Đào tạo nâng chuẩn tự phát cho giáo viên hiện nay dễ dãi, nhưng tốn kém

08/07/2020 05:56
THANH AN
GDVN- Chính phủ có lộ trình, quy định điều kiện ràng buộc trong việc đào tạo, nâng chuẩn cho giáo viên chưa đủ chuẩn, sao các trường đại học lại dễ dàng mở lớp như vậy?

Việc giáo viên học liên thông để nâng chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 hiện nay rất dễ dàng bởi các trường đại học thường liên kết với các trường cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên để mở lớp ở khắp mọi nơi.

Chỉ cần giáo viên đăng ký dự tuyển, đóng tiền học đầy đủ, bố trí thời gian đi học vào những ngày cuối tuần và dịp hè thì khoảng thời gian từ 2 năm đến 3 năm sẽ được nâng từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học…theo chuẩn trình độ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao Chính phủ đã có lộ trình đào tạo, quy định rõ ràng về các điều kiện ràng buộc trong việc đào tạo, nâng chuẩn cho giáo viên chưa đủ chuẩn mà các trường đại học lại dễ dàng mở lớp đến như vậy?

Trong khi các tỉnh còn đang thống kê nhu cầu đào tạo nâng chuẩn giáo viên để báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường đại học đã liên kết với các trung tâm gửi thông báo tuyển sinh về từng trường để chiêu sinh giáo viên, ảnh chỉ mang tính chất minh họa, chụp màn hình văn bản số 86/SGDĐT-TCCB về đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai.

Trong khi các tỉnh còn đang thống kê nhu cầu đào tạo nâng chuẩn giáo viên để báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường đại học đã liên kết với các trung tâm gửi thông báo tuyển sinh về từng trường để chiêu sinh giáo viên, ảnh chỉ mang tính chất minh họa, chụp màn hình văn bản số 86/SGDĐT-TCCB về đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai.

Tại điều 7 của Nghị định 71 hướng dẫn phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu trong đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên như sau:

1. Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giữa các địa phương với cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở kế hoạch thực hiện hàng năm của các địa phương.

2. Việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên thực hiện theo các quy định hiện hành về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

3. Đơn giá thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu việc đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên được xác định bằng mức hỗ trợ tiền đóng học phí đối với sinh viên sư phạm theo quy định hiện hành của pháp luật. [1]

Điều 8, Nghị định 71 cũng đã hướng dẫn xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên của cả nước, địa phương, nhu cầu sử dụng giáo viên và chỉ tiêu cần đạt quy định tại các điều 4, 5 và 6 Nghị định này, việc xây dựng kế hoạch được thực hiện như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch hàng năm thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở;

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch 5 năm theo lộ trình 2020 - 2025 và 2026 - 2030.

Xây dựng kế hoạch:

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch 5 năm theo lộ trình 2020 - 2025 và 2026 - 2030, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm;

b) Hàng năm […] các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch hàng năm do Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, đề xuất trên cơ sở kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kế hoạch hàng năm của Ủy ban nhân dân cấp huyện;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi kế hoạch về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, theo dõi và chỉ đạo tổ chức thực hiện”. [1]

Ngày 8/1/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 64/BGDĐT-NGCBQLGD gửi các địa phương yêu cầu gửi đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên. [2]

Như vậy, chúng ta thấy rằng theo hướng dẫn từ Nghị định 71của Chính phủ thì Bộ Giáo dục phải ban hành kế hoạch theo lộ trình, các địa phương cũng sẽ tổng hợp từ các đề xuất của cơ sở, sau đó mới “giao nhiệm vụ”, “đặt hàng” hoặc “đấu thầu” giữa các địa phương với các cơ sở đào tạo giáo viên.

Thế nhưng, hiện nay thì nhiều trường đại học đã đang tiến hành chiêu sinh để đào tạo giáo viên nâng chuẩn ở nhiều địa phương.

Chẳng hạn, ngày 6/1/2020 Trường đại học Đồng Tháp đã có thông báo số 08/TB-ĐHĐT về việc tuyển sinh đào tạo hệ vừa học vừa làm năm 2020 bằng hình thức xét tuyển với gần như tất cả các ngành học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở.

Trong thông báo này, trường cũng đã để rõ kế hoạch khai giảng vào 2 đợt trong năm 2020 là ngày 13/6/2020 và ngày 12/12/2020. [3]

Ngày 22/6/2020, Trường cao đẳng Cần Thơ đã có thông báo số 375/TB-CĐCT về việc tuyển sinh đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học, hình thức vừa học vừa làm đợt 2 năm 2020.

Thông báo tuyển sinh của Trường cao đẳng Cần Thơ ( Ảnh chụp từ website của nhà trường)

Thông báo tuyển sinh của Trường cao đẳng Cần Thơ ( Ảnh chụp từ website của nhà trường)

Trong thông báo của Trường cao đẳng Cần Thơ cũng nói rõ nhà trường này liên kết với Trường đại học Đồng Tháp đào tạo 13 ngành học cho giáo viên từ cấp mầm non đến trung học cơ sở.

Thời gian đào tạo từ trung cấp lên đại học là 3 năm, từ cao đẳng lên đại học là 2 năm và khai giảng vào ngày 7/10/2020.

Những người dự tuyển sẽ nộp 60.000 đồng mua hồ sơ và 300.000 phí dự tuyển. Học phí 8.000.000 đồng/ học viên/ năm học, riêng đối với ngành sư phạm Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất là 10.000.000 đồng/ học viên/ năm học. [4]

Không chỉ mở lớp đào tạo ở một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà Trường đại học Đồng Tháp còn mở lớp ở cả những tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ như ở Tây Ninh [5]; Ninh Thuận [6]...

Thông báo tuyển sinh chụp từ website của Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Tây Ninh

Thông báo tuyển sinh chụp từ website của Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Tây Ninh

Ngày 11/6/2020, Trường đại học Đồng Nai đăng tải thông báo số 557/TB-ĐHĐN về việc tuyển sinh liên thông đại học tư cao đẳng sư phạm hệ vừa học vừa làm năm 2020 với 3 đợt tuyển sinh là tháng 9, tháng 10 và tháng 12.

Trong thông báo này, Trường đại học Đồng Nai thông báo tuyển sinh đào tạo liên thông giáo viên mầm non, tiểu học và 7 ngành học cho giáo viên trung học cơ sở [7]...

Vì phạm vi của một bài báo nên chúng tôi chỉ điểm qua việc đi trước, đón đầu của một số trường đại học trong việc nâng chuẩn cho giáo viên theo Luật Giáo dục năm 2019 chứ không thể liệt kê hết được các thông báo chiêu sinh hiện nay của các trường đại học, cao đẳng.

Điểm chung của việc đào tạo này là các học viên đều phải đóng tiền mua hồ sơ, lệ phí xét (thi) tuyển và đóng tiền học phí. Nhưng, với mức học phí từ 8-10 triệu đồng/ năm học chắc chắn đó là một con số không nhỏ trong tổng nguồn thu của giáo viên hiện nay.

Vì ngoài học phí ra thì ai cũng biết học hệ vừa học vừa làm thường rất tốn kém với vô vàn khoản phải chi, phải đóng góp. Đó là chưa kể những giáo viên ở xa phải chi phí tiền đi lại, ăn ở...

Trong khi, tại điều 9 của Nghị định 71 hướng dẫn kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn như sau:

1. Kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật; ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương khi chưa cân đối được ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục bảo đảm kinh phí để chi trả các chế độ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định này cho giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn.

3. Việc thanh toán kinh phí đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên cho các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định của pháp luật.[1]

Như vậy, chúng ta đã thấy có những bất cập đã xảy ra trong quá trình đào tạo và nâng chuẩn giáo viên giữa các văn bản và thực tế thực hiện ở nhiều địa phương hiện nay.

Bởi vì, khi Nghị định 71 của Chính phủ vừa ra đời, các kế hoạch nâng chuẩn theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương chưa xây dựng...

Chỉ biết, những giáo viên chưa đủ chuẩn khi đăng ký học các lớp này thì phải tốn một số tiền khá lớn. Chỉ riêng học phí như trường đại học Đồng Tháp thông báo thì chúng ta cũng đã thấy mỗi học viên phải bỏ ra từ 16- 30 triệu đồng/ khóa học.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-dinh-71-2020-ND-CP-lo-trinh-nang-trinh-do-chuan-duoc-dao-tao-cua-giao-vien-mam-non-432707.aspx

[2]http://gialai.edu.vn/upload/18282/20200114/86-SGDDT-TCCB_d3b234ca20.pdf

[3]//ttlkdt.dthu.edu.vn/New.aspx?id=333

[4] //tuyensinh.cdct.edu.vn/thong-bao/cac-lop-dai-hoc-lien-thong/119-thong-bao-tuyen-sinh-dao-tao-lien-thong-tu-trinh-do-trung-cap-cao-dang-len-dai-hoc-hinh-thuc-vlvh-dot-2-nam-2020

[5] //www.ttgdtxtayninh.edu.vn/thong-bao-tuyen-sinh-cac-lop-dai-hoc-trung-cap-nam-2020-430-tt.html#top

[6] //ttlkdt.dthu.edu.vn/New.aspx?id=385

[7] //www.dnpu.edu.vn/thong-bao-tuyen-sinh-lien-thong-dai-hoc-tu-cao-dang-khoi-nganh-su-pham-nam-2020

THANH AN