Nhà khoa học bước lên vũ đài châu lục bằng nghiên cứu giống lúa chịu mặn

22/06/2020 06:05
Thùy Linh (Thực hiện)
GDVN- Đó là Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà - một trong 3 nhà khoa học nữ của Việt Nam trong Danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020.

Năm 2020, Tạp chí khoa học Asian Scientist vinh danh 3 nhà khoa học nữ của Việt Nam trong Danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á là Phó giáo sư Hồ Thị Thanh Vân (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) và Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Cả 3 người Việt lọt top 100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á năm nay đều là những nhà khoa học nữ xuất sắc, được trao Giải thưởng L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019.

Trong đó, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà được vinh danh ở lĩnh vực Nông nghiệp. Cô được ghi nhận với nghiên cứu về phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Hiện cô đang là Phó viện trưởng Viện nghiên cứu di truyền và giống của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Trước vinh dự này, phóng viên Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà.

Phóng viên: Được biết, cô là một trong 3 nhà khoa học nữ của Việt Nam lọt danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á. Khi nhận được giải thưởng danh giá này, cảm xúc mà cô có là gì?

Cũng như mọi ngày tôi đến cơ quan làm việc, cô Trưởng khoa hỏi tôi cô có đọc tin gì không mà ngồi tỉnh bơ vậy?

Tôi trả lời “ đâu biết tin gì?”.

Chị chuyển tin nhắn cho tôi, tôi còn bảo chắc không phải đâu, hay tin cũ rồi.

Tôi lên mạng và tìm trang AsianScientist đọc đến tên của mình, tôi thật sự không tin vào mắt của mình. Giải thưởng này là một điều bất ngờ mà tôi hoàn toàn không biết, và không nghĩ đến. Tôi nghĩ mình đã may mắn!

Sự kiện này đã tiếp sức cho mọi vất vả, khó khăn phía trước, giữ vững niềm đam mê trong nghiên cứu.

Đại thi hào Tagore của Ấn Độ từng nói rằng: “Chúng ta biết ơn ngọn đèn cho chúng ta ánh sáng. Chúng ta cũng phải biết ơn giá chân đèn đã âm thầm đứng trong bóng tối để mang ngọn đèn tỏa sáng khắp nơi nơi”. Cô nghĩ sao về điều này?

Điều này luôn đúng. Trong một kiếp người, kể từ khi hiện hữu đến mất đi, không một ai có thể bước đi và tồn tại nếu đơn độc. Chúng ta không thể tự lớn lên và trưởng thành nếu không có gia đình (cha mẹ, người thân).

Chúng ta không thể tự mình hiểu biết nếu không có sự dạy dỗ của thầy cô, cũng như câu “không thầy đố mày làm nên”.

Đại học Cần Thơ là nơi khởi đầu cho những kiến thức cơ bản của tôi. Sau lưng tôi là một gia đình truyền thống nông nghiệp; là người mẹ tảo tần hy sinh nhưng không chờ đợi được ngày con thành đạt.

Đồng hành cùng tôi là 2 giáo sư đầu ngành, là thần tượng trong lòng, giúp tôi giữ vững niềm đam mê.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà (ảnh nhân vật cung cấp)

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà (ảnh nhân vật cung cấp)

Cũng không thể không nói đến Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi tôi bắt đầu những tập sự kinh nghiệm nghiên cứu, nơi tôi đã gắn bó hơn 10 năm trong nghiên cứu.

Tiếp những chặn đường đổi mới, Hiroshima, Nhật Bản, nơi tôi chọn để tu nghiệp, nâng cao trình độ, một đất nước với nền giáo dục mà nhiều người mơ ước, tôi lại được rèn luyện tinh thần làm việc.

Không thể không nói đến lòng biết ơn những hỗ trợ của nhà trường và giúp đỡ của Giáo sư hướng dẫn, đã tạo điều kiện tốt nhất giúp cho sinh viên như tôi có thể vừa nuôi con, vừa hoàn thành nghiên cứu.

Sự chia sẻ và động viên của các anh chị em du học sinh người Việt; sự hy sinh thầm lặng của cô con gái nhỏ vừa tròn 3 tuổi đã phải theo mẹ nơi xứ người...; tất cả đã giúp tôi thay đổi giá trị của mình.

Đại học Tôn Đức Thắng nơi tôi chọn để làm việc, để khẳng định và tạo ra sản phẩm, giá trị của mình cũng là “cái giá chân đèn”. Chính nơi đây, tôi đã học được câu nói của thầy Hiệu trưởng “Hãy đi-sẽ đến; hãy gõ cửa sẽ mở!”.

Không phải thầm lặng, mà thật sự hiểu thấu giá trị của nhà khoa học nữ, Quỹ tài trợ L’Oreal Unesco For Women in Science đã hiện hữu, mang đến nguồn động lực giúp cho nhà khoa học giữ vững niềm tin và đam mê nghiên cứu.

Bên cạnh đó là sự cộng tác, giúp đỡ của tập thể thành viên Viện nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng Sông Cửu Long (HATRI) trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.

Mỗi chặng đường tôi đi, tôi không thể nào quên được những tác động trực tiếp và gián tiếp ấy, giúp tôi có sự may mắn, niềm tin, đam mê và nổ lực không ngừng nghỉ.

Cô có thể chia sẻ quan điểm về những khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay không? Nơi mà cô đang công tác – tức Đại học Tôn Đức Thắng đã giúp cô vượt qua khó khăn này như thế nào?

Có rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển khoa học nói chung, trong đó đặc biệt là khoa học nông nghiệp.

Trong lúc nhu cầu về nguồn giống cây trồng mới rất cao thì ở trong nước, việc nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc giống lại phát triển rất hạn chế; chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của nền nông nghiệp trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ nhiều năm nay, việc tạo điều kiện cho nghiên cứu sản xuất giống chưa được quan tâm đúng mức. Kinh phí chỉ tập trung vào việc trả lương là chính, rất ít kinh phí đầu tư phục vụ nghiên cứu, thiếu đầu tư về kỹ thuật, công nghệ.

Do đó, rất cần các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, nhất là các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Hiện tại Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện tạo ra được những giống cây trồng chất lượng; nhưng điều quan trọng là phải tập trung vào nguồn nhân lực, cơ chế và phương thức tổ chức cho phù hợp.

Có một vài người sẽ nói rằng “lần đầu tiên họ nghe nói Trường Đại học Tôn Đức Thắng có nghiên cứu về giống nông nghiệp như lúa”.

Điều này không có gì là ngạc nhiên, cũng như tôi, khi lần đầu được biết cái tên Trường Đại học Tôn Đức Thắng vào năm 2018, khi tốt nghiệp tiến sĩ từ Nhật trở về. Gia đình khuyên tôi chọn trường làm nơi bắt đầu lập nghiệp.

Tôi may mắn khi được trực tiếp gặp thầy Hiệu trưởng để rồi lần đầu tiên tôi nghe một người nói với tôi về “tham vọng xây dựng Ngân hàng giống nông nghiệp cho Việt Nam”; về việc “đất nước này có 4000 năm làm nông nghiệp nhưng chưa bao giờ có được một ngân hàng giống tốt cho mình, trong khi Đài Loan, Phillippines thì điều kiện tự nhiên còn khó hơn mình nhiều; nhưng đã có những ngân hàng giống nông nghiệp khổng lồ”;

Và “chúng ta vẫn cứ mãi chọn làm việc dễ là đi mua giống về để sản xuất; và tiếp tục lệ thuộc giống vào nước ngoài”...

Đó là chiến lược, đó là tầm nhìn, đó tâm huyết của một người thực sự xứng đáng là lãnh đạo đại học.

Khi thầy mong muốn Trường Đại học Tôn Đức Thắng phải góp phần xây dựng Ngân hàng giống nông nghiệp cho Việt Nam ; muốn thành lập trung tâm nghiên cứu về giống cây trồng...; suy nghĩ đấy đã làm tôi đặc biệt ấn tượng và thuyết phục tôi.

Và người lãnh đạo này đã tuyển dụng và giao trọng trách cho một người nghiên cứu trẻ, mới tu nghiệp về; để bắt đầu cho một hướng nghiên cứu mà mọi người nói là “chưa từng nghe”.

3 tháng sau thì Đề án xong và Viện nghiên cứu Di truyền và Giống (GRIS) được thành lập. Đây cũng giống như đứa con tinh thần thứ 2 của tôi.

Tôi cũng muốn đặt hết niềm tin và sức lực của mình, đồng hành cùng người lãnh đạo này xây dựng thành công một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp hiện đại, xứng tầm quốc tế; như sự kiên định và quyết tâm xây dựng Trường Đại học Tôn Đức Thắng thành đại học xuất sắc trong TOP 200 của thế giới của ông.

Viện nghiên cứu Di truyền và Giống đang phát triển theo mục tiêu chất lượng hằng năm của Trường.

Nhưng đến nay tiến độ đầu tư, kinh phí, xây dựng cơ sở, trang thiết bị thực hiện vẫn chưa như mong muốn do Nhà trường tự chủ hoàn toàn kinh phí; mà phải lo cùng lúc cả trăm ngàn việc lớn nhỏ; kể cả cơ chế lạc hậu.

Đó là khó khăn lớn nhất, mà cả lãnh đạo và tôi đều phải đối mặt. Nhưng không vì thế mà tôi nản lòng, vẫn phải tập trung nghiên cứu trong hoàn cảnh khó khăn cả về nhân lực và kinh phí.

Với sự đam mê, nỗ lực, kiên nhẫn, quyết tâm, cả sự hy sinh để tiếp tục xây dựng và phát triển sản phẩm, lần đầu tiên GRIS của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (hay đứa con tinh thần của tôi) được quốc tế biết đến tại hội nghị về Nấm bệnh đạo ôn trên lúa ở Trung Quốc vào tháng 5/2019.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà bên cây lúa (ảnh nhân vật cung cấp)

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà bên cây lúa (ảnh nhân vật cung cấp)

Trong năm 2019, lần nữa cả nước lại biết đến GRIS thông qua giải thưởng L’Oreal Unesco For Women in Science. Đây là sự hỗ trợ đã góp phần giúp cho tôi có một nguồn kinh phí để không gián đoạn nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu của tôi về “sàng gen chống chịu mặn của các giống lúa bằng marker phân tử” đã được đăng trên tạp chí quốc tế và được Hội nghị quốc tế nông nghiệp do Tây Ban Nha tài trợ mời tham dự để báo cáo vào tháng 10/2020.

Từ đó đến sự công nhận trong 100 nhà khoa học Châu Á là những nỗ lực không ngừng bên cạnh sự đóng góp, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp từ Viện nghiên cứu HATRI, L’Oreal Unesco For Women in Science và Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Những kết quả này là niềm tin, tâm huyết, và cả sự hy sinh. “Hãy đi rồi sẽ đến”.

Từ kinh nghiệm làm nghiên cứu, cô có nhắn nhủ gì đối với người trẻ khi làm nghiên cứu, thưa cô?

Nghiên cứu phải có đam mê, nỗ lực, kiên nhẫn, chịu đựng, cả sự hy sinh. Các bạn có được những điều này, các bạn sẽ thành công

Hiện nay vẫn còn nhiều sự ngộ nhận và sự hiểu nhầm về khoa học rằng có thể “mua – bán” được. Theo cô, nguyên nhân sâu xa ở đâu? Qua thực tiễn, cô đánh giá như thế nào về năng lực khoa học của ngôi trường mà cô đang công tác.

Sản phẩm của khoa học có thể mua-bán được (thí dụ giống lúa); nhưng khoa học theo nghĩa sáng tạo thì không có tính mua-bán.

Về bản chất khoa học là khai sáng, phát kiến, tạo ra những nhận thức, khái niệm, thông tin, kết quả mới... cũng là để phục vụ con người. Lý thuyết thì không mua-bán được, nhưng sản phẩm ứng dụng từ lý thuyết thì có thể.

Trong môi trường học thuật thì khoa học luôn cần có sự cống hiến hết mình, sự hy sinh (thời gian, sức khỏe, gia đình…) từ các nhà khoa học; và cái này thì không thể dùng tiền để trao đổi.

Việt Nam nói chung, Trường Đại học Tôn Đức Thắng nói riêng hoàn toàn đủ điều kiện và năng lực tạo ra những giá trị khoa học từ nhỏ đến rất lớn.

Nếu những cơ chế đã giúp cho trường của tôi phát triển nhanh và mạnh suốt 10 năm qua được tiếp tục duy trì và mở rộng, tôi hoàn toàn tin rằng Trường tôi sẽ có những thành tựu khoa học và giáo dục không kém các đại học hàng đầu của Nhật, Mỹ trong một hai thập niên tới.

Trân trọng cảm ơn cô!

Thùy Linh (Thực hiện)