Suy ngẫm về trường chuyên và câu chuyện "con cá leo cây"

28/06/2020 07:22
Linh Anh
GDVN- Theo thầy Khuyến, “trường chuyên” tạo cớ cho việc đào tạo lệch, không toàn diện, quá chú tâm vào môn chuyên mà bẵng đi nhiều môn học khác, lĩnh vực khác.

Theo Đề án về phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 (ngày 24/6/2010 theo Quyết định số 959/QĐ –TTg) xác định trường trung học phổ thông chuyên là nơi “đào tạo đội ngũ nhân lực có chất lượng, tìm kiếm và bồi dưỡng nhân tài về mọi mặt, đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ của trường chuyên là nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học và sáng tạo của học sinh. Học sinh trường chuyên sẽ phát triển dựa trên trình độ, năng lực và đặc biệt là năng lực tự học, khả năng sáng tạo của học sinh, của giáo viên.

Trong những năm gần đây, khái niệm trường chuyên đã không còn xa lạ với nhiều người khi xu hướng học và thi vào các trường trung học phổ thông chuyên phát triển mạnh mẽ.

Chính vì vậy đề xuất bán Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam của tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã mở ra một cuộc tranh luận đa chiều thu hút nhiều chuyên gia giáo dục, phụ huynh, cựu học sinh trường chuyên.

Là một chuyên gia lâu năm giáo dục, chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng đại học (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng:

Hệ thống trường chuyên trong giai đoạn vừa qua đã có nhiều tác dụng nhất là khi trong điều kiện nền giáo dục Việt Nam khó khăn, không đồng đều giữa các vùng miền mà ngân sách dành cho giáo dục rất ít so với các nước thì việc đầu tư cho nhóm học sinh ưu tú để tạo ra nhân vật xuất sắc là điều hoàn toàn dễ hiểu và thật sự hiệu quả.

Do được tuyển chọn chặt chẽ nên đã có nhiều nhân tài giành giải cao trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế, mang lại vinh dự cho Việt Nam.

Đặc biệt rất nhiều cựu học sinh chuyên hiện đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu của Việt Nam và là những cá nhân tiêu biểu nhất của nền khoa học nước nhà.

Tuy nhiên, theo thầy Khuyến, trong bối cảnh hiện nay khi hệ thống giáo dục đã phát triển thì chuyện các nhà giáo dục đặt ra câu chuyện có nên không nên duy trì hệ thống trường chuyên nữa hay không là có lý do.

Theo quan điểm của thầy Khuyến, cần phải thay đổi tên gọi “trường chuyên” thành “trường chất lượng cao” bởi lẽ “trường chuyên” tạo cớ cho việc đào tạo lệch, không toàn diện, quá chú tâm vào môn chuyên mà bẵng đi nhiều môn học khác, lĩnh vực khác.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, ảnh: giaoduc.net.vn

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, ảnh: giaoduc.net.vn

Thầy Khuyến lý giải, giờ đây, đặc biệt theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì chúng ta chuyển từ hướng tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực do đó học sinh nào có khả năng thì nhà trường phải tạo điều kiện để các em được tìm hiểu sâu về lĩnh vực đó tuy nhiên vẫn phải đảm bảo mặt bằng chung về kiến thức cơ bản.

Tức là ngoài kiến thức cơ bản thì học sinh nào nổi trội về lĩnh vực nào, tạo điều kiện cho các em phát triển theo đúng năng lực của mình. Từ đó sẽ hình thành nhân tài ở lĩnh vực đó.

Bởi lẽ, mỗi đứa trẻ đều có năng khiếu, sở trường khác nhau và trở thành nhân tài ở lĩnh vực đó.

“Nhà bác học Albert Einstein từng nói rằng: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn.”

Liệu có công bằng khi bắt một cô bé với năng khiếu hội họa, yêu thích những sắc màu phải đạt nhất nhì lớp môn Toán hay ép buộc cậu bé thích khám phá máy móc, lập trình ngồi đọc quyển sách văn chương dày cộp”. thầy Khuyến nhấn mạnh.

Ngoài ra, hiện nay ngân sách dành cho giáo dục chưa đủ tiềm lực để đầu tư dàn trải chính vì vậy theo thầy Khuyến chúng ta phải chọn một số trường để đầu tư mũi nhọn, đạt tầm khu vực, quốc tế là hoàn toàn đúng đắn, chứ không thể nào cứ đầu tư dàn trải trong tầm địa phương và quốc gia được.

Cũng theo thầy Khuyến, để đảm bảo công bằng thì trường chuyên thuộc khối công lập không được thu học phí cao mà đòi hỏi học phí trường chuyên và trường thường phải tương đối bằng nhau, không nên tạo ra sự quá chênh lệch.

Còn nếu muốn thu học phí cao thì phải là trường tư thục khi đó trường chuyên muốn tự quy định mức học phí thì hãy cổ phần hóa thành trường tư thục để các chủ đầu tư có khả năng đầu tư vượt mức nhà nước có thể đầu tư.

Được biết, câu chuyện Con Cá Leo Cây là câu chuyện kinh điển phản ảnh hiện thực giáo dục hiện nay. Giaos dục Việt Nam trích dẫn câu chuyện này để độc giả tiện theo dõi:

Chuyện Con Cá Leo Cây

Tại một khu rừng nọ, nhằm tìm ra những con vật tài giỏi để giao một số trọng trách, người ta tổ chức một kỳ thi với sự tham gia của các con vật tại đó, gồm: Quạ, Khỉ, Chim cánh cụt, Voi, Cá, Hải cẩu và Chó.

Khi cả bọn đông đủ, vị giám thị ra đề. “Để công bằng, tất cả phải làm chung một bài kiểm tra: Hãy leo lên cái cây kia!“.

Cuộc thi bắt đầu. Quạ thi đầu tiên và tạo được sự bất ngờ vì sự giỏi giang của mình, nó chọn con đường nhanh nhất là bay thẳng lên đỉnh cây.

Giám thị coi thi phán rằng: “Con rất giỏi và thông minh, chọn con đường nhanh nhất, không theo một trình tự nào và tới được đỉnh cây chỉ trong vài giây, con được 10 điểm.” – “Cảm ơn thầy, đó là điều hiển nhiên.” – Quạ đáp.

Đến phiên Khỉ thi, một sự khởi động nhẹ nhàng, Khỉ vặn mình để chuẩn bị trèo lên cây, chiếc cây cao nhưng khỉ vẫn mỉm cười và tự tin rằng chuyện này trong tầm tay mình vì ngày nào nó chả luyện trèo hết cây này, đến cây khác nhuyễn như cháo. Thật vậy, Khỉ chỉ cần chốc lát là leo lên tận đỉnh của cây và thầy giám thị vui vẻ chấm:

– “Con làm tốt lắm, đi theo trình tự, theo đúng bài bản và đã leo lên được đỉnh cây nhưng con không có sự thông minh, con chỉ có ý chí và cần cù của con nên con cũng thành công. Ta cho 9 điểm.”

– “Cảm ơn thầy, cần cù, chăm chỉ là một phần của thành công ạ.” – Khỉ đáp.

Đến phiên Chim cánh cụt thi, cảm thấy rụt rè và sợ hãi khi thấy cái cây quá to và cao, đang đứng rui rẩy thì Voi lên tiếng.

– “Thưa, con xin phép cho con thi trước được không ạ?” – “Ta đồng ý.” – Giám thị trả lời.

Thế là Voi thay Chim cánh cụt thi trước và điều bất ngờ xảy ra khi voi húc liên tục cả thân hình đồ sộ của mình vào thân cây, khiến thân cây rung chuyển, chao đảo và rồi ngã bật gốc xuống. Thầy giám thị tức tối liền quát to:

– “Cậu làm cái quái gì thế? Định phá kỳ thi của ta sao?” – “Dạ, không ạ, đó chỉ là cách của con, mặc dù có tổn hại nhưng con vẫn hoàn thành bài thi.”

Voi ung dung đi từ gốc cây đến đỉnh cây. Và lần lượt từ Chim cánh cụt, Hải cẩu và Chó chỉ cần leo lên thân cây và đi từ gốc đến đỉnh cây 1 cách dễ dàng và về đích hoàn thành bài thi.

Nhưng riêng cá thì không thể, nó không thể nào ra khỏi bể để làm bài kiểm tra giống như các bạn mình, Quạ và Khỉ nhìn khinh khi, dè bỉu, giám thị cũng liên tục hối thúc không chút cảm thông.

Nó buồn lắm và tự trách mình thật tệ hại, kém cỏi so với người khác, một cảm giác bất tài, vô dụng choán tâm trí nó.

Ý định nảy sinh trong đầu cá bây giờ là chết để được giải thoát, một kẻ bất tài thì chết cũng có gì đáng tiếc chứ.

Nhưng khi cá chưa kịp làm gì, bỗng nó thấy cả nhóm Voi, Chim cánh cụt, Hải cẩu và Chó cùng nhau đẩy cái cây xuống dòng sông gần đó, rồi nhanh chóng, bọn chúng đưa cá đến gần sông thả xuống nước và từ đó cá cũng bơi từ gốc lên đỉnh cây và hoàn thành bài kiểm tra một cách thuận lợi.

Linh Anh