Hé lộ cuốn sổ tay nghi học sinh Tiểu học Đắc Sơn 2 bị ăn chặn thực phẩm

27/06/2020 07:10
Vũ Phương
GDVN- Phụ huynh muốn kiểm tra, giám sát bữa ăn bán trú của con tại trường không được hiệu trưởng cho phép, cánh cổng trường luôn khóa chặt.

Như Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, tại Trường Tiểu học Đắc Sơn 2 (Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) cứ 2 học sinh phải nộp tiền mua một bộ bàn ghế mới vào đầu năm học gây bức xúc dư luận.

Sau khi bài viết được đăng tải, không ít giáo viên ngôi trường này chia sẻ sự bức xúc dồn nén nhiều năm qua về năng lực quản lý của hiệu trưởng nhà trường.

Đáng nói, nhiều giáo viên bị hiệu trưởng công khai trù dập, o ép trong công việc đến mức có người phải chuyển trường, người bị hạ thi đua, đánh giá kém năng lực vào cuối năm học.

Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, những người được phụ huynh bầu ra để đảm bảo quyền lợi của học sinh rất nhiều lần yêu cầu lãnh đạo nhà trường về công khai, minh bạch các khoản thu chi do phụ huynh đóng góp, hiệu trưởng đều gạt đi.

Thông tin mới nhất phóng viên Giáo dục Việt Nam nhận được từ Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Đắc Sơn 2 đó là hàng trăm quyển truyện tranh, truyện cổ tích phát về trường cho học sinh bị giấu nhẹm trong kho.

Những hình ảnh phóng viên nhận được do phụ huynh chụp lại được, nhiều thùng truyện tranh, truyện cổ tích để một góc kho phơi mưa phơi nắng, ẩm ướt.

Được biết, có khoảng chục thùng lớn chứa truyện tranh, truyện cổ tích do Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phổ Yên phát cho trường tiểu học trên địa bàn để bổ sung vào kho sách trong thư viện phục vụ học sinh đọc từ năm 2018.

Một phụ huynh trong Ban đại diện cha mẹ học sinh bức xúc cho biết: “Ban phụ huynh hoàn toàn không biết nhà trường được phát số truyện tranh đó.

Hôm vừa rồi nhà trường sửa lại, phụ huynh đến trường dọn dẹp lớp học thì thấy những thùng sách đó. Một số thùng phần đáy đã bị nước thấm vào hư hỏng.

Hỏi nhân viên thư viện nói sách này do Phòng Giáo dục và Đào tạo phát từ hè năm 2018 trước để các con được đọc truyện tranh, nhưng đến nay hiệu trưởng nhà trường không cho học sinh đọc nên vẫn nằm trong thùng carton”.

Hình ảnh những thùng sách đựng truyện tranh Phòng giáo dục phát cho trường, hiệu trưởng nhà trường không cho học sinh đọc mà để một góc kho khiến mưa nắng hỏng. Ảnh: NVCC.

Hình ảnh những thùng sách đựng truyện tranh Phòng giáo dục phát cho trường, hiệu trưởng nhà trường không cho học sinh đọc mà để một góc kho khiến mưa nắng hỏng. Ảnh: NVCC.

Số sách còn lại sau khi bị mưa thấm hỏng còn lại vẫn được để trong kho khiến phụ huynh vô cùng bức xúc. Ảnh: NVCC.

Số sách còn lại sau khi bị mưa thấm hỏng còn lại vẫn được để trong kho khiến phụ huynh vô cùng bức xúc. Ảnh: NVCC.

Phụ huynh này cũng đặt vấn đề: “Không hiểu hiệu trưởng nhà trường giữ những cuốn truyện tranh đó nhằm mục đích gì. Trong khi con em chúng tôi đi học thiếu sách, truyện đọc.

Đó là những quyển truyện tranh, truyện cổ tích hay được in màu của Nhà xuất bản Kim Đồng có nội dung phù hợp với lứa tuổi các em, rất tốt, bổ ích cho tâm hồn lứa tuổi học sinh, vậy mà hiệu trưởng nhà trường lại làm như vậy.

Tôi hỏi một số trường khác, họ cũng được Phòng Giáo dục và Đào tạo phát, học sinh được đọc từ lâu lắm rồi. Vậy mà trường này lại đem bỏ xó như vậy có lãng phí và đáng trách. Nhiều cuốn do mưa thấm đã hỏng”.

Về nội dung này, trao đổi với phóng viên cô Dương Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn 2 lại cho rằng: “Cái này phóng viên không hiểu đó là nguồn sách như thế nào.

Tôi không có nghĩa vụ phải giải trình với phóng viên qua điện thoại về vấn đề đó”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, nhiều trường trên địa bàn được phát sách đã triển khai cho học sinh đọc từ đầu năm học, vậy sao Trường Tiểu học Đắc Sơn 2 lại vẫn đóng thùng để mưa gây hư hỏng?

"Tôi phải ghi lại chi tiết từng ngày giao nhận thực phẩm thiếu đủ ra sao để không mang tiếng thất đức, ăn cả miếng ăn của trẻ. Còn ai ăn, ai hưởng lợi người đó chịu trách nhiệm", nhân viên nấu ăn, nhận thực phẩm Trường Tiểu học Đắc Sơn 2 (năm học 2016-2017 và 2017-2018) nói.

Cô Dương Thị Hương biện minh rằng, phóng viên không hiểu nguồn gốc sách đó là như thế nào. Hiệu trưởng không trả lời qua điện thoại với phóng viên.

Phóng viên cũng trao đổi với một cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phổ Yên được biết, từ hè năm học trước, Phòng có phát cho nhiều trường học trên địa bàn truyện tranh, truyện cổ tích để bổ sung nguồn sách vào thư viện cho học sinh đọc năm học 2019-2020.

Vị cán bộ này cũng cho rằng, không hiểu vì lý do gì hiệu trưởng nhà trường lại không cho học sinh được đọc sách truyện này.

Trở lại câu chuyện nhiều phụ huynh tố hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn 2, ngoài việc ép buộc cứ 2 học sinh lớp 1 phải mua bàn ghế mới khi vào đầu năm học đã diễn ra nhiều năm nay mà không hề bị xử lý, họ cũng rất bức xúc vì bữa ăn bán trú của con em họ tại trường, thực phẩm thiếu, thực phẩm không đảm bảo.

Việc này tồn tại nhiều năm qua gây bức xúc dư luận, nhưng phản ánh, kiến nghị cũng không được giải quyết đến nơi đến chốn.

Thay mặt Ban đại diện cha mẹ học sinh, một phụ huynh gửi phóng viên những hình ảnh ghi lại chi tiết từng ngày nhận thực phẩm trong cuốn sổ riêng của nhân viên nhà bếp vào năm học 2016-2017 và năm học 2017-2018.

Hai trong rất nhiều trang được người nấu ăn bán trú cho trường ghi lại từng ngày thực phẩm nhận thiếu đủ ra sao khiến phụ huynh giật mình. Ảnh: NVCC.

Hai trong rất nhiều trang được người nấu ăn bán trú cho trường ghi lại từng ngày thực phẩm nhận thiếu đủ ra sao khiến phụ huynh giật mình. Ảnh: NVCC.

Đáng chú ý, trong đó nhiều ngày thể hiện thiếu thực phẩm được nhân viên nhà bếp ghi cẩn thận lại khi tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh.

Như ngày 4/10 thiếu 1,9kg gà; ngày 6/10 thịt thiếu 0,7kg; ngày 13/10 thịt thiếu 0,4kg…và ruốc thiếu 0,3kg hay giò 13kg thiếu 0,4kg.

Phóng viên liên hệ với chủ nhân cuốn sổ ghi chép này, nhân viên này từng nấu ăn cho Trường Tiểu học Đắc Sơn 2 năm học ( năm học 2016-2017 và 2017-2018) cho biết: “Một mình tôi nhận thực phẩm và nấu ăn cho hơn 300 suất ăn toàn trường.

Để không mang tiếng thất đức ăn của trẻ, tôi đã ghi riêng một cuốn sổ của tôi khi nhận thực phẩm. Mỗi lần ghi tôi đều xác nhận với nhân viên thịt thiếu bao nhiêu, ruốc, giò thiếu chi tiết.

Tôi cũng thắc mắc sao trên sổ sách ghi đủ mà trên thực tế cân khi giao nhận lại thiếu ví dụ giò giao 13kg nhưng tôi nhận thực tế bị thiếu 4 lạng. Nhân viên giao nhận bảo tôi cứ ghi vào cuốn số riêng.

Còn cuốn sổ của trường vẫn ghi giao đủ lượng thực phẩm. Cuốn sổ của tôi và nhà trường vênh nhau.

Tôi là người dân ở đây, tôi không muốn khi phụ huynh ý kiến về lượng thức ăn của các con thiếu lại đổ cho mình nên tôi phải ghi rõ như vậy. Có ai hỏi tôi còn trả lời được cũng là minh oan cho mình.

Sau vì áp lực tôi xin nghỉ không nấu ăn bán trú tại trường nữa”.

Một phụ huynh trong Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng cho hay, Ban hay phụ huynh nào muốn giám sát thực phẩm hay bữa ăn của các con rất khó. Cánh cổng trường luôn khóa chặt.

Nhiều lần Ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị được giám sát thực phẩm, chế biến thức ăn cho con em họ nhưng hiệu trưởng không cho phép và còn nói phụ huynh không cho con ăn bán trú thì thôi.

Nhưng thực tế, nhiều phụ huynh làm công nhân không có thời gian đưa đón giữa buổi nên phải chấp nhận.

Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng gửi kiến nghị đến Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phổ Yên. Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng cho rằng đó là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh nên Phòng không can thiệp.

Ngày 26/6, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết:

“Sở đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phổ Yên báo cáo.

Nội dung báo phản ánh tại Trường Tiểu học Đắc Sơn 2 thuộc thẩm quyền của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phổ Yên, Sở cũng đã chỉ đạo làm rõ”.

Vũ Phương