Giáo dục và tác động của thị trường

10/11/2011 09:42
(GDVN) - Ở VN, “thị trường” và “cạnh tranh” có lẽ đã trở thành một phần không thể thiếu trong suy nghĩ mang tính chiến lược của các lãnh đạo trường ĐH.
Dù cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 có làm cho địa vị hàng đầu thế giới của nước Mỹ lung lay đôi chút, nhưng dường như tính ưu việt của nền giáo dục đại học của quốc gia này vẫn hoàn toàn không hề bị thách thức.

Cho đến nay, Mỹ vẫn tiếp tục là điểm đến phổ biến nhất của các sinh viên quốc tế (1), và là hình mẫu về giáo dục ĐH để các quốc gia khác học tập. Vậy đâu là nguyên nhân thành công của nền giáo dục ĐH Mỹ?

Có lẽ trên thế giới không có quốc gia nào có một hệ thống giáo dục ĐH được các nước khác mổ xẻ, tìm hiểu và phân tích kỹ lưỡng như nước Mỹ.

Nhiều đặc điểm của ĐH Mỹ đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nêu ra, như sự đa dạng về sứ mạng và quyền tự chủ của các trường ĐH, quyền tự do học thuật của các giảng viên và nhà khoa học, cơ chế tưởng thưởng dựa trên năng lực, hệ thống kiểm định chất lượng lâu đời và hiệu quả, quyền được thông tin của người học về các trường ĐH cũng như các chương trình đào tạo mà nó cung cấp. Những đặc điểm trên cùng kết hợp lại để tạo ra sức mạnh bền vững cho nền ĐH của Mỹ.

Nhưng tại sao giáo dục ĐH Mỹ lại có được ra những ưu điểm đó để nhanh chóng giành được vị trí hàng đầu thế giới trong một thời gian khá ngắn so với châu Âu như vậy? Câu trả lời của hai tác giả người Mỹ Eckel, P.D. và King, J.E có lẽ sẽ bất ngờ đối với những người có quan điểm cổ điển về giáo dục ĐH với niềm tin rằng giáo dục – dù ở bất cứ trình độ nào – là một lợi ích công mà nhà nước phải cung cấp cho mọi người dân.

Đối với Eckel và King (2004), một trong những nền tảng triết lý quan trọng của nền giáo dục ĐH Mỹ là niềm tin vào tính hợp lý của thị trường và sự cần thiết phải có sự cạnh tranh trong giáo dục đại học.

Vai trò của thị trường trong giáo dục ĐH được nhìn nhận như thế nào ở Mỹ? Theo Teixeira (2006) (2), để hiểu điều này ta cần tìm hiểu tư tưởng của bốn nhà kinh tế học vốn có ảnh hưởng lớn đến triết lý giáo dục ĐH của Mỹ là Adam Smith của thế kỷ 18 (3), John Stuart Mill của thế kỷ 19, Alfred Marshall của đầu thế kỷ hai mươi, và gần đây nhất là Milton Friedman, người vừa mất năm 2006 ở tuổi 94. Cả bốn ông đều có những đóng góp về lý luận liên quan đến vai trò của thị trường trong giáo dục đại học, mặc dù họ cũng có những khác biệt trong quan điểm, và thậm chí tạo thành hai trường phái trái ngược nhau.

ADAM SMITH: VAI TRÒ TÍCH CỰC CỦA THỊ TRƯỜNG

Adam Smith, người đặt nền móng cho lý thuyết thị trường tự do, là người đầu tiên đưa yếu tố thị trường vào trong lý luận giáo dục. Đồng thời, ông cũng là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến triết lý giáo dục ĐH của Mỹ.

Theo ông, vai trò quan trọng nhất của giáo dục là giúp phát triển năng lực cá nhân, và sự khác biệt về năng lực giữa những người khác nhau không phải là do dòng dõi, thân thế hoặc tố chất bẩm sinh, mà hoàn toàn do giáo dục. Vì vậy, các chi phí giáo dục phải được xem là chi phí cá nhân hơn là chi phí xã hội, mặc dù xã hội cũng được lợi khi mọi cá nhân đều được phát triển đến mức tối đa năng lực của mình.

Để thúc đẩy giáo dục ĐH phát triển, Smith quan niệm phải giải phóng các lực lượng thị trường (market forces), khuyến khích các sáng kiến tư nhân trong giáo dục và tận dụng cơ chế cạnh tranh giữa các lực lượng này, vì điều này sẽ giúp đạt được chất lượng và hiệu quả cao nhất của việc đầu tư cho giáo dục.

Đối với Smith, nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào giáo dục ĐH vì sẽ làm cho nó trở nên kém hiệu quả. Vai trò lớn nhất của nhà nước trong giáo dục là hỗ trợ và tạo điều kiện cho những người không đủ điều kiện kinh tế có thể hưởng một nền giáo dục tổng quát tốt nhất có thể được. Bởi vì nếu năng lực của họ không được phát triển đầy đủ do thiếu điều kiện tiếp cận giáo dục, thì điều này không chỉ có hại cho những cá nhân đó mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội nữa.

Có thể nói quan điểm của Smith về vai trò tích cực của thị trường và cạnh tranh đã có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử phát triển giáo dục ĐH của Hoa Kỳ. Chính tư tưởng này góp phần thúc đẩy sự ra đời của một hệ thống trường ĐH tư rất đa dạng về sứ mạng của nước Mỹ ngay từ những ngày đầu lập quốc, trong đó có nhiều trường giờ đây đã trở thành niềm tự hào lớn của nền giáo dục ĐH Mỹ như Harvard, Yale, Stanford. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 19 cho đến tận nửa đầu thế kỷ 20, quan điểm về vai trò của trị trường trong giáo dục ĐH đã có ít nhiều thay đổi.

JOHN STUART MILL: PHẢI ĐƯỢC NHÀ NƯỚC KIỂM SOÁT

Nhà tư tưởng lừng lẫy của thế kỷ 19 John Stuart Mill có quan điểm về vai trò của thị trường trong giáo dục vừa tương tự lại vừa trái ngược so với quan điểm của Smith. Tương tự như Adam Smith, John Stuart Mill thấy rõ lợi ích của giáo dục ĐH ở khía cạnh cá nhân, và vì vậy cùng chia sẻ quan điểm cho rằng các chi phí cho giáo dục ĐH là một sự đầu tư về kinh tế mà chính các cá nhân thụ hưởng phải trả. Ngoài ra, Mill cũng ủng hộ giáo dục ĐH tư nhân và cơ chế cạnh tranh, vì ông cho rằng đó là cách làm đem lại hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, khác với Adam Smith, John Stuart Mill cho rằng thị trường giáo dục ĐH phải được nhà nước kiểm soát chặt chẽ, chứ không thể để cho “người tiêu dùng” tự kiểm soát thông qua quyền lựa chọn của mình như theo quan điểm của Smith.
Điều này trước hết là do tầm quan trọng của giáo dục ĐH, và cũng do bản chất đặc biệt của giáo dục ĐH trong đó “người tiêu dùng” – chủ yếu là các phụ huynh – không thể có đủ hiểu biết để có những nhận định đúng đắn và đưa ra những lựa chọn phù hợp. Lập luận của Smith không phải là không có phần nào đúng, nhưng ít tính hữu dụng vì ông không trả lời được câu hỏi là nhà nước sẽ thực hiện việc kiểm soát chất lượng của các trường ĐH như thế nào.

ALFRED MARSHALL: CẦN SỰ CAN THIỆP CỦA NHÀ NƯỚC

Bước sang đầu thế kỷ 20, một nhà kinh tế học khác là Alfred Marshall (4) tiếp tục phát triển thêm lý luận về bản chất đặc biệt của thị trường giáo dục ĐH, với một quan điểm khá mới mẻ và khác lạ so với Adam Smith và John Stuart Mill. Theo Marshall, hai đặc điểm quan trọng nhất của thị trường giáo dục ĐH khiến cho nó khác hẳn những loại thị trường khác là:

- Sự đầu tư rất dài khiến cho mục tiêu cần đạt chỉ có thể xác định được một cách khá mơ hồ.

- Tồn tại một sự đứt khúc giữa một bên là những cá nhân trả chi phí đầu tư cho giáo dục (thông thường là các bậc phụ huynh) và một bên là những người được hưởng lợi ích từ việc học tập (là những người đi học).

Hai đặc điểm trên khiến cho mối quan hệ giữa “nhà cung cấp dịch vụ giáo dục” là các trường ĐH và “người tiêu dùng giáo dục” tức người học và gia đình trở nên phức tạp, khiến ta không thể đối xử với thị trường giáo dục ĐH theo cùng một cách như những loại thị trường khác. Sự can thiệp của nhà nước vào thị trường giáo dục vì vậy là một điều cần thiết.

MILTON FRIEDMAN: KHÔNG NÊN THIÊN VỊ CÁC TRƯỜNG CÔNG LẬ
P

Như vậy, cả John Stuart Mill và Alfred Marshall đều thuộc trường phái thừa nhận có một thị trường trong giáo dục ĐH, nhưng tin rằng thị trường này cần phải có sự can thiệp của nhà nước chứ không thể tự điều chỉnh được. Đây cũng là quan điểm thống trị trong hầu hết thế kỷ 20, và chỉ thay đổi cùng với sự xuất hiện của Milton Friedman.

Về vai trò của và thị trường trong giáo dục ĐH, Milton Friedman cho rằng, để giáo dục ĐH phát triển thì rất cần sự cân bằng giữa vai trò của Nhà nước và thị trường. Giáo dục ĐH đem lại cảc lợi ích công và lợi ích tư (cá nhân), Nhà nước nên phân biệt rõ ràng hai loại lợi ích này, và chỉ "bao cấp" cho lợi ích công chứ không nên bao cấp cho cả lợi ích tư.

Việc bao cấp (một phần) học phí cho tất cả các ngành thuộc các trường công lập, kể cả nhưng ngành mang tính thị trường cao (phục vụ lợi ích tư là chính) như các ngành quản trị kinh doanh, du lịch khách sạn, công nghệ thông tin và là không công bằng, vì có sự phân biệt đối xữ giữa khu vực công và khu vực tư.

Nhà nước chỉ nên bao cấp những lãnh vực nào đem lại lợi ích công, hoặc những con người nào thuộc diện cần bao cấp (VD: các diện chính sách) và không phân biệt trường công trường tư, chứ không phải bao cấp khu vực công và loại trừ khu vực tư. Không nên phân biệt trường công trường tư, vì thiên vị các trường công lập sẽ triệt tiêu cạnh tranh, làm cho các trường công lập mất động cơ để tạo ra chất lượng, tính hiệu quả, sự đa dạng và sự đổi mới.

***
Ở Việt Nam, “thị trường” và “cạnh tranh” có lẽ đã trở thành một phần không thể thiếu trong suy nghĩ mang tính chiến lược của các vị lãnh đạo các trường ĐH của Việt Nam. Các trường ĐH công lập hiện nay ở VN hiện nay rất ít cạnh tranh do chính sách nhà nước quá thiên vị các trường công lập. Đây là một trong những lý do việc kiểm định chất lượng không thể đẩy tới được, vì đa số trường của VN là trường công lập, và có chất lượng hay không thì cũng sẽ có sinh viên vì được bao cấp.

Cũng do sự thiên vị này nên khối ngoài công lập yếu, mà thiếu cạnh tranh thì khối công lập cũng khó mạnh lên được (không cạnh tranh nên không cần chất lượng!). Hệ quả của sự thiên vị này là sinh viên đi du học hoặc học chương trình nước ngoài ngày càng nhiều, tức ép khối ngoài công lập trong nước để tạo điều kiện cho khối ngoài công lập của nước ngoài cạnh tranh với mình một cách bất bình đẳng! Nên nhớ rằng các trường của nước ngoài khi tuyển sinh quốc tế là hoàn toàn nhắm vào lợi ích tư, mang tính thị trường, chứ không hề đóng góp gì vào lợi ich công của VN cả.

Thật đáng buồn!

VŨ THỊ PHƯƠNG ANH (Tiến sĩ, Phó giám đốc TT Bồi Dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập Việt Nam)