Giáo viên Bình Định đề nghị làm rõ trách nhiệm vụ đặc cách "nhầm"

17/08/2020 06:48
Vũ Ninh
GDVN- “Dư luận ngành giáo dục tỉnh Bình Định mong muốn Sở Nội vụ, Sở Giáo dục có một tiếng nói trách nhiệm hơn; không thể cứ nói nhầm là xong".

49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định là hợp đồng lao động theo bộ Luật lao động

Thực hiện công văn số 7450/UBND - NC về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 về trước, nhiều địa phương tại tỉnh Bình Định đã hoàn tất việc xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng khối mầm non, tiểu học và trung học cơ sở từ tháng 2/2020.

Đối với khối trung học phổ thông, việc quản lý giáo viên hợp đồng thuộc trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định.

Dựa trên chỉ đạo của công văn số 7450/UBND –NC, Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 2403/SGDĐT -TCCB về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên đã hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước.

Theo đó đối tượng giáo viên hợp đồng Trung học Phổ thông đủ điều kiện xét đặc cách theo công văn 5378/BNV-CCVC phải đáp ứng các tiêu chí sau:

Một là, Giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại các trường Trung học Phổ thông, trường chuyên biệt công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo;

Hai là, Đã có thời gian ký hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các trường Trung học Phổ thông, trường chuyên biệt công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/12/2015;

Ba là, trong chỉ tiêu biên chế;

Sau hơn 2 tháng rà soát, ngày 21/2/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định có công văn số 275/TB -SGDĐT thông báo danh sách 49 giáo viên đủ điều kiện xét đặc cách theo công văn 5378/BVN-CCVC.

Tuy nhiên kể từ đó đến nay, vẫn chưa có quyết định chính thức công nhận kết quả đặc cách của 49 giáo viên hợp đồng nêu trên.

Theo giải thích của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, vướng mắc nằm ở tiêu chí số Một: Giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại các trường Trung học Phổ thông, trường chuyên biệt công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định cho rằng: Hiện nay 49 giáo viên hợp đồng nêu trên đang thực hiện công việc giảng dạy theo diện hợp đồng thỉnh giảng, không đóng bảo hiểm xã hội theo Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT cho nên không thuộc đối tượng được xét đặc cách.

Căn cứ theo điểm a) khoản 2 điều 7 của Quy định ban hành kèm theo Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT, với nhóm đối tượng giáo viên hợp đồng (không phải là cán bộ, công chức, viên chức) ký hợp đồng thỉnh giảng thì hợp đồng này là hợp đồng lao động đã được quy định tại Bộ luật Lao động.

Hợp đồng thỉnh giảng của giáo viên tỉnh Bình Định (Ảnh :V.N)

Hợp đồng thỉnh giảng của giáo viên tỉnh Bình Định (Ảnh :V.N)

49 giáo viên hợp đồng bậc trung học phổ thông tại Bình Định trong diện xem xét đặc cách cho rằng họ hoàn toàn đủ điều kiện xét đặc cách theo công văn 5378/BNV-CCVC.

Giáo viên yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo: Không thể nói nhầm là xong!

Theo trả lời của ông Võ Ngọc Sỹ, Trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định): Tháng 4/2020, sau khi có công văn trả lời của Bộ Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã họp thủ trưởng của 49 giáo viên hợp đồng để thông báo tinh thần chung cho những giáo viên đó.

Việc chỉ đạo giải quyết sự việc này mới chỉ dừng tại đây và chưa có văn bản hướng dẫn tiếp theo như các địa phương khác.

Nhận xét câu trả lời này của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, nhiều giáo viên hợp đồng tỏ ra bức xúc và cho rằng đây là một câu trả lời thiếu trách nhiệm.

Cô H.T.M.C, giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định nói:

“Tháng 2/2020, sau khi có thông báo danh sách 49 giáo viên trung học phổ thông đủ điều kiện đặc cách thì cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo hay văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Nếu như không có báo chí phản ánh thì bản thân chúng tôi cũng hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của công văn 1791 (Bộ Nội vụ) ngày 9/4/2020.

Sau khi báo chí phản ánh chúng tôi mới liên hệ Sở Nội vụ để hỏi xin công văn 1791, tất cả lúc đấy mới vỡ lẽ là mình không được đặc cách còn 6 tháng nay chúng tôi không hề nhận được bất kỳ thông báo nào của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Với vai trò là cơ quan tham mưu và trực tiếp quản lý, rà soát, lập danh sách giáo viên hợp đồng trung học phổ thông chúng tôi xin hỏi trách nhiệm và chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo ở đâu trong sự việc này?

Sở không thể chỉ nói 1 câu: Bộ Nội vụ hướng dẫn không rõ ràng hoặc Sở xét tuyển tất cả vì giáo viên rồi lại nói nhầm như thế là ổn thỏa? Chúng tôi yêu cầu Sở Giáo dục có câu trả lời rõ ràng bằng văn bản.

Ngoài ra chúng tôi đều là những giáo viên được ký hợp đồng dài hạn, năm 2017-2018 chúng tôi bị đơn phương cắt hợp đồng. Tiếp theo giáo viên được các trường ký hợp đồng thỉnh giảng đến cho đến nay.

Thử hỏi trong quãng thời gian 3 năm học đó, có loại hợp đồng thỉnh giảng nào kéo dài đến 3 năm mà lại bị xem như hợp đồng mùa, vụ không? Vì thế chúng tôi cho rằng chúng tôi hoàn toàn đủ điều kiện xét đặc cách”.

Đại diện 49 giáo viên hợp đồng bậc trung học phổ thông tỉnh Bình Định cho biết: Giáo viên đã gửi đơn kêu cứu đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định và Bộ Nội vụ, trong trường hợp sự việc ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của giáo viên, số giáo viên này hoàn toàn có thể xem xét khả năng thấp nhất là khiếu nại hành chính.

Những nội dung mà 49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định yêu cầu làm rõ:

Thứ nhất, 49 giáo viên đều ký hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước năm 2015, hiện nay các giáo viên trên đang thực hiện chế độ thỉnh giảng (bắt đầu từ năm học 2017-2018 đến nay).

Như vậy hợp đồng của giáo viên đang ký là hợp đồng lao động theo vị trí việc làm (giáo viên) quy định tại Bộ Luật lao động đồng nghĩa 49 giáo viên nêu trên hoàn toàn đủ điều kiện xét đặc cách theo công văn 5378/BNV-CCVC.

Thứ hai, bắt đầu từ năm học 2017-2018, hiệu trưởng các trường Trung học Phổ thông đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (trong đó có nhiều giáo viên đang hợp đồng lao động dài hạn) theo tinh thần của công văn số 2339/SGDĐT-TCCB ngày 18/12/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định.

49 giáo viên này cho rằng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng không theo Bộ Luật lao động năm 2012 là vi phạm pháp luật. Trách nhiệm quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo ở đâu trong vấn đề này?

Thứ ba, Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị quản lý, tham mưu cho Sở Nội vụ xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng trung học phổ thông. Vì sao, Sở tổ chức rà soát hồ sơ tốn tiền của, thời gian của giáo viên cuối cùng lại đảo ngược kết quả?

Trong trường hợp này trách nhiệm cũng như năng lực chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo ở đâu khi nói là xét tuyển nhầm? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm đối với kết quả trên.

Ngoài ra giáo viên hợp đồng cũng cho rằng: Bộ Nội vụ đã cho cơ chế các địa phương tự chủ trong vấn đề xét đặc cách giáo viên hợp đồng.

Qua đây 49 giáo viên nêu trên cũng mong Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định sớm có chỉ đạo, giải quyết quyền lợi chính đáng cho giáo viên.

Vũ Ninh