Giá như tỉnh nào cũng cấm giáo viên thu tiền, thầy cô đỡ khổ biết bao

05/09/2020 06:22
NHẬT DUY
GDVN- Năm này sang năm khác, chuyện giáo viên chủ nhiệm phải đứng ra thu tiền, vận động, nhắc nhở học sinh đóng tiền cho nhà trường vẫn cứ phải lặp đi, lặp lại...

Đầu năm học, khi được phân công làm công tác giáo viên chủ nhiệm, có lẽ điều mà giáo viên ngại nhất là chuyện thu các khoản tiền từ phụ huynh và học sinh ở lớp mình.

Giáo viên ở khu vực thành thị thì việc thu tiền diễn ra nhanh chóng, dễ dàng trong ngay thời điểm đầu của năm học nhưng giáo viên những vùng quê thì nhiều khi phải năn nỉ ỉ ôi học trò, phụ huynh mà cuối năm vẫn có những giáo viên không hoàn thành được kế hoạch của nhà trường giao.

Vì thế, khi thông tin Thành phố Hồ Chí Minh cấm: “tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền” khiến nhiều thầy cô ao ước nếu địa phương mình cũng cấm như vậy thì tốt biết bao.

Công việc thu tiền khiến cho giáo viên sợ làm công tác chủ nhiệm (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến)

Công việc thu tiền khiến cho giáo viên sợ làm công tác chủ nhiệm

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến)

Ám ảnh chuyện thu tiền và vận đồng đóng góp đầu năm

Vào năm học mới, việc đầu tiên mà giáo viên phải thông báo đến các em học sinh là các khoản đóng góp trong năm học, nhất là các khoản đóng góp ở thời điểm đầu năm học.

Trong các khoản đóng góp thì có những khoản bắt buộc như: học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn. Các khoản này thường Ban giám hiệu nhà trường giao chỉ tiêu 100% (chỉ trừ những em được miễn, giảm và mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình).

Dù được giao 100% nhưng những khoản thu bắt buộc này dù sao cũng dễ dàng nói với phụ huynh bởi nó thuộc quy định của nhà nước, của địa phương rồi nên không ai bắt bẻ được mình và sự lý giải cũng không khó khăn lắm.

Đối với các khoản không bắt buộc thì nhiều lắm. Nào là tiền xã hội hóa, sửa chữa cơ sở vật chất, quỹ hội, quỹ lớp, tiền vệ sinh, tiền gửi xe, tiền học thêm hàng tháng, tiền học tiếng Anh tăng cường, tiền học kỹ năng sống, tiền ủng hộ học sinh nghèo, tiền vận động khen thưởng học sinh….

Khổ nỗi, vì đây đa số là những khoản khoản vận động không bắt buộc mà Ban giám hiệu nhà trường sợ nên thường chỉ chỉ đạo bằng miệng và hướng dẫn giáo viên vận động “trên tinh thần tự nguyện” mà thôi.

Chính vì có những khoản thu không đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên nên nhiều khi phụ huynh họ phản đối, họ viện dẫn các Thông tư, các hướng dẫn của ngành, của địa phương nên mỗi lần họp phụ huynh đầu năm là nhiều giáo viên chủ nhiệm lo ngay ngáy.

Một bên là nhiệm vụ Ban giám hiệu giao cho, nếu không thực hiện hoặc không hoàn thành kế hoạch tất nhiên nó sẽ ảnh hưởng công việc, liên quan đến việc đánh giá, xếp loại giáo viên cuối năm.

Mỗi khi họp hành, đánh giá giáo viên thì những thầy cô không hoàn thành kế hoạch thường được nhắc nhở, phê bình rất mệt mỏi.

Một bên là phụ huynh học sinh, có những phụ huynh có điều kiện nhưng cũng có rất nhiều phụ huynh khó khăn.

Vì thế, chỉ chuyện thu tiền, vận động phụ huynh đóng góp các khoản trong năm học cũng đủ cho giáo viên mệt mỏi bởi mỗi lớp có từ 35-45 học sinh (có những lớp sĩ số còn nhiều hơn) mà có khi mỗi người một ý…

Trong khi, giáo viên thu tiền của học sinh, của phụ huynh xong là đem nộp cho nhà trường nhưng nhiều khi những bức xúc thì phụ huynh lại hướng vào giáo viên chủ nhiệm vì Ban giám hiệu họ có họp phụ huynh mỗi lớp đâu.

Khi họp phụ huynh toàn trường thì cơ bản là chỉ thông qua các khoản thu vì ở các lớp đã họp và thống nhất xong rồi.

Chính vì vậy, nỗi ám ảnh nhất của giáo viên chủ nhiệm là các khoản tiền trường mà mình phải thu hàng năm và đây cũng là điều mà giáo viên ngại nhất.

Sao các tỉnh không học tập cách thu như Thành phố Hồ Chí Minh?

Ngày 31/8 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản 2772/GDĐT-KHTC, về hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác trong năm học 2020- 2021 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.

Trong đó, có những điều mà chúng ta thấy rất cần nhân rộng ra các địa phương khác, đó là: “khi thu phải cấp hóa đơn thu tiền cho từng học sinh, sinh viên thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường, tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền và đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định”.

Việc cấm giáo viên chủ nhiệm thu tiền là điều cần thiết để họ chuyên tâm việc dạy dỗ. Thực tế, mỗi trường học từ Mầm non đến Trung học phổ thông ở các địa phương thì trường học nào cũng có 1 kế toán và 1 thủ quỹ.

Trường nào cũng mở tài khoản riêng và phụ huynh bây giờ có rất nhiều người đã và đang sử dụng các dịch vụ chuyển tiền qua Internet.

Nếu chỉ cần một thay đổi nhỏ thôi, đó là đầu năm nhà trường thông báo các khoản thu đến phụ huynh và cung cấp số tài khoản nhà trường thì phụ huynh có thể chuyển nộp cho con mình một cách nhanh chóng và minh bạch nhất.

Những gia đình nào không sử dụng thẻ thì phụ huynh hoặc học sinh có thể đến trường nộp cho thủ quỹ nhà trường các khoản thu. Đối với tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn thì nộp cho nhân viên y tế.

Bởi thực tế, các nhân viên này họ có nghiệp vụ và thời gian thì họ làm hành chính nên gần như các ngày làm việc trong tuần họ đều ở trường.

Trong khi, bây giờ đa phần các trường đã thực hiện dịch vụ tin nhắn điện tử nên nhà trường chỉ cần nhắn về thời gian thu tiền thì ắt phụ huynh họ sẽ đến nộp theo quy định.

Vậy nhưng, đa phần các trường học hiện nay vẫn đang thực hiện việc giao các khoản thu trong năm học cho giáo viên chủ nhiệm đảm nhận.

Vì thế, nhiều khi giáo viên chủ nhiệm cứ đầu giờ học là lại phải nhắc chuyện học sinh đóng tiền rồi sau đó mới đến việc giảng dạy của mình- một chuyện mà nó vô cùng nhạy cảm trong mối quan hệ thầy- trò trong mỗi giờ học.

Nhưng rồi, năm này sang năm khác, chuyện giáo viên chủ nhiệm đứng ra thu tiền, vận động, nhắc nhở học sinh đóng tiền cho nhà trường vẫn cứ phải lặp đi, lặp lại…

NHẬT DUY