Ai có quyền bắt cô Cảnh không được giảng dạy?

04/06/2020 06:12
Bài, ảnh: Nguyễn Phan
GDVN- Cô giáo Cảnh là một nhà giáo được pháp luật công nhận nhưng lại không được thụ hưởng chế độ chính đáng của một nhà giáo.

Như tin đã đưa, sau 8 tháng không được nhận chế độ hưu dù đã nghỉ hưu từ ngày 01/10/2019, cô Nguyễn Thị Cảnh, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thị Trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cùng nhiều đồng nghiệp khác đã có những ngày sống trong kham khổ, tủi cực, thậm chí có trường hợp phải bán vé số dạo để mưu sinh.

Liên quan vụ việc, Giáo dục Việt Nam đã đăng tải nhiều kỳ.

Nguyên nhân chính dẫn đến chế độ hưu của những nhà giáo này bị “ách tắc” là do sự “bất bình thường” trong công tác giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo và sự phân công công việc trái vị trí việc làm của ngành giáo dục địa phương.

Trước những phản ánh trên, các cơ quan chức năng của địa phương đã xúc tiến giải quyết và đang dần có những kết quả khả quan.

Cơ sở pháp lý để xác thực tỷ lệ phụ cấp thâm niên của cô giáo Nguyễn Thị Cảnh đã đầy đủ, bản thân cô giáo Nguyễn Thị Cảnh đã tự kê khai quá trình công tác và đề xuất mức phụ cấp 29% (cô Cảnh đã có 31 năm giảng dạy, nhưng đối chiếu Nghị định 54, cô Cảnh đã trừ 18 tháng tập sự nên còn lại 29%).

Hiện tại, Hội đồng trường tiểu học và trung học cơ sở Thị Trấn Vĩnh Thuận đã tiến hành họp xét và kiện toàn hồ sơ gửi Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận để đề nghị Hội đồng xét phụ cấp thâm niên của huyện Vĩnh Thuận quyết định.

Theo hồ sơ, do cô Cảnh có thời gian công tác ở nhiều trường khác nhau trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận nên để có cơ sở đề xuất Hội đồng xét phụ cấp thâm niên huyện quyết định, thủ trưởng các đơn vị trường học nơi cô Cảnh từng tham gia công tác phải xác thực quá trình công tác của cô Cảnh vào chính bản tự kê khai của cô.

Theo xác nhận của thủ trưởng cũ, “cô Cảnh đã có 1 năm 6 tháng không tham gia giảng dạy”. Từ lý do này, cô Cảnh bị đề xuất trừ thêm 1% và chỉ thụ hưởng 28% phụ cấp.

Tuy nhiên, sau cả quá trình dài bị cắt chặn phụ cấp, nghỉ hưu đằng đẵng 8 tháng không được nhận lương và nay vì có xác nhận “1 năm 6 tháng không tham gia giảng dạy” nên bị trừ đi 1% phụ cấp thâm niên khiến cô Cảnh bi ai thốt lên:

“Tôi không phải là nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm văn học hiện thực phê phán kinh điển của nhà văn Nam Cao.

Nhân vật của nhà văn Nam Cao đã phải đau đớn kêu gào “ai cho tôi lương thiện?” thì nay chắc tôi lại phải kêu lên với cấp có thẩm quyền của huyện Vĩnh Thuận rằng: “Ai đã không cho tôi tham gia giảng dạy?”

Ai có quyền bắt cô Cảnh không được giảng dạy? ảnh 3Bản tự kê khai phụ cấp thâm niên đã được xác thực của cô giáo Nguyễn Thị Cảnh

Quyền được dạy của nhà giáo đã bị tước đoạt , nay “kiên định” tước đoạt luôn chế độ của nhà giáo

Lời cảm thán “Ai đã không cho tôi tham gia giảng dạy?” khi cô giáo Cảnh đọc lời xác nhận “cô Cảnh đã có 1 năm 6 tháng không tham gia giảng dạy” của thủ trưởng cũ đã thể hiện rõ nét về việc quyền được dạy của nhà giáo đã bị tước đoạt một cách thẳng tay.

Cô giáo Nguyễn Thị Cảnh tham gia công tác trong ngành giáo dục từ năm 1988, có 31 năm công hiến cho ngành với nhiều thành tích nổi bật được chứng minh bằng nhiều bằng khen, giấy khen và chứng nhận chiến sĩ thi đua các cấp, nhưng đổi lại cô đã bị cắt chặn toàn bộ chế độ phụ cấp chính đáng của bản thân.

Đến khi nghỉ hưu rồi mới được “đoái xét” lại chế độ nhưng đầy rẫy sự nhọc nhằn. Cô giáo Cảnh là một nhà giáo được pháp luật công nhận nhưng lại không được thụ hưởng chế độ chính đáng của một nhà giáo.

Từ thông tin do bà Ngô Thị Ngọc Hạnh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục Vĩnh Thuận (hiện tại Phòng Giáo dục Vĩnh Thuận chưa có vị trí trưởng phòng. Vị trưởng phòng cũ đã được điều động công tác về đơn vị khác), cung cấp gày 1/6/2020 thì sau khi vụ việc của cô Cảnh được giải quyết sẽ trở thành “cơ sở nền” đề giải quyết cho các trường hợp còn lại đang có hoàn cảnh tương tự như cô Cảnh.

Và như vậy, chỉ cần các thủ trưởng đơn vị xác nhận rằng “giáo viên không tham gia giảng dạy” thì chắc chắn rằng họ sẽ vĩnh viễn mất đi chế độ chính đáng mà pháp luật đã hiến định để họ được hưởng.

Câu hỏi “Ai đã không cho tôi tham gia giảng dạy?” không đơn giản là một lời cảm thán, mà chính là hồi chuông báo động cho sự vô pháp đã và đang tồn tại.

Chế độ phụ cấp thâm niên của hàng trăm nhà giáo bị tước đoạt “đầy kiên định” trong cả thập kỷ qua là một chỉ dấu rõ nét của sự tham nhũng.

Thực tế, trước khi Nghị định số 54/2011 có hiệu lực pháp luật, ngày 24 tháng 09 năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 6120/BGDĐT-NGCBQLGD để trả lời các Sở Giáo dục và Đào tạo khi được hỏi về nội dung Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông (ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Bộ Giáo dục nêu rõ:

“Đối với trường phổ thông chưa có viên chức làm công tác thư viện, thiết bị, văn thư, thủ quỹ, y tế học đường có thể bố trí giáo viên kiêm nhiệm. Không bố trí giáo viên kiêm nhiệm công tác kế toán”.

Đồng thời, để đảm bảo chế độ cho nhà giáo, tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, Bộ Giáo dục cũng đã hướng dẫn về việc quy đổi tiết dạy cho giáo viên nếu được phân công kiêm nhiệm nhiệm vụ khác như sau:

“Hiệu trưởng căn cứ tình hình thực tế quy định việc quy đổi tiết dạy đối với các công việc chuyên môn khác sau khi có ý kiến đồng ý của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo”.

Như vậy, căn cứ hệ thống văn bản pháp quy trên, nếu nhà trường có tình trạng chưa có viên chức làm công tác thư viện, thiết bị, văn thư, thủ quỹ, y tế học đường thì việc giáo viên được phân công kiêm nhiệm là hoàn toàn phù hợp, nhưng họ phải được thụ hưởng đầy đủ chế độ dành cho nhà giáo chứ không phải là cắt bỏ thẳng tay như cách làm của ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận trong suốt thập kỷ qua.

Và theo sự giải thích đầy bàng quan trong việc chế độ nhà giáo bị cắt chặn của Phòng giáo dục Vĩnh Thuận “Năm học 2018-2019, trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận có 61 giáo viên được phân công nhiệm vụ làm nhân viên văn phòng.

Số giáo viên làm nhân viên văn phòng có trình độ chuyên môn chuyên ngành sư phạm, đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức là giáo viên.

Do tình trạng thừa giáo viên, thiếu nhân viên văn phòng là kế toán, văn thư, thiết bị, thư viện... nên Ban Giám hiệu nhà trường tạm thời phân công làm nhân viên văn phòng để đảm bảo chế độ làm việc.

Nguyên nhân, do thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu cân đối trong cơ cấu vị trí việc làm (thiếu nhân viên có trình độ phù hợp) dẫn đến phải phân công giáo viên đảm nhiệm.

Do số giáo viên này làm công tác văn phòng, không tham gia trực tiếp giảng dạy nên không được hưởng các chế độ phụ cấp như phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nhà giáo theo quy định của Chính phủ” thì sự vô pháp và phủ nhận pháp luật một cách công khai đã tồn tại trong ngành giáo dục của địa phương này rất đáng kinh sợ.

Qua đây, có thể thấy dấu hiệu tham nhũng đã hiện diện rất rõ ràng, sự vào cuộc của cơ quan chức năng là cần thiết và bức bách.

Những mảng tối liên quan đến vụ việc sẽ tiếp tục được thông tin.

Bài, ảnh: Nguyễn Phan