Nước lã mà vã nên hồ, từ bãi sình lầy mà nên cơ đồ Đại học Tôn Đức Thắng

13/09/2020 06:14
Vũ Ninh
GDVN- Mỗi hàng cây tại trường Đại học Tôn Đức Thắng đều có giá trị, ý nghĩa riêng. Triết lý trồng cây cũng giống như triết lý trồng người– Rễ chùm, rễ sâu thì bám chặt.

Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng thường tự hào nhắc đến những hàng cây xanh rợp bóng trong khuôn viên nhà trường. Những hàng cây đó đã đồng hành cùng ngôi trường này (từ khi xây dựng cơ sở mới tại phường Tân Phong, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh); là “nhân chứng sống” chứng kiến sự thay da đổi thịt qua từng ngày của Đại học Tôn Đức Thắng.

Ít ai biết được rằng khoảng 15 năm trước, tại vị trí trường Tôn Đức Thắng tọa lạc là những bãi sình lầy hoang hóa. Chỉ có tận mắt chiêm ngưỡng cơ ngơi của ngôi trường mang tầm vóc quốc tế này mới hiểu thế nào là: “Nước lã mà vã nên hồ, tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan”.

Từ bãi sình lầy đến ngôi trường vươn tầm quốc tế

6 giờ mỗi sáng, cô N.B.L, nhân viên tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, bắt đầu một ngày làm việc mới. Cô L. cẩn thận nhặt từng chiếc lá, quét dọn trên những cung đường thuộc khuôn viên của trường.

Cùng thời điểm đó, nhiều giảng viên, nhân viên của Đại học Tôn Đức Thắng đã bắt đầu một ngày làm việc mới (sớm hơn 1 tiếng so với quy định).

Thầy cô nhẩn nha tản bộ quanh trường, thấy lá cây rụng, nhành hoa rơi chủ động gom lại cho vào thùng rác.

Thói quen này được hình thành và duy trì trong mỗi thành viên Đại học Tôn Đức Thắng được truyền cảm hứng từ chính linh hồn của Trường, Giáo sư Tiến sĩ Lê Vinh Danh.

Nhiều viên chức, giảng viên của Trường nói về Thầy với lòng kính trọng và ngưỡng mộ: Thầy Danh cúi xuống nhặt rác trên đường đi để bỏ vào thùng, không có lý do gì giảng viên, sinh viên lại thản nhiên bước qua được. Thầy Danh luôn chủ động nở nụ cười chào hỏi mọi người, từ giảng viên, sinh viên, người lao động cho đến khách ghé thăm, thì dù có lạnh lùng đến mấy, cũng không thể không mỉm cười đáp lại.

Vì thế khuôn viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng không bao giờ có rác. Vì thế đi đến ngõ ngách nào trong Trường cũng bắt gặp những nụ cười thân thiện chào hỏi nhau, dù sơ giao hay quen biết.

Người ta gọi đó là văn hóa đại học. Văn hóa Đại học Tôn Đức Thắng không nằm ở quy chế đóng khung treo trên tường vách, mà nằm ở mỗi con người, mỗi nhành hoa ngọn cỏ nơi đây.

Những con đường xanh mát bao quanh trường Tôn Đức Thắng là thành quả chung của biết bao thế hệ đồng hành, gắn bó với nhà trường.

Cô L. tự hào, chia sẻ: “Trường tôi đẹp và xanh mướt. Hiếm có trường Đại học nào có khuôn viên rợp bóng cây và hệ sinh thái đẹp như trường Tôn Đức Thắng.

Cơ sở của trường tại Nha Trang, Bảo Lộc và Cà Mau cũng rất đẹp. Tại Bảo Lộc chúng tôi đặt tên từng phân khu theo tên của các loài hoa.

Văn hóa không xả rác và có ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người Đại học Tôn Đức Thắng.

Khi chứng kiến thầy Danh mỗi sáng đều tản bộ quanh trường, thấy rác nhặt rác, thấy lá rụng nhặt lá rụng chúng tôi đều lấy đó làm gương.

Tinh thần của Đại học Tôn Đức Thắng là tinh thần phụng sự, mỗi người đều làm tốt công việc của mình, không phân biệt địa vị, chức danh".

Kể về những hàng cây xanh trong trường Tôn Đức Thắng, thầy Nguyễn Xuân Hải, người đã có 15 năm gắn bó với mái trường này không khỏi xúc động.

Có những hàng cây xanh mát, khuôn viên rợp bóng hôm nay đâu chỉ đơn giản chỉ là xới đất, vun trồng; mà đằng sau còn là một tầm nhìn chiến lược của người lãnh đạo mà tập thể nhà trường luôn coi là mẫu mực, cũng như công sức của hàng vạn cán bộ, công nhân viên, giảng viên, sinh viên nơi đây.

Cơ sở trước đây của Đại học Tôn Đức Thắng (Ảnh:Tư liệu)

Cơ sở trước đây của Đại học Tôn Đức Thắng (Ảnh:Tư liệu)

Thầy Hải xúc động: “Bây giờ ngồi kể chuyện trường Tôn Đức Thắng, những người trong cuộc và đồng hành với nhà trường một thời gian dài chỉ biết nói 2 từ: Kỳ tích.

Thời gian đầu, khi trường xin đất ở đây (cơ sở chính tại phường Tân Phong, Quận 7), xung quanh toàn bộ là bãi sình lầy, không có làm ăn được gì hết! Thời điểm đó, nơi này cũng tập trung nhiều thành phần xã hội đen, bất hảo.

Có những ngày trực tiếp thầy Danh cùng giáo viên, nhân viên trong trường phải xuống trông coi, không để các thành phần xấu vào quấy nhiễu.

Cho nên giữ được đất, xây được trường là biết bao mồ hôi, công sức của các thế hệ giảng viên, sinh viên.

Từ một bãi sình lầy biến thành những hàng cây, hồ sinh thái, cơ sở vật chất như hiện nay, chúng tôi đều cảm thấy tự hào vì những gì nhà trường đã làm được.

Hàng cây trong khuôn viên trường là một trong rất nhiều minh chứng cho tầm nhìn của thầy Lê Vinh Danh.

Hai năm trước khi xây dựng cơ sở vật chất, thầy đã vận động nhân viên, học sinh ủng hộ cây giống để chăm sóc trong vườn ươm của nhà trường.

Thầy nói: Cái cây mình ươm rồi trồng bao giờ mình cũng chăm lo và vun xới hơn là bỏ tiền ra mua một gốc cây bên ngoài.

Gốc cây có do mình ươm thì rễ mới bám sâu, bám chắc vào đất, mới vững được. Chuyện trồng cây tại trường Tôn Đức Thắng tinh tế và sâu sắc vậy đó”.

Khoảng 15 năm trước nơi đây chỉ có bãi sình lầy, 15 năm sau đã trở thành một campus đại học tầm vóc quốc tế (Ảnh:V.N)

Khoảng 15 năm trước nơi đây chỉ có bãi sình lầy, 15 năm sau đã trở thành một campus đại học tầm vóc quốc tế (Ảnh:V.N)

Triết lý trồng cây và trồng người – Rễ chùm thì bám chặt

Chuyện trồng cây trong khuôn viên trường Tôn Đức Thắng cũng giống như đạo lý trồng người.

Có những cây me, thân đã lớn, tán đã rộng nhưng liền cạnh, nhà trường vẫn trồng thêm những loại cây (nhỏ) rễ chùm. Cây me nhanh lớn nhưng rễ nông, mưa gió hay bị đổ; cây rễ chùm tuy còn nhỏ nhưng bám đất rất chắc, sức sống mãnh liệt.

Chuyện trồng người tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng tương tự vậy. Con người được đào tạo với nền tảng vững vàng, có kiến thức chuyên môn, đạo đức tốt sẽ lớn mạnh và đủ sức đương đầu với sóng gió, thử thách.

Nền tảng trong việc đào tạo con người tại Đại học Tôn Đức Thắng chính là đi từ cái gốc Đạo đức.

Khác với nhiều nơi, sinh viên Trường Tôn Đức Thắng ngay từ những ngày đầu nhập học đã được truyền thụ và hun đúc nên tinh thần và văn hóa của nhà trường. Ba môn học đầu tiên là ba môn Đạo đức.

Chính vì thế những văn hóa hiếm gặp trong thời buổi hiện nay như xếp hàng, cúi đầu chào hỏi khách, nhặt rác bỏ vào thùng…tại Trường Tôn Đức Thắng, đây đều là những hành động quá đỗi bình thường của sinh viên.

Nguyễn Thanh Nhã (năm 4), mang trong mình sự tự hào của sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ:

“Nhắc đến mái trường Tôn Đức Thắng em chỉ có thể nói 2 từ: Tự hào. Đối với mỗi sinh viên trong trường chúng em đều ý thức được trách nhiệm và tinh thần của mình là Phụng sự đất nước.

Trách nhiệm và tinh thần đó được làm gương từ người thầy hiệu trưởng đáng kính của bọn em – thầy Lê Vinh Danh và tất cả các giảng viên. Thầy cô là những tấm gương chỉ dẫn con đường cho chúng em đi, uốn nắn em từ những điều nhỏ nhất.

Chúng em luôn coi trường Đại học Tôn Đức Thắng là ngôi nhà thứ hai của mình”.

Bãi sình lầy thủa nào nhường chỗ cho những hàng cây xanh rợp bóng (Ảnh:V/N)

Bãi sình lầy thủa nào nhường chỗ cho những hàng cây xanh rợp bóng (Ảnh:V/N)

Tản bộ dưới những hàng cây xanh rợp mát, thầy Lê Trọng chia sẻ: “Không đơn giản để có thể biến một ngôi trường từng phải thuê địa điểm, lợp mái tôn giữa bốn bề sình lầy thành một cơ ngơi khang trang, sạch đẹp, chất lượng giáo dục vươn tầm quốc tế mà không xin ngân sách cho cả chi thường xuyên lẫn chi xây dựng cơ bản.

Để có được kỳ tích đó bên cạnh tinh thần và trách nhiệm của hàng vạn con người thì vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng.

Thầy Lê Vinh Danh có một tầm nhìn chiến lược vô cùng tuyệt vời cùng với đó là sự sâu sát, tỉ mỉ và gần gũi với sinh viên, giảng viên. Thầy coi Trường Tôn Đức Thắng như ngôi nhà thứ 2 của mình, là đứa con tinh thần thầy dành tâm huyết cả một đời.

Nhìn thấy hiệu trưởng của ngôi trường 2 vạn sinh viên cũng cúi mình nhặt rác, nhặt lá bỏ vào thùng hay xếp hàng khi vào thang máy thì làm sao chúng tôi lại thờ ơ và bỏ qua những việc như vậy được? Đó chính là vai trò làm gương của người đứng đầu”.

Chốc chốc thầy Trọng lại chỉ: “Như cái cây lớn kia, một khi rễ đã bám sâu, bám chặt vào đất thì dù có (một vài) mối mọt bên trong hay sóng gió bên ngoài thì cái cây đó vẫn hiên ngang đứng vững. Trường Tôn Đức Thắng cũng như vậy, mỗi cá thể đều là một bộ phận của cái cây, rễ đã bám sâu, bám chặt thì sự đoàn kết của chúng tôi sẽ vượt qua tất cả”.

Cơ sở vật chất hiện đại cho sinh viên học tập (Ảnh:V/N)

Cơ sở vật chất hiện đại cho sinh viên học tập (Ảnh:V/N)

Ươm những mầm xanh cho đời; Giáo dục không bỏ lại ai phía sau

Đại học Tôn Đức Thắng đầu tư xây dựng một vườn ươm phục vụ riêng nhu cầu trồng cây trong khuôn viên trường. Từ vườn ươm đó, những mầm xanh qua bàn tay tưới tắm của nhân viên tỏa đi khắp các cơ sở khác (tại Bảo Lộc, Nha Trang, Cà Mau) phục vụ cho sự thụ hưởng của sinh viên.

Tại Đại học này, mọi người đều quan niệm: Một mầm xanh, một chiếc lá, cành cây đều có một ý nghĩa và giá trị riêng của mình.

Cũng giống như triết lý giáo dục mà nhiều nước tiên tiến theo đuổi: Mỗi con người đều có giá trị, vẻ đẹp riêng và sứ mệnh của giáo dục là giúp phát huy tối đa khả năng của mỗi người, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Đại học Tôn Đức Thắng đầu tư xây dựng khu ký túc xá hiện đại có thể phục vụ cho khoảng 4000 sinh viên (Ảnh;V.N)

Đại học Tôn Đức Thắng đầu tư xây dựng khu ký túc xá hiện đại có thể phục vụ cho khoảng 4000 sinh viên (Ảnh;V.N)

Cô Trần Thị Nguyệt Sương ví von: Ươm một mầm cây cũng giống như gieo một hạt giống thiện lành trong giáo dục. Giá trị của giáo dục không chỉ thụ hưởng trong hiện tại mà còn là sự đầu tư cho tương lai.

Cô Nguyệt Sương tâm sự: “Tại sao thầy Danh lại không mua những gốc cây đã lớn về trồng cho đỡ cực mà phải bỏ công ươm những mầm non?

Có rất nhiều triết lý xung quanh câu chuyện này.

Một cái cây nếu mình tự tay ươm trồng sẽ quen dần với thổ nhưỡng, khí hậu. Qua bàn tay người chăm sóc, rễ cây đó sẽ bám sâu vào đất hút chất dinh dưỡng mà sinh trưởng.

Đạo lý trồng người cũng vậy: Nếu mình bỏ tình yêu thương quan tâm, chăm lo cho các em học sinh thì các em cũng sẽ được thụ hưởng những điều tốt đẹp nhất, trở thành những người tài đức vẹn toàn, cống hiến cho xã hội.

Triết lý thứ hai, nếu mua một cái cây lớn về trồng thì cái cây đó chỉ là vật trang trí cho đời mình. Nhưng ươm một cây non, 10 năm nữa sẽ có cả một khuôn viên xanh, sạch, đẹp. Đầu tư cho giáo dục là một sự đầu tư lâu dài không chỉ có ý nghĩa trong hiện tại mà còn có giá trị trong tương lai.

Đây cũng chính là những điều Trường Tôn Đức Thắng đã, đang và sẽ làm không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn vì những thế hệ tương lai, vì một giá trị lớn lao hơn là sự ganh đua hay cái tôi vị kỷ”.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là minh chứng cho câu: Nước lã mà vã lên hồ (Ảnh:V/N)

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là minh chứng cho câu: Nước lã mà vã lên hồ (Ảnh:V/N)

Trong các thế hệ sinh viên, giảng viên, nhân viên trường Đại học Tôn Đức Thắng vẫn truyền tai nhau những truyền kỳ về thầy Lê Vinh Danh.

Thầy Lê Trọng kể: “Từ những chuyện nhỏ nhất cũng có thể thấy được tầm nhìn và tâm huyết của thầy Danh. Thầy thường dành thời gian tản bộ quanh trường, quan sát từng chi tiết rất nhỏ. Thậm chí cành cây nào cần phải chặt bỏ, cần phải giữ lại thầy đều giải thích tận tình.

Trong quan niệm của thầy: Mỗi gốc cây, mỗi nhành hoa đều có một giá trị riêng. Bản sắc của giáo dục cũng vậy, giáo dục là phải ươm trồng và giúp các em phát huy được khả năng của mình. Đó cũng là một phần trong triết lý giáo dục của thầy Lê Vinh Danh”.

Sau những giờ tan học, Nhã cùng các bạn của mình có thói quen ngồi hàng giờ dưới những hàng cây rợp bóng, kể cho nhau nghe truyền kỳ về thầy Lê Vinh Danh cũng như kỳ tích “nước lã mà vã lên hồ, tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan” của Trường Đại học Tôn Đức Thắng tại chính cái nơi chỉ khoảng hơn chục năm trước còn là những bãi sình lầy, hoang hóa, ngày nay đã vươn ra thế giới.

Vũ Ninh