Trào lưu khoe con trên mạng: Lên án hay cổ vũ?

10/11/2011 15:32
Không chỉ mẹ bé gái 4 tuổi dạy con "chửi chồng" rồi quay video tung lên mạng, nhiều cha mẹ cũng thi nhau khoe con trên Internet...
Sau "clip bé 4 tuổi nhại giọng người lớn" trích nguồn từ Youtube được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhiều độc giả đã bày tỏ bức xúc và lên án gay gắt hành động trên, cho rằng mẹ cháu bé dạy con phản giáo dục.

Trên các trang mạng cộng đồng hiện nay, không thiếu những clip, album ảnh ghi hình các "công chúa, hoàng tử" làm đủ chuyện, từ đóng hài đến nhảy hiphop, hát karaoke, hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu... được chính cha mẹ hoặc người thân các em đăng lên.

Nhiều cha mẹ đưa hàng loạt con từ lúc còn đỏ hỏn bọc tã cho đến khi lớn lên biết hát hò nhảy múa. Chẳng hạn chỉ cần gõ từ khóa "bé Nhi" trong mục tìm kiếm của chia sẻ video sẽ cho ra hàng chục clip như: bé Nhi hát teen vọng cổ, bé Nhi hát búp bê barbie, nhảy hiphop; hay hàng chục clip của bé moon "đi hát karaoke phần 1, phần 2, phần 3", moon nhảy theo chú gấu Mummy...

Có clip quay cậu bé 2 tuổi trong tư thế "trần truồng như nhộng" đứng giữa đường say sưa nhảy hiphop. Một bé khác thì ở tư thế "trồng cây chuối" chống đầu xuống đất dựng hai chân lên trời xoay xoay rồi té kềnh, giữa tiếng người lớn vỗ tay khen ngợi và chỉ đạo "đứng lên nhảy đi con, chu mông, chống tay, xoay đầu đi...".
Cậu bé không mặc quần áo nhảy hiphop giữa trời. Ảnh chụp màn hình
Cậu bé không mặc quần áo nhảy hiphop giữa trời. Ảnh chụp màn hình
Bày tỏ quan điểm về trào lưu phụ huynh khoe con trên mạng rộ lên hiện nay, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, trung tâm tư vấn Nhịp cầu hạnh phúc (TP.HCM) cho rằng đó là một nhu cầu chính đáng. "Bởi ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển, con người thuận lợi hơn trong việc cất giữ những 'khoảnh khắc đẹp' của gia đình, có thể là trong máy tính hay tải lên mạng", ông Thịnh nói.

Tuy nhiên theo ông việc làm trên chỉ nên được cổ vũ khi mà nội dung của các hình ảnh hoặc videomang tính tích cực với những khoảnh khắc đáng yêu ngộ nghĩnh của trẻ con hoặc gia đình. Còn với những trường hợp tung clip phản cảm, vi phạm pháp luật hoặc không phù hợp với chuẩn mực đạo đức như: clip bé 3 tuổi lái xe (ở Quảng Trị), mẹ dạy con chửi chồng, bé hút thuốc... thì cần phải lên án.

Xét "nguồn cơn" của trào lưu tung hình ảnh lên mạng, ông Thịnh cho rằng nó xuất phát từ một bộ phận người nổi tiếng như ngôi sao ca nhạc, diễn viên, cầu thủ bóng đá... thích khoe đời tư của mình. Sau đó nhiều "thường dân" đã học đòi cũng đưa con mình lên mạng với mong muốn con được nổi tiếng, được nhiều người biết đến.

"Một số người có suy nghĩ ngây ngô thấy con em mình có chút vượt trội hơn những trẻ khác thì nghĩ rằng nó là thần đồng rồi uốn nắn con mình làm những việc vượt quá khả năng, thậm chí là kỳ cục. Những hành động đó dần dần sẽ làm cho con em mình có những suy nghĩ lệch lạc", ông Thịnh bày tỏ.

Cũng cùng quan điểm này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng, từ khi còn rất nhỏ trẻ đã biết để ý, học hỏi những việc người lớn làm, những lời người lớn nói.
Một bé gái ăn mặc hở hang thể hiện ca khúc yêu đương "quằn quại" trên mạng. Ảnh chụp màn hình
Một bé gái ăn mặc hở hang thể hiện ca khúc yêu đương "quằn quại" trên mạng. Ảnh chụp màn hình
"Ý thức các em ở độ tuổi này chưa phát triển hoàn thiện, chưa phân biệt hết đúng, sai, tốt, xấu nên hồn nhiên bắt chước những gì người lớn dạy dỗ. Trẻ con chỉ biết phân biệt khi mà cha mẹ chỉ điều này tốt, điều kia xấu. Nên nếu người lớn cứ cổ vũ cho những hành động sai trái, dạy trẻ chửi chồng, đua xe, hút thuốc thì khi lớn lên các em sẽ hiểu đó là việc làm tốt và khi đó chúng sẽ bị lệch lạc về giá trị sống", bà Minh khuyến cáo.

Xét góc độ khác, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cho rằng, ngày nay nhiều phụ huynh vì muốn cho con thể hiện tài năng sớm nên tập cho trẻ hát nhạc người lớn rồi đăng lên mạng để tìm cơ hội nổi tiếng.

Ví dụ trên YouTube có clip "bé 3 tuổi hát như ca sĩ". Cậu bé đầu đeo khăn, mặc đồ người lớn rướn cổ cao giọng: "Hỡi cô bé thơ ngây ngày ấy... Em đang nghĩ gì, đang nghĩ gì, đang nghĩ gì. Anh van em, van em nói ra đi", trông điệu bộ thật khổ sở. Nick name gaubongxinhdep82 (chủ nhân của đoạn clip trên) khoe: "Đây là em bé 2 tuổi con của một người bạn. Bé hát và biểu lộ cảm xúc rất chuẩn, các bạn cùng xem nha!".

Vì thế nhạc sĩ Phạm Đăng Khương khuyến cáo rằng, mỗi bài hát được viết ra thường dành cho một nhóm đối tượng tuổi tác cụ thể và theo đó sẽ có những nguyên tắc sáng tác riêng. "Để hát được nhạc dành cho người lớn, đòi hỏi người hát phải có đủ sức khỏe và chất giọng trưởng thành. Việc cho trẻ em hát thể loại nhạc này nhiều sẽ làm hỏng giọng hát của các em".

Ông cũng nhìn nhận, một đứa trẻ hát toàn những ca khúc người lớn với những ngôn từ như ‘anh yêu em’, ‘anh không thể sống thiếu em’ hay ‘em trao anh nụ hôn ngây ngất’… mà nhiều phụ huynh tung lên mạng thường gây phản cảm cho người nghe.

Theo Vnexpress