Chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đi mua, nên bỏ cho giáo viên đỡ khổ

18/07/2020 06:24
Thuận Phương
GDVN- Các trường đại học cần nâng chất lượng giảng dạy, siết đầu ra trình độ ngoại ngữ của sinh viên để khi ra trường sẽ không còn

Một đồng nghiệp của chúng tôi khi bị nhà trường đòi chứng chỉ ngoại ngữ đã nói rằng: “Kiến thức ngoại ngữ của tôi đủ giao tiếp ở mức độ đơn giản do 12 năm học phổ thông và 4 năm học đại học. Vậy giờ đây, cần gì cái chứng chỉ chỉ có tác dụng kẹp vào hồ sơ?”.

Đồng nghiệp ấy của tôi đã cương quyết không đi học còn vì lý do kiểu học và thi chứng chỉ bát nháo hiện nay chẳng tác dụng gì ngoài việc mất tiền của bản thân còn làm giàu cho bao người cơ hội nên thấy bất bình.

Ngược lại, do không muốn năm nào cũng bị cấp trên nhắc nhở, không muốn bị khống chế trong xếp loại thi đua vì thiếu chứng chỉ, tôi cũng đã theo chân rất nhiều đồng nghiệp quyết mang về tấm chứng chỉ cho “bằng chị bằng em”.

Ghi danh, học và thi chỉ một ngày

Ngày tới lớp học cũng là ngày ghi danh, nộp tiền, nhận tài liệu và lấy lịch thi vào ngay buổi chiều. Vào phòng thi, nhìn đề thi và mở tài liệu thấy giông giống thì chép vào chứ thực tình chẳng hiểu mô tê chi cả.

Những chứng chỉ nhiều giáo viên cho là không cần thiết, nhưng không thể không có nếu muốn "yên thân", ảnh: tác giả.

Những chứng chỉ nhiều giáo viên cho là không cần thiết, nhưng không thể không có nếu muốn "yên thân", ảnh: tác giả.

Nực cười nhất là màn thi vấn đáp, trong tài liệu có ghi người phỏng vấn sẽ hỏi họ tên, tuổi, nghề nghiệp, quê quán, nơi ở…các câu trả lời được đánh số 1,2,3…

Về nhà nhờ con gái phiên qua tiếng Việt và và dặn họ hỏi tên, tuổi…mẹ cứ trả lời thế này là được.

Thế mà lúc được giáo viên vấn đáp thay vì hỏi họ tên, tuổi, nghề nghiệp trước theo đúng thứ tự như trong tài liệu…rồi mới đến nơi ở, quê quán...

Giáo viên ấy lại đảo lộn câu hỏi quê quán xong mới đến tên, tuổi, nghề nghiệp. Vì thuộc máy móc nên trả lời lộn tùng phèo, lung tung hết cả.

Vị giảng viên nghe xong phì cười cho trình độ Anh văn “siêu đẳng” xin thi lấy chứng chỉ B. Thế mà, vài ngày sau nhận tấm chứng chỉ cũng được ghi loại Khá như ai.

Không chỉ một địa phương của tôi lấy chứng chỉ ngoại ngữ kiểu dễ dãi như thế mà khá nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng bát nháo trong cấp văn bằng, chứng chỉ, đặc biệt là chứng chỉ ngoại ngữ.

Báo Lao Động liên tiếp có loạt bài điều tra, bóc trần những chiêu trò, vấn nạn học giả, chứng chỉ thật trong việc cấp phát chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của các cơ sở giáo dục.

Trong quá trình thâm nhập điều tra, phóng viên Lao Động đã chứng kiến những câu chuyện dở khóc dở cười của những người đi thi. Đa phần họ là giáo viên, hoặc đối tượng chuẩn bị thi công chức, viên chức.

Họ thừa nhận không biết và không có kiến thức về tiếng Anh, nhưng “cực chẳng đã” phải nộp tiền đi thi. Vì những tấm chứng chỉ này là “giấy thông hành” để thi viên chức, đạt các tiêu chuẩn thăng hạng chức danh nghề nghiệp. [1]

Vậy đâu là kẽ hở để các trường móc nối, tổ chức những kỳ thi dối trá, bát nháo?

Những quy định yêu cầu phải có các loại chứng chỉ

Điều 8 Tiêu chuẩn 5 của Thông tư 20 về Chuẩn giáo viên cơ sở quy định:

Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.

Trong Thông tư số: 28/2017/TT-BGDĐT, Thông tư số: 29/2017/TT-BGDĐT quy định về xét thăng hạng cũng nêu rõ từng hạng (I, II, III) đều phải có:

Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc (5 điểm);

Chứng chỉ trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu tiếng dân tộc (5 điểm);

….

Khi yêu cầu phải có chứng chỉ, các nhà trường cũng như ngành giáo dục địa phương, một số ban ngành liên quan chỉ cần nhà giáo nộp đủ cái gọi là chứng chỉ là đủ yêu cầu mà chẳng cần quan tâm chất lượng thật của những tờ chứng chỉ ấy ra sao? Hoặc cũng chẳng cần trình độ thật của người có chứng chỉ ấy thế nào?

Điều này chính là “mảnh đất màu mỡ” để một số trường đại học về địa phương liên kết đào tạo giả mà cấp chứng chỉ thật, cũng như là động lực để những giáo viên chúng tôi bỏ tiền để trang bị cho mình một "tấm thông hành".

Giáo viên (trừ giáo viên ngoại ngữ) không có trình độ ngoại ngữ sẽ thế nào?

Người có chứng chỉ ngoại ngữ chưa hẳn là người có trình độ ngoại ngữ. Cứ từ mình suy ra, mất vài ba triệu đem về cái chứng chỉ chỉ có tác dụng làm đẹp hồ sơ chứ tuyệt nhiên nó chẳng giúp cho bản thân có thêm kiến thức gì về ngoại ngữ.

Có trình độ mà thiếu "chứng chỉ", giáo viên cũng rất chật vật. Ảnh: tác giả.

Có trình độ mà thiếu "chứng chỉ", giáo viên cũng rất chật vật. Ảnh: tác giả.

Ngược lại, một số đồng nghiệp trẻ của chúng tôi có trình độ ngoại ngữ đủ để dạy ngoại ngữ cấp tiểu học (học 12 năm phổ thông và 4 năm đại học) nhưng lại không có được cái chứng chỉ như chúng tôi vì nhất định không chịu bỏ tiền ra mua chứng chỉ kiểu học thi trá hình.

Có chứng chỉ ngoại ngữ hay có trình độ ngoại ngữ vẫn cũng không ảnh hưởng gì đến việc dạy của bản thân. Quanh năm suốt tháng chúng tôi chẳng cần dùng đến một từ tiếng Anh, không có vốn ngoại ngữ thì chúng tôi vẫn dạy tốt.

Nên bỏ quy định phải có chứng chỉ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã cam kết sửa quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Ông nói:

“Tôi nghĩ hai mươi mấy năm rồi thì phải sửa chứ. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này. Một quyết định mà 20 năm không sửa, để thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết sẽ sửa vào năm 2020 sau khi Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức được sửa đổi. Thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch... đúng theo quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ nào”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cam kết trước Quốc hội: “Xin hứa với Quốc hội, sau khi Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức ban hành thì chúng tôi sẽ sửa quy định về văn bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để không còn là gánh nặng với cán bộ công chức, viên chức mà đi vào thực chất”.[2]

Lời hứa của Bộ trưởng Bộ Nội vụ vẫn đang được công chức, viên chức giáo viên chờ đợi, hy vọng.

Bỏ quy định chứng chỉ nhưng việc nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ vẫn rất cần. Bởi vậy, chúng tôi nghĩ để nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho giáo viên không thể duy trì kiểu nộp chứng chỉ như hiện nay mà các trường đại học sư phạm cần nâng chất lượng giảng dạy, siết đầu ra trình độ ngoại ngữ của sinh viên như một số trường đại học đang làm.

Khi thực hiện tốt điều này, giáo sinh ra trường đã có trình độ ngoại ngữ chuẩn và cần được công nhận. Có thế mới tránh được việc cấp chứng chỉ ồ ạt, bát nháo như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/giao-duc/gian-lan-thi-chung-chi-den-luc-can-khai-tu-kieu-chung-chi-lam-dep-ho-so-749618.ldo

[2] https://laodong.vn/thoi-su/bo-truong-le-vinh-tan-cam-ket-sua-quy-dinh-ve-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-764542.ldo

Thuận Phương