Cố vấn tuyển sinh Đại học Harvard nói gì về mô hình trường chuyên?

24/06/2020 05:53
Thùy Linh
GDVN- Tất cả đều là trường công, dùng tiền ngân sách, mà có trường được ưu tiên hơn các trường khác, như thế là không công bằng, không bình đẳng.

Mô hình trường chuyên của Việt Nam được ra đời từ năm 1965, đã làm rất tốt trong một giai đoạn nhất định, có những thành tựu đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đó là điều không thể phủ nhận, nhưng theo nhiều chuyên gia, nay đã đến thời điểm chúng ta cần phải có thay đổi.

Việt Nam hiện có 63 tỉnh thành. Trong đó, mỗi địa phương đều có một trường chuyên là nơi đào tạo và thu hút đầu vào gần như tốt nhất của mỗi tỉnh.

Thậm chí, có người nói rằng cuộc đua vào các trường chuyên nhiều khi còn cam go hơn cả giành được một tấm vé vào đại học.

Theo ghi nhận của Giáo dục Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng không nên duy trì mô hình trường công lập thu học phí cao, trường công ra trường công, trường tư ra trường tư, không nên duy trì mô hình trường công thu phí như trường tư như vậy.

Còn mô hình trường chuyên nếu tồn tại thì nên chăng để khối tư thục đảm nhiệm, Nhà nước tập trung ngân sách và nguồn lực để đảm bảo phúc lợi giáo dục cơ bản cho con em nhân dân thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.

Hiện nay, trường chuyên được đầu tư từ cơ sở vật chất, phụ cấp giáo viên… gấp 2-3 lần trường bình thường trong khi ở các đô thị lớn, con em nhân dân lao động vẫn thiếu chỗ học, sĩ số quá tải gấp đôi quy định thì không công bằng.

Không những thế, chương trình dạy và học trong các trường chuyên hiện nay khá dàn trải, em nào cũng phải học một chương trình như nhau và vẫn phải kiểm tra thi cử như các bạn khác; chưa có chế độ học cũng như kiểm tra đánh giá theo chương trình riêng cho từng học sinh; và cũng không dựa trên những tiêu chí khoa học về đánh giá "người tài".

Ngoài ra, mỗi mùa tuyển sinh trường chuyên đã và đang tạo ra những cuộc đua, có không ít phụ huynh muốn bằng mọi giá lo cho con mình được vào trường.

Họ không chỉ muốn con mình được học tập trong điều kiện thuận lợi mà còn coi đây như sự bảo đảm cho bước tiếp theo là du học, hoặc thi vào các trường đại học danh tiếng trong nước.

Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng cố vấn tuyển sinh Đại học Harvard (Hoa Kỳ), nguyên Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực chính quyền bang Massachusetts, thành viên Hội đồng quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực 2016 – 2021 cho rằng:

Khi dùng Ngân sách nhà nước thì không nên đầu tư mạnh vào một loại hình trường nào đó bởi nếu làm như vậy sẽ không công bằng, không bình đẳng nhất định trong thụ hưởng giáo dục của học sinh giữa trường chuyên và trường thường.

Tại cùng một thời điểm và một địa bàn, trường chuyên thường có đội ngũ giáo viên giỏi hơn (không chỉ cho các môn chuyên), có cơ sở vật chất tốt hơn các trường thường.

Tất cả đều là trường công, dùng tiền ngân sách, mà có trường được ưu tiên hơn các trường khác, như thế là không công bằng, không bình đẳng.

Tiến sĩ Trần Đức Cảnh (Ảnh: Nguyễn Hoàng Group)

Tiến sĩ Trần Đức Cảnh (Ảnh: Nguyễn Hoàng Group)

“Sau khi học phổ thông xong, em nào học giỏi, học kém, chọn đi đi du học hay đi làm thì tùy vào năng lực của các em cũng như điều kiện của mỗi gia đình. Chứ đã là chính sách giáo dục thì phải bình đẳng, mọi cơ hội, chế độ của các em đều phải như nhau”, Tiến sĩ Trần Đức Cảnh nhấn mạnh.

Cụ thể, theo tìm hiểu của phóng viên, Nghị quyết 13/2016/NQ-HĐND về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 đã cho thấy rõ:

Định mức phân bổ đối với học sinh trung học phổ thông học trường công lập bình thường là 7,3 triệu đồng/ năm trong khi đó học sinh chuyên Amsterdam và chuyên Nguyễn Huệ sẽ lên tới mức 18 triệu đồng/ năm.

Cụ thể:

Nghị quyết 13/2016/NQ-HĐND về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 (ảnh chụp màn hình)

Nghị quyết 13/2016/NQ-HĐND về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp

ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức

phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 (ảnh chụp màn hình)

Riêng tại Hà Nội, theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm học 2020-2021 có 4 trường trung học phổ thông chuyên do Sở quản lý có các lớp chuyên như sau:

Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam có 12 lớp chuyên: toán, tin học, vật lý, hoá học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung.

Trường trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ có 11 lớp chuyên: toán, tin học, vật lý, hoá học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga.

Trường trung học phổ thông Chu Văn An có 10 lớp chuyên: toán, tin học, vật lý, hoá học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp.

Trường trung học phổ thông Sơn Tây có 9 lớp chuyên: toán, tin học, vật lý, hoá học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh.

Chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của từng trường trung học phổ thông chuyên năm học 2020 - 2021 như sau:

Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 – 2020 với kinh phí: 2.312,758 tỷ đồng, có mục tiêu tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh trung học phổ thông của từng tỉnh, thành phố.

Giai đoạn I (2010 -2015) với mục tiêu 100% các trường trung học phổ thông chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó 15 trường trọng điểm có chất lượng ngang tầm khu vực và quốc tế... Giai đoạn II (2015 - 2020), phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên một cách vững chắc.

Thùy Linh