Giáo dục đại học xuyên quốc gia, giải pháp du học thông minh trong thời đại 4.0

15/07/2020 08:38
TIẾN SĨ NGUYỄN THỊ MỸ HƯƠNG
GDVN- Dường như trong nhiều năm qua, phụ huynh và học sinh vẫn chủ yếu biết đến với loại hình du học tại chỗ vốn tồn tại nhiều bất cập, chưa đảm bảo chất lượng.

LTS: Trong những năm qua, ngày càng có nhiều học sinh Việt Nam chọn con đường du học ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đối với những gia đình không có điều kiện cho con đi du học thì chọn phương án du học tại chỗ (học ở Việt Nam) sẽ đỡ tốn kém hơn. Nhưng mô hình đào tạo này cũng tồn tại nhiều bất cập, chưa đảm bảo đúng chất lượng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (VNUK - Đại học Đà Nẵng) đã có những chia sẻ về vấn đề du học trong giai đoạn hiện nay. Đó là giáo dục đại học xuyên quốc gia, một khuynh hướng mới của các trường đại học hiện nay.

Toà soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Trong 20 năm trở lại đây, khi thế giới ngày càng phẳng thì việc dịch chuyển về học thuật cũng trở nên dễ dàng hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương trao học bổng cho sinh viên VNUK. Ảnh: TT

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương trao học bổng cho sinh viên VNUK. Ảnh: TT

Và từ đó, việc học tập của sinh viên, nghiên cứu của các trường đại học đã di chuyển qua biên giới quốc gia ngày càng mạnh mẽ.

Do đó, chúng ta chứng kiến sự trao đổi càng càng lớn mạnh về dòng tri thức, ý tưởng, giá trị và văn hóa.

Khuynh hướng này đã đem đến cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học quốc tế và cũng đem lại những cơ hội tuyệt vời cho người học. Khuynh hướng này được gọi là giáo dục xuyên quốc gia - Transnational education (TNE).

Các hoạt động giáo dục xuyên quốc gia là một khái niệm đã phát triển từ khá lâu trên thế giới, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục từ cộng đồng chung Châu Âu và Vương quốc Anh.

Cụ thể hơn, học viên của trường A tại Pháp sẽ có cơ hội tham gia đào tạo tại trường B tại Bỉ khi hai trường cùng theo đuổi khái niệm học thuật xuyên quốc gia.

Khái niệm này liên quan đến việc một cơ sở giáo dục ở nước này cung cấp một chương trình đào tạo và cấp bằng cho sinh viên ở nước khác.

Một số hình thức của chương trình liên kết hay giáo dục xuyên quốc gia phổ biến có thể kể đến như: học lấy bằng nước ngoài tại cơ sở chi nhánh của đại học quốc tế, học lấy bằng kép tại hai trường đại học thuộc hai quốc gia khác nhau hoặc học trực tuyến lấy bằng nước ngoài...

Việc tổ chức giảng dạy có thể dưới hình thức dạy online hay dạy từ xa thông qua việc hợp tác với một cơ sở giáo dục địa phương (theo hình thức nhượng quyền, cùng cấp bằng hoặc song bằng) hay cơ sở giáo dục nước ngoài mở chi nhánh ở nước sở tại.

Các loại hình giáo dục xuyên quốc gia này đã và đang tăng lên nhanh chóng do nhu cầu lớn của thị trường quốc tế trong việc hưởng thụ nền giáo dục của Vương quốc Anh hay của các quốc gia phát triển khác.

Tuy nhiên, dường như qua nhiều năm, phụ huynh và học sinh ở Việt Nam phần lớn chỉ biết đến hình thức phổ biến là du học tại chỗ.

Theo đó, sinh viên học ở Việt Nam để lấy bằng nước ngoài, nổi bậc nhất là các chương trình của Đại học Sunderland, Đại học Greenwich…

Tuy nhiên, nhược điểm các chương trình này là sinh viên học chương trình Cao đẳng quốc gia Anh (BTEC) trong 2-3 năm đầu rồi học năm cuối của chương trình đại học của một trường đại học Anh quốc mà không phải là học toàn bộ chương trình bậc đại học trong suốt 4 năm học.

Ngoài ra, với đầu vào không quá khó, hầu hết các trường Đại học liên kết tại Việt Nam thực sự không có thứ hạng cao tại nước sở tại.

Chính vì vậy, các hình thức giáo dục xuyên quốc gia phần nào chưa đáp ứng chính xác mục tiêu ban đầu của nó - giúp người học nhận được nguồn tri thức từ hai nền văn hóa khác nhau, một cách xứng tầm.

Trong khi đó, giáo dục xuyên quốc gia cần phải có tính đa chiều hơn cho giảng viên và sinh viên, phải cả với dòng sinh viên đi và đến tại quốc gia đó, cho cả lĩnh vực đào tạo lẫn nghiên cứu.

Tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK - Đại học Đà Nẵng), chúng tôi đã thiết kế chương trình học theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tất cả sinh viên theo học tại VNUK dẫu phải "vượt qua" điều kiện ngôn ngữ, nhưng tất cả các em đều nghiễm nhiên hưởng thụ một nền giáo dục chất lượng như các bạn du học sinh tại các quốc gia phát triển.

Ngoài ra, vì sinh viên theo học chương trình đào tạo đại học của nhà trường nên các bạn không phải chi trả bất kì chi phí nhượng quyền thương hiệu nào.

Đặc biệt, do chương trình đã được kiểm tra, đánh giá với cơ sở giáo dục nước ngoài, sinh viên có cơ hội học tập chương trình đào tạo chuẩn quốc tế ngay trong nước, đảm bảo sự chuẩn bị kỹ càng trước khi chuyển tiếp ra nước ngoài.

Để sinh viên có nhiều lựa chọn phù hợp với sở thích cá nhân, thành tích học tập và khả năng tài chính của gia đình, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh đã xây dựng các chương trình chuyển tiếp với 3 trường đại học của Anh.

Bao gồm Đại học Aston, Đại học Heriot-Watt, Đại học Hull, 01 trường Đại học ở Tây Ban Nha là Đại học Cesine và cuối cùng là ngôi trường vô cùng danh giá của Úc, là đại học Monash với chương trình 2 + 2.

Nhờ các chương trình chuyển tiếp cũng như trao đổi sinh viên mà không chỉ sinh viên VNUK đi ra thế giới, hằng năm, trường cũng nhận nhiều sinh viên nước khác từ Hungary, Hàn Quốc, về học tại VNUK một học kỳ hay có sinh viên từ Anh đến thực tập một năm, hoặc sinh viên từ Ân Độ học toàn thời gian tại VNUK.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nhờ thiết kế các chương trình chuyển tiếp, mô hình này đã tăng cường sự trao đổi và mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa các giảng viên từ hai cơ sở đào tạo.

TIẾN SĨ NGUYỄN THỊ MỸ HƯƠNG