Thủ khoa Đại học Luật Hà Nội: Danh hiệu chỉ là một khoảnh khắc

19/08/2020 06:00
Nguyễn Hằng
GDVN- Nhìn lại những gì đã làm được trong suốt 4 năm đại học, Anh Thư tâm sự rằng điều giá trị nhất cô có được chính là tìm thấy lĩnh vực mà mình quan tâm, trăn trở.

Bén duyên với luật Sở hữu trí tuệ từ Chương trình trao đổi sinh viên tại Singapore, Nguyễn Anh Thư – Thủ khoa đầu ra Đại học Luật Hà Nội năm 2020 có dự định nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này.

Danh hiệu thủ khoa chỉ là một khoảnh khắc

Sinh ra trong gia đình có nhiều người làm việc trong ngành luật nên từ nhỏ Anh Thư đã được trực tiếp chứng kiến những điều thú vị trong cuộc sống của các luật sư. Chính điều đó đã nhen thêm trong cô một niềm tin và hứng thú đặc biệt với công việc này.

Với niềm thích thú với ngành luật, khi tốt nghiệp cấp 3, cô chỉ có một nguyện vọng đầu tiên và duy nhất, đó là thi vào trường Đại học Luật.

Bước chân vào giảng đường đại học, Anh Thư không những tích cực tích lũy kiến thức chuyên ngành mà còn đầu tư nhiều thời gian cho việc học ngoại ngữ và các kỹ năng mềm.

Có lẽ đó cũng chính là nền tảng giúp cô đi xa hơn, chinh phục được nhiều thành tích nổi bật ngay từ khi còn là sinh viên.

Cô từng tham dự nhiều cuộc thi dành cho sinh viên Luật trên thế giới và đạt kết quả cao như Huy chương Vàng trong cuộc thi “Hòa giải quốc tế” tại Singapore.

Được làm việc trong ngành Luật là ước mơ từ ngày bé của Anh Thư (bên trái ảnh). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Được làm việc trong ngành Luật là ước mơ từ ngày bé của Anh Thư (bên trái ảnh). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bốn năm trôi qua với rất nhiều nỗ lực, Anh Thư trở thành thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Nhưng với cô, ngoài khoảnh khắc được lên bục nhận bằng khen cho danh hiệu thủ khoa, cuộc sống và chặng đường nỗ lực phía trước của cô cũng giống như đa phần các sinh viên bình thường khác.

Bởi cô đã sớm nhận thức được rằng để đi từ sách vở, giảng đường đến với thực tế là cả một chặng đường dài:

“Sang năm cuối thì tôi bắt đầu đi làm ở một văn phòng luật quốc tế. Khi đi làm, kể cả khi mang trên mình danh hiệu thủ khoa thì tôi vẫn thấy rằng kiến thức chuyên ngành của mình chưa thấm là bao so với những đàn anh, đàn chị đi trước.

Những gì mình học được trong trường là rất ít ỏi so với biển kiến thức ngoài kia, mình biết rằng mình cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Thế nên, danh hiệu thủ khoa giúp mình tự tin hơn, nhưng cũng chưa đến mức phải vỗ ngực tự hào về bản thân mình”.

Rời khỏi giảng đường đại học là một thế giới rộng lớn hơn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Rời khỏi giảng đường đại học là một thế giới rộng lớn hơn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Mọi thứ vẫn ở phía trước…

Khi còn là sinh viên, Anh Thư có cơ hội được tham gia một chương trình trao đổi sinh viên với Trường Đại học Quốc gia Singapore.

Trong thời gian này, cô tham gia vào một lớp học về Luật sở hữu trí tuệ. Những trải nghiệm và kiến thức cô có được từ môi trường học thuật tiên tiến này đã giúp cô mở mang được nhiều điều mới mẻ, nó trở thành động lực để Anh Thư dành nhiều thời gian và tâm huyết để đi sâu hơn vào lĩnh vực này.

“Lần đầu tiên được tiếp xúc sâu hơn về một hệ thống tư pháp về sở hữu trí tuệ có thể nói là tiên tiến hàng đầu thế giới. Lúc đấy cảm thấy rất khác so với Việt Nam.

Điểm khác biệt lớn nhất là mức độ hiểu biết về luật sở hữu trí tuệ ở nước họ cao hơn hẳn so với đa phần người Việt.

Qua một thời gian học hỏi và tìm hiểu thì tôi mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này. Tôi nghĩ đây là một lĩnh vực có rất nhiều cơ hội phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới”, Anh Thư chia sẻ.

Điều giá trị nhất Anh Thư có được chính là tìm thấy mục tiêu, lý tưởng cho những gì mình theo đuổi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Điều giá trị nhất Anh Thư có được chính là tìm thấy mục tiêu, lý tưởng cho những gì mình theo đuổi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhìn lại những gì mình đã làm được trong suốt 4 năm đại học, Anh Thư tâm sự rằng điều giá trị nhất cô có được chính là tìm thấy một lĩnh vực mà mình thực sự quan tâm, trăn trở và muốn theo đuổi.

Bài học lớn nhất mà cô luôn mang trong mình, ấy chính là mọi điều thú vị vẫn ở phía trước.

Cho dù cô đã đạt được nhiều thành tựu, chiến thắng ở nhiều sân chơi dành cho sinh viên cả trong nước và quốc tế, cô vẫn thấy rằng phía trước kia, thế giới luật pháp vẫn rất rộng lớn đòi hỏi cô cần chuẩn bị cho mình một sự khiêm tốn và cầu thị để tiếp cận được.

Mang trong mình tâm thế đó, khi bước ra khỏi cánh cổng trường đại học và đi làm, Anh Thư có được cái nhìn thực tế hơn về một vấn đề soi chiếu từ góc độ pháp lý.

Với cô, đây là cơ hội vô cùng quý giá để bản thân được cọ xát, được trưởng thành và hoàn thiện bản thân mình:

“Khi đi làm rồi mới thấy thực tế phức tạp hơn trên sách vở rất nhiều.

Công việc hiện tại cũng giúp tôi soi chiếu các vấn đề pháp lý từ những câu chuyện thực tiễn, quá trình xử lý các vấn đề như thế nào, cách mình tiếp cận với đối tượng nó cũng rất khác so với những gì được miêu tả trong luật. Tôi nghĩ đó là điều thú vị nhất tôi học được khi đi làm”.

Khi được hỏi về những kế hoạch cho hành trình sắp tới, Anh Thư chia sẻ cô chưa thực sự chắc chắn về điều gì trong tương lai xa.

Ở thời điểm hiện tại cho đến một vài năm tiếp theo, cô sẽ tiếp tục học hỏi từ những người đi trước và nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình tại cơ quan mình đang công tác.

Theo Anh Thư, đây là môi trường lý tưởng để một sinh viên mới ra trường như cô được trải nghiệm và tích lũy cho mình nhiều bài học.

“Và tất nhiên rồi, luật sở hữu trí tuệ vẫn là lĩnh vực mình sẽ theo đuổi” – tân cử nhân Luật Nguyễn Anh Thư chia sẻ chắc chắn như vậy khi đứng trước một chặng hành trình mới.

Với cô, những điều thú vị vẫn ở phía trước.

Nguyễn Hằng