Dịch mà cô!

17/06/2020 06:07
Lê Mai
GDVN- Tâm lý dễ dãi vì dịch bệnh đang xảy ra trong ngành giáo dục là điều có thật?

Hai học sinh vừa đi vừa nói chuyện với nhau: “Sao bài kiểm 1 tiết năm nay dễ thiệt, mình đọc cái đề năm ngoái thấy khiếp luôn”, “Dịch mà bạn”.

Hai giáo viên nói chuyện với nhau “Sao mà cuối năm nay chưa thấy kiểm tra hồ sơ sổ sách như năm ngoái nhỉ”, “Dịch mà bạn”.

Năm học 2019 – 2020 thế rồi cũng vào giai đoạn nước rút, chỉ còn một hai tuần nữa nhiều địa phương đã hoàn thành chương trình, học sinh chuẩn bị nghỉ hè.

Thật tuyệt, khi nước ta đã có hơn sáu mươi ngày không có ca lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng; có thể nói chúng ta đã, đang chiến thắng một cuộc chiến thế giới…Covid-19.

Việc dạy và học trong các trường đang có tâm lý ngây ngất men say chiến thắng được thống kê mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông, nên thầy cô dễ dãi, học trò tự thưởng cho mình không học bài?

Dù tình hình dịch bệnh nhưng việc học vẫn vẫn cần phải tập trung, tránh tâm lý dễ dãi. (Ảnh minh họa: Baodansinh.vn)

Dù tình hình dịch bệnh nhưng việc học vẫn vẫn cần phải tập trung, tránh tâm lý dễ dãi. (Ảnh minh họa: Baodansinh.vn)


Tâm lý dễ dãi vì dịch bệnh đang xảy ra trong ngành giáo dục là điều có thật?

Nếu nói không có là nói dối, không ít giáo viên và học sinh có tư tưởng “dịch mà”, dạy cho xong, học cho có, sao cũng được, miễn là hết bài, hết tiết.

Cô giáo H. dạy Văn kể “Hôm rồi em hỏi học sinh sao không chuẩn bị bài, anh biết nó trả lời sao không? Dịch mà cô!”.

Bên cạnh đó cũng không ít giáo viên có suy nghĩ “trời nắng nóng quá, thông cảm cho học trò, dịch bệnh mà” nên khỏi kiểm tra bài cũ, bài soạn; dạy cho hết tiết nên đề kiểm tra ra dễ thở hơn để đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu đầu năm.

Tâm lý thoải mái, dễ dãi sau khi nước ta khống chế thành công dịch bệnh là dễ hiểu; khi dịch bệnh xảy ra người ta mới ngộ ra vấn đề mạng sống là quan trọng nhất, qua được dịch bệnh sẽ trở nên thân thiện hơn, dễ dãi với người khác hơn.

Với giáo dục, không nên dễ dãi!

“Con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”, thầy cô dễ dãi với học trò, học trò dễ sinh ra lười biếng.

Tri thức không thể tự tìm đến nhận thức của học trò mà học trò phải học, tìm lấy, ghi nhận kiến thức.

Dù nắng nắng nóng, dù dịch bệnh, dù chiến tranh vẫn phải học, không có con đường nào khác.

Điểm tổng kết cuối năm có thể cao, vẫn đảm bảo chỉ tiêu đăng ký đầu năm, thế nhưng điểm đó do dễ dãi mà có còn nguy hiểm bội phần.

Vì vậy, các cơ sở giáo dục nên coi trọng chất lượng đề kiểm tra học kỳ, tránh hiện tượng ra quá dễ cũng như quá khó.

Đề ra cần đảm bảo tính phân hóa, nhưng không được đánh đố; có câu dễ nhưng phải có câu phân hóa để kích thích học sinh tự học, tự bồi dưỡng; ghi nhận thành quả, thành tích học sinh cố gắng tìm hiểu thêm.

Dịch bệnh mà, càng dịch bệnh chúng ta càng phải chỉn chu, không chủ quan, dễ dãi trong dạy và học; đó cũng là đang giúp học trò và xã hội không chủ quan với dịch bệnh.

Lê Mai