Phụ huynh kiện trường quốc tế: Toà bác đơn, phụ huynh sẽ kháng cáo

05/06/2020 06:18
AN NGUYÊN
GDVN- Từ tố cáo của ông Tuấn, cơ quan chức năng đã phát hiện một số sai phạm của trường quốc tế nhưng Toà án vẫn bác đơn kiện của ông.

Ngày 4/6, Toà án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn xét xử sơ thẩm đã tuyên vụ án dân sự phụ huynh kiện Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (chi nhánh công ty cổ phần Kinderworld Việt Nam), yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng, bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần.

Toà bác đơn khởi kiện Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng của phụ huynh. Ảnh: AN

Toà bác đơn khởi kiện Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng của phụ huynh. Ảnh: AN

Theo đơn khởi kiện, ông Tuấn có con trai là cháu NXB. (sinh năm 2013) theo học tại Trường quốc tế Singapore Đà Nẵng từ bậc mẫu giáo. Đến năm 2019, cháu B. bước vào cấp tiểu học.

Ngày 26/5/2019, ông Tuấn đã ký hai văn bản về cung cấp dịch vụ giáo dục do phía nhà trường soạn sẵn để đăng ký nhập học cho cháu B.

Trong văn bản, có nội dung đề cập đến các khoản phí bắt buộc gồm phí đặt cọc 8 triệu đồng và học phí 220 triệu đồng/năm.

Ông Tuấn cho rằng, việc thu phí đặt cọc là không đúng quy định pháp luật nên khi nhận được thông báo đăng ký nhập học, ông đã ghi ý kiến là không đồng ý với khoản thu này.

Sau đó, phụ huynh đã làm đơn khiếu nại đến Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng về khoản phí đặt cọc này. Phía Sở trả lời, đề nghị nhà trường làm việc với phụ huynh để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Nhà trường đã gửi thư mời ông Tuấn đến trao đổi nhưng do thời gian gấp gáp nên việc này không được thực hiện.

Ngày 24/7/2019, Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng ra thông báo sẽ ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục cho cháu NXB. nếu ông Tuấn không chấp nhận khoản tiền đặt cọc này.

Ông Tuấn cho rằng, thông báo bất ngờ từ phía nhà trường đã khiến gia đình ông phải vất vả tìm kiếm trường khác để cho cháu NXB. kịp nhập học năm học 2019-2020.

Bản thân cháu B. cũng bị ảnh hưởng tâm lý khi chuyển sang trường mới. Do đó, ông Tuấn đã khởi kiện trường quốc tế ra toà.

Tại phiên toà, ông Tuấn cho biết, khi ký vào văn bản cung cấp dịch vụ do chi nhánh công ty cổ phần Kinderworld Việt Nam tại Đà Nẵng soạn thảo, ông đã nêu rõ không đồng ý với khoản thu 8 triệu đồng.

Lý do là khoản thu này mập mờ, không rõ mục đích sử dụng nên gia đình ông không đồng ý.

Việc nhà trường đơn phương ra thông báo chấm dứt cung cấp dich vụ giáo dục cho cháu B. là thiếu thiện chí, không phù hợp với môi trường giáo dục và vi phạm hợp đồng mà hai bên đã ký kết.

“Trong các văn bản thỏa thuận, nhà trường nêu rõ nếu muốn chấm dứt hợp đồng thì bên liên quan phải thông báo ít nhất một tháng.

Tuy nhiên, nhà trường đã không thực hiện đúng mà tự đơn phương chấm dứt khi đang trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Việc này đã khiến việc học của cháu bị đảo lộn khi không kịp tìm trường mới vào thời điểm cận kề năm học”, ông Tuấn cho hay.

Ông Tuấn đề nghị đại diện bị đơn giải thích về mục đích sử dụng của khoản thu 8 triệu đồng.

Đại diện nhà trường cho rằng, khoản phí 8 triệu đồng là tiền đảm bảo nghĩa vụ tài chính phát sinh, đề phòng trong quá trình học tập, học sinh làm hư hỏng trang thiết bị học tập. Phần tiền này sẽ hoàn trả cho phụ huynh khi kết thúc hợp đồng.

Không đồng ý với cách giải thích trên, ông Tuấn đặt vấn đề tại sao nhà trường chỉ thu khoản phí 8 triệu đồng đối với các học sinh chuyển cấp mà không thu đối với những học sinh các lớp khác. Phía bị đơn không đưa ra lời giải thích đối với vấn đề này.

Phía nhà trường cũng cho rằng, sẵn sàng đón cháu NXB. trở lại trường học tập nhưng phải tuân thủ các quy định của nhà trường, bao gồm cả việc thực hiện nộp khoản phí bắt buộc.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, yêu cầu khởi kiện của ông Tuấn là không cơ sở nên đề nghị Toà bác đơn khởi kiện.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên bác đơn khởi kiện của ông Tuấn.

Ông Tuấn cho biết, bản án Toà tuyên chưa thuyết phục nên sẽ kháng cáo gửi Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

AN NGUYÊN