Giáo viên hợp đồng Hà Nội mỏi mòn chờ một cái kết có hậu

18/06/2020 06:10
Vũ Ninh
GDVN- Ngày 16/5/2020, hơn 100 giáo viên hợp đồng Hà Nội tiếp tục gõ cửa cơ quan chức năng để hỏi về quyền lợi theo họ đáng lẽ phải được hưởng từ 2012.

6 giờ sáng, cô giáo N.T.H cùng hàng chục đồng nghiệp là giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì bắt xe xuống Thành phố Hà Nội.

Năm nay, con gái cô H. lựa chọn không thi Đại học mặc dù em học trường chuyên, lớp chọn.

Con cô H. đang học ngoại ngữ và làm hồ sơ để đi lao động tại Nhật Bản.

Hai mẹ con, hai con đường, hai đất nước nhưng đã từng chung 1 ước mơ: trở thành giáo viên.

Chị H. gạt nước mắt: “Tôi khóc gần như năn nỉ con: Đừng chọn nghề giáo, nhìn gương của mẹ đây này.

Con bé học giỏi, tôi đầu tư rất nhiều cho ăn học.

Nghĩ cảnh con không thi Đại học, đi lao động nước ngoài tôi cũng tiếc.

Nhưng mình nghĩ lại tấm gương mình: đi học, ra trường rồi đi làm mức lương thấp mà phải đến bước đường xuống Hà Nội kêu cứu.

Tôi tiếc cho ước mơ của cháu nhưng vì hoàn cảnh tôi nói với cháu đi làm một vài năm rồi mở quán nhỏ buôn bán.

Con bé khóc, nghe lời mẹ”.

Nghe lời mẹ, Vũ Thị Quỳnh, sinh viên năm 2, Học viện Tài chính bắt xe về Hà Nội đi kêu cứu thay mẹ.

Mẹ của Quỳnh, chị Hương, hiện đang là giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn.

Ngày 16/5/2020, chị Hương ốm bệnh, Quỳnh tình nguyện cùng các cô, các chú – đồng nghiệp của mẹ về Hà Nội kêu cứu.

Quỳnh tâm sự: “Có một lần mẹ tôi hỏi tôi: Nếu bây giờ mẹ bị người ta cho thôi làm giáo viên thì con có thất vọng về mẹ không?

Tôi trả lời rằng: Con luôn tự hào về công việc của mẹ, con cũng không thất vọng về mẹ mà con chỉ thất vọng về cách người ta đối xử với những giáo viên đã cống hiến lâu năm cho ngành giáo dục ”.

Giáo viên hợp đồng Hà Nội mỏi mòn chờ một kết quả thấu tình, đạt lý (Ảnh:Đức Minh)

Giáo viên hợp đồng Hà Nội mỏi mòn chờ một kết quả thấu tình, đạt lý (Ảnh:Đức Minh)

Trong số những giáo viên cống hiến lâu năm cho ngành giáo dục huyện Phúc Thọ có cô giáo T.T.L (52 tuổi).

Cô L. dành nửa cuộc đời (24 năm) bồi dưỡng bao thế hệ học trò tại huyện Phúc Thọ, trong đó có những học trò đang là lãnh đạo địa phương.

Cầm trên tay quyết định và kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, cô L. tủi thân:

“Tôi năm nay đã ngoài 50 cũng chỉ còn vài năm nữa là về hưu.

Đến tuổi này thì việc được đặc cách hay không, còn gắn bó với ngành giáo dục hay không cũng không còn quan trọng nữa.

Nhưng khi nhìn lại cả quãng thời gian thanh xuân cảm xúc của tôi hiện giờ đó là sự tủi thân.

Tủi thân vì bằng này tuổi đời, tóc đã hai màu, từ bục giảng chúng tôi phải xuống lề đường đi cầu cứu.

Từ bé tôi đã ước mơ trở thành một cô giáo, lớn lên khi học xong, tôi về nhận công tác tại huyện Phúc Thọ.

Ngày đó huyện Phúc Thọ còn nhiều khó khăn, mỗi lần đi dạy phải đạp xe 20 kilomet.

Nhưng tôi không từ bỏ vì tình yêu nghề.

Đến thời điểm này tôi cũng chẳng nghĩ sẽ có ngày sẽ phải đi kêu cứu cùng những người từng là học trò của mình”.

Hơn 1 năm đấu tranh chưa có hồi kết của giáo viên hợp đồng Sóc Sơn (Ảnh:Đức Minh)

Hơn 1 năm đấu tranh chưa có hồi kết của giáo viên hợp đồng Sóc Sơn (Ảnh:Đức Minh)

Từng là học trò của của cô giáo T.T.L có thầy giáo Nguyễn Mạnh Thắng (sinh năm 1990, quê Phúc Thọ, Hà Nội).

Hòa mình vào dòng người (hơn 100 giáo viên hợp đồng các huyện), trong lòng thầy Thắng chất chứa nhiều tâm sự.

Tổng kết lại quãng thời gian gần 10 năm đi dạy, thầy Thắng buồn man mác:

“Giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ chúng tôi đều đã bị cắt hợp đồng.

Trong số những giáo viên có mặt trong ngày hôm nay (16/5/2020) có những người từng là thầy, là cô của mình.

Hai thế hệ giáo viên – người già, người trẻ đều chung một nỗi niềm, một tâm trạng đó là sự buồn bã, thất vọng và tủi hổ với công việc của mình.

Chúng tôi biết rằng Bộ Chính trị đã có chủ trương giao các địa phương xét đặc cách giáo viên hợp đồng không theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Thế nhưng không hiểu vì sao Thành phố Hà Nội sau một vòng lại quay về xét tuyển theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Tình cảnh của giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ rất ngặt nghèo.

Hiện nay những giáo viên đã bị cắt hợp đồng phải làm thuê, làm mướn, có người không có thu nhập.

Đợt dịch Covid-19 vừa rồi một số giáo viên được nhà trường thuê thỉnh giảng với mức lương bèo bọt”.

Sự mệt mỏi của các thầy cô hợp đồng tại Hà Nội (Ảnh: Đức Minh)

Sự mệt mỏi của các thầy cô hợp đồng tại Hà Nội (Ảnh: Đức Minh)

Mức lương bèo bọt của cô giáo Đ.T.H (huyện Ba Vì) nhận được vỏn vẹn 19.400 đồng/ tiết học thỉnh giảng.

Thương tình, hiệu trưởng cho cô H. thêm 600 đồng để tròn 20.000 đồng.

Thế nhưng Phòng giáo dục huyện yêu cầu phải trả đúng 19.400 đồng; 600 đồng trả dư cuối cùng nhà trường thu hồi lại.

Cô H. ngồi bệt nơi vỉa hè, nghĩ cảnh mình, tủi thân:

“Huyện Ba Vì có gần 300 giáo viên hợp đồng đều vất vả như tôi.

Trước đây chúng tôi chỉ được trả lương 1.3 triệu đồng/ tháng.

Bắt đầu từ tháng 8/2019 đến nay chúng tôi đều bị cắt hợp đồng.

Một số giáo viên được nhà trường thuê thỉnh giảng với mức lương từ 19.400 đồng, 30.000 đồng/ tiết.

Thu nhập chẳng được bao nhiêu, chẳng đủ cả tiền đổ xăng xe, tiền ăn uống.

Chúng tôi chỉ mong Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội có công văn đặc cách.

Đây là cánh cửa duy nhất để chúng tôi có cơ hội được trở lại bục giảng thay vì phải xuống ngồi lề đường”.

Ngồi lề đường từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa, trước trụ sở tiếp dân của Thành phố Hà Nội, cô giáo Nguyễn Thị Thơm (Sóc Sơn), đeo khẩu trang, chân trần ngồi thất thểu vì mệt mỏi, tụt huyết áp.

Trong những khuôn mặt bơ phờ vì mệt, vì say xe, vì thất vọng…đều là những giáo viên, người ít thì 5-7 năm công tác, người nhiều thì trên 20 năm công tác.

Cô Thơm ghi nhớ từng khuôn mặt đồng nghiệp, có những người cô chưa từng gặp bao giờ.

Nay có mặt ở đây vì đều chung một nỗi khổ như nhau.

Cô Thơm tâm sự: “Từ xưa đến nay, truyền thống của người Việt Nam là tôn sư trọng đạo.

Nhưng thực tế nhìn những đồng nghiệp có mặt tại 34 Lý Thái Tổ ngày hôm nay có ai còn dám nhận nghề giáo viên là nghề cao quý?.

Chúng tôi đến bước đường này cũng chỉ vì lãnh đạo Thành phố đã không giữ lời hứa và không làm theo chủ trương của Bộ Chính trị.

Chúng tôi cũng rất buồn vì xa rời bục giảng mà phải đi đòi quyền lợi của mình.

Như vậy thì còn đâu nghề cao quý!”.

Hơn 100 giáo viên các huyện có mặt tại Hà Nội ngày 16/5/2020 (Ảnh: Khánh Vy)

Hơn 100 giáo viên các huyện có mặt tại Hà Nội ngày 16/5/2020 (Ảnh: Khánh Vy)

Nghề cao quý trong con mắt của nhiều học sinh, phụ huynh nơi thầy giáo Long (Ba Vì) công tác đã phần nào mất đi nhiều ý nghĩa.

Thi thoảng thầy Long vẫn nhận được những câu hỏi hồn nhiên từ phía học sinh: "Thầy ơi! Bao giờ thầy trở lại trường để dạy chúng em?".

Thầy Long đưa cho phóng viên một tập hồ sơ gồm nhiều loại giấy tờ: đơn kêu cứu, quyết định chấm dứt hợp đồng, chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, của thành phố Hà Nội.

Thầy Long chia sẻ: “Nếu người ngoài khi nhìn vào chủ trương của Thành phố sẽ thấy rất nhân văn.

Nhưng chúng tôi là người trong cuộc mới thấy rằng để được đặc cách còn rất nhiều khó khăn.

Với yêu cầu thí sinh thi giảng chuyên môn lại không được quay hình, không có barem điểm, không được phúc khảo.

Như vậy kể cả tôi có được 49.75 điểm cũng sẽ trượt nhưng lại không được phúc khảo.

Số điểm đó dựa trên cảm tính của người chấm.

Và liệu rằng khi chúng tôi đã đấu tranh thì biết trước là tránh đâu.

Ngoài ra giáo viên giảng dạy còn phải ôn thi, chuẩn bị dụng cụ tốn cả triệu bạc trong khi chúng tôi đã không còn thu nhập.

Nhưng quan trọng nhất là kỳ thi đó liệu còn công bằng hay không?”.

Nhìn những hình ảnh này liệu những người lãnh đạo ngành giáo dục sẽ nghĩ gì? (Ảnh: Đức Minh)

Nhìn những hình ảnh này liệu những người lãnh đạo ngành giáo dục sẽ nghĩ gì? (Ảnh: Đức Minh)

Công bằng hay không công bằng? đó là câu hỏi của hàng trăm giáo viên hợp đồng Hà Nội trong đó có thầy Nguyễn Văn Hiệu.

Gần 20 năm đi dạy, tóc đã bạc, da đã mồi khi nhìn lại quãng thời gian từ khi vào ngành sư phạm đến nay, nhìn lại hơn 1 năm đấu tranh, có những phút giây giáo viên hối tiếc vì lựa chọn nghề giáo.

Trong cái nắng chang chang tháng 6, thầy Hiệu cùng hơn 100 đồng nghiệp khác băng qua lối nhỏ từ trụ sở tiếp công dân Thành phố đến Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Lối nhỏ đó hẹp và nhiêu khê như con đường xét đặc cách cho giáo viên Hà Nội. Lối nhỏ đó có công bằng với các thầy cô hay không?

Để khắc phục nhưng bắt cập trong quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, Bộ Chính trị (tại Công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng) và Thủ tướng Chính phủ (tại Công văn số 1480/VPCP-TCCV ngày 05/6/2019 của Văn phòng Chính phủ) đã đồng ý chủ trương cho phép các dịa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiêẻm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng. Để thống nhất việc thực hiện chủ trương này, Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1. Theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành thi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về công tác tuyển dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Do vậy, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước và căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên (biên chế giáo viên) chưa sử dụng để quyết định việc tuyển dụng đặc cách đối với nhóm đối tượng này theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phù.

2. Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

3. Việc tuyến dụng đặc cách đối với đối tượng nêu tại Khoản 2 Công văn này phải bảo đảm các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn chức danh, khung danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập, bảo đảm công khai, minh bạch.

4. Sau khi thực hiện tuyển đụng đặc cách đối với đối tượng nêu tại Khoản 2 Công văn này nếu vẫn còn chỉ tiêu biên chế giáo viên thì thực hiện việc thi tuyển hoặc xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và văn bản hướng dẫn thi hành.

5. Đối với các địa phương đã thực hiện tuyển dụng đặc cách đối tượng nêu tại Khoản 2 Công văn này và thực hiện tuyển dụng theo quy định của pháp luật về viên chức đủ số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao mà vẫn còn giáo viên hợp đồng lao động thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Trích công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 05/11/2019 của Bộ Nội vụ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ 2015 trở về trước.


Vũ Ninh