Tác giả của cô Tấm "hiện đại": Chúng tôi đã tính kĩ rồi!

11/11/2011 10:12
Xuân Trung
(GDVN) -Truyện cổ tích Tấm Cám - văn hóa truyền khẩu dân gian Việt Nam tồn tại hàng ngàn đời được đem ra mổ xẻ ở đoạn kết khiến người học bối rối.
Bộ Giáo dục cần chỉ đạo chấm dứt mỗi sách một nguồn

Liên quan tới đoạn kết truyện Tấm – Cám trong chương trình SGK lớp 10 không thống nhất, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Ngữ văn THPT cho rằng, tác phẩm đưa vào dạy ở trường phổ thông phải có nội dung phù hợp với mục tiêu giáo dục, hạn chế nội dung có yếu tố bạo lực.

“Trong trường hợp tác phẩm có chi tiết không phù hợp thì SGK có thể cắt bỏ chứ không được sửa đổi nội dung” GS Thuyết cho biết.

Được biết, khi thẩm định hai bộ SGK (theo chương trình chuẩn và chương trình nâng cao) môn Ngữ văn lớp 10, Hội đồng thẩm định đã yêu cầu cả hai bộ sách thống nhất lấy dị bản tác phẩm Tấm - Cám của GS, nhà nghiên cứu văn học dân gian Chu Xuân Diên làm bản chuẩn. Tuy nhiên, chỉ có SGK nâng cao là làm theo yêu cầu của hội đồng thẩm định, còn sách theo chương trình chuẩn thì tác giả đã không tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định mà tự ý chỉnh sửa đoạn kết.

GS Thuyết lưu ý: “Không thể để tình trạng mỗi sách trích theo một nguồn, bởi nếu không thống nhất về văn bản thì sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh (ví dụ, học theo sách thuộc chương trình chuẩn sẽ nhận thức về cô Tấm khác với học theo sách nâng cao), thậm chí ảnh hưởng đến cả chuyện thi cử của các em.”

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo giải quyết sớm vấn đề tồn tại hai dị bản Tấm – Cám khác nhau trong hai bộ SGK.
Không sửa sách! Tổng chủ biên "đá bóng" sang giáo viên

Trao đổi với chúng tôi về nội dung đoạn kết trong truyện Tấm – Cám, chiều ngày 10/11 GS, NGND Phan Trọng Luận, tổng chủ biên chương trình SGK hệ chuẩn cho biết: “Việc này chúng tôi có quan điểm riêng của chúng tôi, chúng tôi không muốn cắt đoạn kết đi vì như thế sẽ vi phạm, ảnh hưởng tới thi pháp truyện cổ tích”.

“Tuy nhiên, truyện cổ tích phải triệt để, nếu đã ghét thì ghét tận cùng, trả thù thì trả thù tận cùng, nếu yêu thì yêu tận cùng. Chúng tôi đã tính toán rất kĩ trước khi in” GS Luận khẳng định.

Trước các ý kiến, nếu tồn tại hai dị bản Tấm – Cám khác nhau trong hai bộ SGK sẽ ảnh hưởng tới kiến thức và sự tiếp thu của học sinh, ảnh hưởng tới vấn đề thi cử không thống nhất sau này, GS Luận cho rằng: “chuyện thi cử lại là chuyện khác”.

Theo GS Luận, khi thi đại học thường ít khi đụng tới chương trình lớp 10. Hơn hết, GS Luận chỉ ra tính phù hợp của của việc “không thống nhất”: “Cứ để như thế, nếu giáo viên giỏi có thể đưa vấn đề đó ra cho học sinh thảo luận sẽ hay hơn”.

GS Phan Trọng Luận cho biết, sẽ giữ nguyên nội dung như hiện nay ở chương trình chuẩn, không thay đổi. “Thực ra, SGK ngữ văn lớp 10 được in ra từ năm 2006, thời gian đầu đã thí điểm và xã hội không có phản ứng gì, gần đây cũng không có ý kiến gì.

Trong nguyên tắc nhà trường, không phải tác phẩm nào hay nhất của nhà văn có thể đưa vào nhà  trường, cũng có thể tác phẩm hay thứ hai được đưa vào vì phù hợp với tính giáo dục. Hoặc có những tác phẩm phải cắt bỏ phần không phù hợp như truyện Chí phèo của Nam Cao - đó là đoạn đẹp nhất của truyện – Thị nở dưới ánh trăng”.

GS Phan Trọng Luận cũng cho biết, xuất phát từ mục đích giáo dục trong nhà trường, trong hoàn cảnh hiện nay, vấn nạn bạo lực học đường diễn ra thường xuyên, xã hội đang coi nhẹ tính nhân văn, việc đưa những chi tiết hạn chế tính bạo lực trong SGK càng ít sẽ càng có lợi cho thế hệ trẻ.


Xuân Trung