Bộ Giáo dục xin hãy cứu thầy trò khỏi những chỉ tiêu thi đua ngất ngưởng

23/06/2020 06:16
Phan Tuyết
GDVN- Ngành giáo dục cần có biện pháp, chế tài thực hiện nghiêm nguyên tắc tự nguyện theo Khoản 1, Điều 3, Quy chế ban hành kèm theo Thông tư số 22/2018/TT-BGDĐT.

Học sinh mỗi năm mỗi khác, chất lượng học tập của lứa học sinh này so với lứa học sinh kia không giống nhau.

Bởi thế, phải vào dạy học một thời gian thì giáo viên mới có thể nắm chắc lực học từng em, từ đó mới đưa ra các biện pháp giáo dục hiệu quả.

Bản ký kết giao ước thi đua giữa phòng giáo dục với các hiệu trưởng trong huyện (Ảnh CTV)

Bản ký kết giao ước thi đua giữa phòng giáo dục với các hiệu trưởng trong huyện (Ảnh CTV)

Thế nhưng ở nhiều địa phương hiện nay, mới bắt đầu vào năm học mới đã tổ chức việc ký cam kết thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mà chẳng cần quan tâm năm học này chất lượng đầu vào của học sinh ra sao để đưa ra chỉ tiêu phấn đấu cho phù hợp.

Những con số chỉ tiêu luôn ở mức cao ngất ngưởng 100% hoặc chí ít cũng 98 đến 99% và yêu cầu các trường thực thi bằng cách ký cam kết.

Khi chỉ tiêu về giáo dục được đưa ra và các hiệu trưởng đã ký vào bản cam kết thì liệu hiệu trưởng nào cuối năm không thực hiện đúng những điều mình đã ký?

Chỉ tiêu cao ngất ngưởng, bất chấp chất lượng học tập thực tế

Ví như, đầu năm học 2019-2020, một huyện ở tỉnh Bình Thuận đưa chỉ tiêu giáo dục:

Phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; Xóa mù chữ mức độ 2, Phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

Trong đó các xã, thị trấn đạt chuẩn mức độ cao hơn bình quân chung toàn huyện tiếp tục duy trì đạt chuẩn. Có thêm 02 trường đạt chuẩn quốc gia.

Tỉ lệ lên lớp thẳng toàn huyện đạt 99,4% ở cấp tiểu học; 95% ở cấp trung học cơ sở.

Tỉ lệ học sinh bỏ học trong năm học 2019-2020 ở cấp tiểu học dưới 0,01% và bỏ học ở cấp trung học cơ sở dưới 1,2%.

Toàn huyện có 72 trường đạt danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến trong đó có 20 trường đạt tập thể Lao động xuất sắc.

"Ấn" chỉ tiêu thi đua là trái quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Khoản 1, Điều 3 (Yêu cầu đối với việc xét thi đua, khen thưởng) Thông tư số: 22/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ:

"Không áp đặt chỉ tiêu thi đua, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện tham gia thi đua của tập thể, cá nhân theo quy định."

Thế nhưng, một số địa phương lại tổ chức ký cam kết thực hiện thi đua ngay đầu năm học, phải chăng đang làm trái tinh thần chỉ đạo của Thông tư về nguyên tắc tự nguyện?

Hiệu trưởng ký cam kết với phòng giáo dục, về cơ sở, hiệu trưởng yêu cầu tổ trưởng chuyên môn ký cam kết với nhà trường và giáo viên lại phải ký cam kết với tổ chuyên môn.

Những chỉ tiêu đã được ký sẽ phân bổ về các tổ chuyên môn cũng theo "luật bất thành văn" chỉ được nâng chỉ tiêu đạt được lên, tuyệt đối không được hạ chỉ tiêu xuống.

Chỉ tiêu được ký ngay trong Hội nghị công chức hàng năm, các tổ chuyên môn sẽ tham gia ký cam kết với nhà trường.

Thế là, cái chỉ tiêu cam kết đã ký chẳng khác nào chiếc vòng kim cô tròng vào cổ mỗi giáo viên, điều này, lợi mang lại thì ít mà hại lại quá nhiều.

Vì những chỉ tiêu đã buộc ký cam kết nên học sinh có học lực quá yếu mất cơ hội lưu ban để học lại và học phổ cập. Chính điều này là nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng ngồi nhầm lớp.

Chỉ tiêu cấp phòng đưa ra, người ký cam kết là hiệu trưởng. Vậy nên, để đạt được điều mình đã ký không ít hiệu trưởng lại đưa ra tiêu chí để khống chế giáo viên.

Ví như đưa vào xét thi đua, xếp loại công chức hằng năm nên nhiều thầy cô giáo sợ và tìm mọi cách để đạt được.

Ngoài việc nỗ lực giảng dạy còn phải dùng các chiêu, thủ thuật để lách quy định. Cho dù nhiều em lực học yếu, hoặc lực học kém, cuối năm vẫn bị lùa lên lớp và sang năm học tiếp theo những học sinh này sẽ được đưa vào danh sách học sinh cần được giúp đỡ.

Điều khó tin khi học sinh S đã lên lớp 6 (Trường Trung học cơ sở Lê Duẩn, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai) nhưng khả năng đọc viết còn rất chậm. Theo giáo viên giải thích vì tình thương, sợ em bỏ học nên “tạo điều kiện” để cho học sinh này lên lớp. [1]

Trường Tiểu học Cẩm Sơn, nhiều học sinh ở trường này đang có hiện tượng “ngồi nhầm lớp”, khi lên lớp 3, lớp 4 song đọc, viết còn kém. [2]

Cứ thế, hết năm học này đến năm học khác những học sinh yếu, kém đều được lên lớp và vào danh sách cần giúp đỡ, cần theo dõi như thế cho đến hết bậc học.

Hay việc, do chỉ tiêu ở nhiều địa phương đưa ra, phải đạt phổ cập giáo dục tiểu học, trung học ở từng mức độ nên học sinh có bỏ học, giáo viên sau khi đi thuyết phục không được buộc phải nghĩ trăm phương ngàn kế để hợp thức hóa số lượng học sinh bỏ học ấy.

Như việc xin giấy chuyển trường, giấy tiếp nhận để rút hồ sơ…và thế là, học sinh bỏ học ở nhà nhưng trên giấy tờ vẫn còn đang đi học.

Cho nên, sau này dù muốn những học sinh này cũng không còn cơ hội được học phổ cập giáo dục.

Cần chấm dứt ngay việc áp đặt chỉ tiêu thi đua qua hình thức ký cam kết trong các cơ sở giáo dục. Chỉ tiêu đang là vòng kim cô xiết chặt từng trường học cũng như mỗi giáo viên.

Chúng tôi khẩn khoản yêu cầu nếu vì học sinh, ngành giáo dục cần có biện pháp, chế tài thực hiện nghiêm nguyên tắc tự nguyện theo Khoản 1, Điều 3, Quy chế ban hành kèm theo Thông tư số 22/2018/TT-BGDĐT.

Cần thực hiện bàn giao chất lượng học tập thật nghiêm túc vào đầu năm, chất lượng học tập cuối năm sẽ làm căn cứ đánh giá giáo viên. Như thế, thầy cô giáo sẽ nỗ lực phấn đấu trong giảng dạy và học sinh cũng sẽ không bị thiệt thòi.

Tài liệu tham khảo:

https://kenh14.vn/nhung-ca-ngoi-nham-lop-kho-do-lo-can-benh-thanh-tich-20190303133829739.chn[1]

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/ha-tinh-khong-biet-doc-biet-viet-van-duoc-len-lop-3-514991.html[2]

Phan Tuyết