Phải tính kỹ ngành nào đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp cấp 2

07/06/2020 07:39
Đỗ Thơm
GDVN- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 24 về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Một nội dung đáng chú ý trong chỉ thị là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở.

Đây được xem là một giải pháp nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh và nâng cao chất lượng nhân lực.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh. Ảnh: Tùng Dương

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh. Ảnh: Tùng Dương

Liên quan đến vấn đề trên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo đã chia sẻ với Giáo dục Việt Nam một số ý kiến.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều lần đề cập về đề xuất này.

Luật Giáo dục mới cũng đã cho phép và bây giờ là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất thí điểm.

Đây là một trong những giải pháp để phân luồng học sinh, đào tạo việc làm, giúp các em có thể gia nhập thị trường lao động sớm và kỹ năng nghề.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, việc thực hiện phải xem xét, tính toán rất kỹ.

“Chúng ta cần tính toán nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng như thế nào đối với nguồn vào là học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở và ở ngành nghề nào cũng cần được làm rõ”, Tiến sĩ Vinh nêu.

Theo ông, hiện nay, đa số phụ huynh học sinh muốn cho con học hết Trung học phổ thông. Đây là một thách thức khi triển khai đề xuất trên.

“Các em ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện hạn chế, học lực không khá mà học theo chương trình vừa học nghề, vừa học văn hóa, rất sợ các cháu bỏ học giữa chừng.

Nếu các cháu học cấp 2 văn hóa đã khó khăn, nếu thiết kế không phù hợp sẽ rất khó khăn để theo được.

Ở các nước, hệ này giống như trường chuyên về công nghệ, các em đều có năng lực tốt, tiếp thu nhanh”, Tiến sĩ Vinh nói.

Các môn văn hóa trong trường cao đẳng thì dạy môn gì, thiết kế như thế nào, ai dạy, cần phải tính toán, chuẩn bị rất kỹ.

“Các cháu lớp 9 vào học đối với trường trung học chuyên nghiệp trước đây, thầy cô phải vừa dạy vừa phải dỗ các cháu.

Vì thế, phải tính rất kỹ nếu không sẽ lặp lại chuyện chạy theo bằng cấp là rất nguy hiểm”, Tiến sĩ Vinh chia sẻ.

Ông cũng nêu một băn khoăn là trước đây học nghề được cấp bằng kỹ sư thực hành, vậy nó khác gì kỹ sư Bách khoa.

Những người này sau tốt nghiệp cao đẳng muốn học liên thông đại học, tốt nghiệp đại học thì là kỹ sư gì?. Đây là những câu hỏi về hệ thống chưa trả lời được.

Thị trường lao động có loại kỹ sư đó không. Đó là việc cần chú ý.

Tiến sĩ Vinh nhấn mạnh, đây là sáng kiến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông hy vọng với việc chuẩn bị kỹ càng, tính toán thận trọng sẽ giúp thực hiện tốt.

Về vấn đề phân luồng theo Tiến sĩ Vinh có nhiều giải pháp.

Trong đó, doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phân luồng.

Ví dụ như có thể hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp đào tạo kỹ năng nghề, người học có nghề, có việc làm luôn.

Không nhất thiết là phải học rồi tốt nghiệp có văn bằng mới là phân luồng. Quan điểm này cần thay đổi.

Những người được các doanh nghiệp đào tạo xong có thể cấp chứng chỉ nghề, có việc làm, thu nhập. Đó cũng là phân luồng.

Thực tế, bao lâu nay, chúng ta cứ phải định ra bao nhiêu % học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở phải vào trường nghề.

Nhưng theo vị nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, các em có thể không vào trường nghề mà vào doanh nghiệp để được đào tạo.

Nhà nước có hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào phân luồng thay vì cứ phải học có văn bằng.

“Mục đích tối thượng của phân luồng là lao động có kỹ năng, có việc làm, thu nhập. Không phải phân luồng hướng đến mục đích tối thượng là văn bằng.

Đó là hai cách tiếp cận khác nhau và cần phải tính toán để có cách làm phù hợp”, Tiến sĩ Vinh nêu quan điểm.

Đỗ Thơm