọng?

Còn thời gian đâu cho những sở thích đam mê tuổi học trò nữa, phải chăng các em đang thiệt thòi vì những kỳ thi?

Chương trình giảng dạy tùy theo khu vực, và như vậy thành quả học của học sinh theo vùng khu vực thành thị/nông thôn là khác nhau nên chăng để từng trường trung học cơ sở đánh giá và xét "hoàn thành chương trình trung học cơ sở".

Sau đó, từng trường trung học phổ thông tự do tuyển chọn học sinh để nhập học giữa trên kết quả đó.

Đến bước tuyển chọn học sinh vào trung học phổ thông, thì chất lượng giảng dạy ở bậc trung học cơ sở như thế nào sẽ được phân hóa, qua một vài năm học sinh trung học cơ sở của một đơn vị nào đó được lựa chọn theo học tại bậc trung học phổ thông có khả năng như thế nào sẽ được trường trung học phổ thông đó đánh giá.

Điều này, tạo áp lực lớn lên đội ngũ lãnh đạo cấp trung học cơ sở phải cải thiện chất lượng chứ không cần ai đánh giá.

Vì chất lượng nguồn vào không tốt thì các trường trung học phổ thông không nhận học sinh tại bậc trung học cơ sở có học sinh đó nữa. Rất công bằng và khách quan.

Khi tan buổi thi môn Ngữ văn năm ngoái, tại điểm thi tôi coi thi có học sinh làm được bài văn do ôn thi tác phẩm "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng, nhưng có em thì không biết đến Lưu Quang Vũ là ai trong phần làm văn nghị luận tự chọn...

Các em làm được là đã được "tập dượt" tức là có học và làm qua. Hoặc chí ít đã được học dàn chi tiết nên làm được bài.

Thực tế là các em không được học cách để bình văn, chỉ học dàn bài có sẵn!

Và ít có học sinh nào đã đọc trọn vẹn một tác phẩm văn học được giảng dạy trong trường phổ thông... điều này rất đáng tiếc.

Đa phần các em chỉ đọc theo yêu cầu tối thiểu để học cho kịp chương trình trong nhà trường.

Năm nay, theo thông báo dự kiến mới nhất, các trường trung học phổ thông công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tiếp nhận 70% học sinh từ cấp hai, phần còn lại sẽ theo học các trường tư thục, quốc tế, dân lập, học nghề.

Sau mùa dịch Covid-19, chương trình được cắt bớt, đảm bảo kiến thức cơ bản để các em có cơ sở học lên lớp trên. Nhưng kỳ thi lớp tuyển sinh 10 năm nay vẫn diễn ra trên khắp đất nước.

Thiết nghĩ rằng, các cơ quan có trách nhiệm ngành giáo dục nên hoàn thiện phương án xét tuyển để giảm bớt sự nặng nề trong thi cử và các em học sinh cũng không phải chạy đua với các giai đoạn ôn thi.

NGUYỄN MINH THANH